Thực tế cho thấy, đến nay, chương trình xây dựng nông thôn mới trong cả nước đến nay đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Cả nước đã có 4.458 xã (50,01%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 620 xã (6,96%) so với cuối năm 2018; có 80/664 đơn vị cấp huyện thuộc 35 tỉnh (11,6%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 16 đơn vị so với cuối năm 2018); bình quân cả nước đạt 15,26 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Tuy vậy, mặt trái của quá trình xây dựng nông thôn mới qua thời gian cũng bộc lộ khá nhiều. Đó là tình trạng “vung tay quá trán”, “ăn trước trả sau” khi thực hiện các công trình nhằm đạt chuẩn nông thôn mới, như vận động xã hội hóa thực hiện các dự án, công trình lớn nhưng khả năng ngân sách của địa phương có hạn nên không thể hoàn trả kịp cho nhà đầu tư; xây dựng tràn lan một số công trình cốt theo chuẩn chứ không theo nhu cầu, dẫn đến tốn kém, lãng phí; vay mượn nợ, ứng trước ngân sách… quá nhiều.
Chạy theo thành tích là một căn bệnh có nguồn gốc sâu xa là tư tưởng trọng danh hơn thực, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Việc chạy đua theo phong trào, thành tích của chương trình NTM trong thực tế thường thể hiện nhiều ở nội dung nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, vật chất nông thôn hay ở lĩnh vực mô hình văn hóa, thiết chế văn hóa…
Có lẽ bắt đầu từ sự suy nghĩ rằng, nông thôn mới là phải có hình thức mới - những thứ có thể đong, đo, đếm được: con đường, cây cầu, kênh mương, trụ sở, chợ búa, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa... Ở đâu đó, không khó để nhận ra nhiều công trình xây dựng rất quy mô, nhưng hoạt động thì nghèo nàn, đơn điệu, sai chức năng. Tất nhiên, nông thôn mới cần đầu tư nhiều công trình phục vụ dân sinh. Nhưng suy cho cùng, đó chỉ là phần “xác”- là điều kiện cần. Phần “hồn” - điều kiện đủ, là nội dung hoạt động mới là cái đáng quan tâm ngay từ bước chuẩn bị đầu tư nhưng chưa thật sự được coi trọng.
Cái mà người dân cần không hẳn là trường học mới, mà là chất lượng dạy và học. Không phải là trạm y tế mới, mà là thái độ tận tụy của người thầy thuốc, là sự thuận tiện trong khám chữa bệnh cho người dân. Không phải là thiết chế văn hóa mới, mà là sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Không phải là trụ sở làm việc mới, phương tiện làm việc hiện đại, mà chính là tinh thần mẫn cán, thân thiện, là nụ cười, là tiếng cám ơn, là lời xin lỗi thật lòng của cán bộ, công chức với người dân. Không phải là cổng làng hoành tráng, mà trong đó người dân có tinh thần tương thân tương ái, biết tự chủ, tự lực, tự cường, biết hợp tác với nhau trong cuộc sống và trong sản xuất…
Không gì chóng cũ bằng chính cái mới. Vì vậy, chúng ta cần sớm nhận ra cái cũ trong bản thân nó, để điều chỉnh, để vượt qua.