Bình Dương: Gắn bảo vệ môi trường với phát triển bền vững

06/03/2018 17:28

(TN&MT) - Dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Bình Dương, cùng với sự hướng dẫn và giúp đỡ của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nên công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực, từ đó góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

Binh Duong 1
Bình Dương xác định bảo vệ môi trường là mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững

Tăng cường năng lực quản lý

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Với quan điểm bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, đòi hỏi phải có sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong cả hệ thống chính trị. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương đã tập trung chỉ đạo việc triển khai thi hành và tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, việc lồng ghép bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của tỉnh Bình Dương đã được quan tâm thực hiện. Các Quy hoạch của tỉnh như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2025, Quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030, Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030… đều lồng ghép vấn đề bảo vệ môi trường.

Và việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường nhằm cụ thể hóa các quy định của Trung ương trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng đã luôn được quan tâm và chú trọng thực hiện. Trong năm 2016 - 2017, tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành và các đoàn thể trong bảo vệ môi trường cũng ngày càng chặt chẽ. Bình Dương đã tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện và tổ chức ký kết lại Chương trình phối hợp hành động về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Căn cứ Chương trình phối hợp, các tổ chức đoàn thể đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Bình Dương còn kiện toàn và ổn định bộ máy quản lý môi trường các cấp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Bình Dương đã thành lập Đội công tác liên ngành kiểm tra đột xuất về tình hình chấp hành bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp nhằm xử lý và hạn chế những hành vi né tránh, đối phó của các doanh nghiệp trong quá trình thanh - kiểm tra.

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương nhận định: Công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường có nhiều thuận lợi bởi tình hình chính trị trên địa bàn tỉnh ổn định, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, trật tự xã hội được giữ vững. Bình Dương với tinh thần đoàn kết, chủ động và quyết tâm cao đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.

Tích cực thực hiện nhiệm vụ

Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường…, Bình Dương đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong 2 năm vừa qua.

Cụ thể, Bình Dương đã xây dựng Danh mục các dự án đầu tư, các vùng, các địa điểm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường và đề xuất biện pháp phòng ngừa, xử lý; xây dựng Đề án nâng cao năng lực giám sát và phát hiện các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường; xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án thành phố thông minh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, sửa đổi lại Quy định bố trí các ngành nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng ngăn chặn các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, xả thải nhiều nước thải và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; chỉ thu hút các dự án đầu tư đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là các doanh nghiệp có lưu lượng từ 200 m3/ngày trở lên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong năm 2017, đã thanh - kiểm tra về bảo vệ môi trường 1.309 doanh nghiệp, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 453 doanh nghiệp với số tiền gần 38 tỷ đồng.

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Bình Dương đã triển khai lắp đặt quan trắc nước thải tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động cho các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 500 m3/ngày trở lên. Đến nay đã có 62/93 nguồn thải đã lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động, kiểm soát được 78% tổng lưu lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, chủ động xác lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của tỉnh để tập trung xử lý nhằm khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường. Hàng năm, Bình Dương đều ban hành Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường để tập trung xử lý, đến nay 268/269 cơ sở nằm trong danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành khắc phục ô nhiễm, đạt tỷ lệ trên 99%.  

Binh Duong 2
Bình Dương cũng rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp

Chủ động phòng ngừa, kiểm soát

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho hay: Qua đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2017 của địa phương cùng với việc nghiên cứu các chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tế của tỉnh, Bình Dương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2018 với những nội dung chính, như sau: 

Bình Dương sẽ tiến hành Phân vùng xả thải của các kênh rạch, sông, suối trên địa bàn tỉnh; sửa đổi lại Quy định bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương theo các văn bản quy định pháp luật mới về bảo vệ môi trường và cho phù hợp với thực tế quản lý môi trường hiện nay; hoàn thành báo cáo Hiện trạng môi trường tỉnh Bình Dương - chuyên đề về chất thải rắn.

Song song đó, tiếp tục phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 30/CT-UBND ngày 28/12/2016 của UBND  tỉnh Bình Dương về việc đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg đến các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong đoàn thể, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường; xây dựng và công bố Sách Xanh về môi trường để tuyên dương các đơn vị thực hiện tốt bảo vệ môi trường, đồng thời công khai những cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các hình thức xử lý.

Hơn nữa, chủ động phòng ngừa ô nhiễm bằng nhiều biện pháp như: ưu tiên bố trí các dự án sản xuất công nghiệp trong các khu - cụm công nghiệp tập trung; không tiếp nhận những dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thực hiện tốt công tác hậu kiểm sau khi cấp phép đầu tư và kiên quyết không cho những cơ sở mới chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo quy định đi vào hoạt động.

Bình Dương cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh - kiểm tra và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Trong đó, tập trung vào các khu - cụm công nghiệp, các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải lớn hơn 200 m3/ngày và các doanh nghiệp thuộc ngành nghề gây ô nhiễm môi trường; xử lý kiên quyết và triệt để các cơ sở vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, nâng cao năng lực quan trắc và thông tin môi trường theo hướng tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống các trạm quan trắc nước thải, khí thải, nước mặt và nước ngầm tự động, kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải để có biện pháp kiểm soát, xử lý, khắc phục kịp thời; triển khai thực hiện Đề án thành phố thông minh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...

Cần có giải pháp tối ưu

Qua việc thực hiện Kế hoạch và dự toán ngân sách sự nghiệp môi trường hàng năm, để công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương được thực hiện hiệu quả hơn, Bình Dương cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ TN&MT xem xét cho thực hiện một số giải pháp trong thời gian tới, như sau:

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý Tài nguyên và Môi trường từ Trung ương đến địa phương theo hướng tập trung quản lý, phân cấp cho địa phương và phân công trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tham gia quản lý rõ ràng, cụ thể để tránh sự chống chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm.

Cần ban hành và cụ thể hóa các chính sách nhằm khuyến khích thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhất là đối với đầu tư vào cụm công nghiệp; các chính sách nhằm khuyến khích, động viên sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường.

Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm như: miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi, hỗ trợ tài chính đối với các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn, thực hiện quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14000, tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý ô nhiễm.

Tăng cường giúp đỡ và hỗ trợ tỉnh Bình Dương tham gia các dự án quốc tế và trong nước về biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực, bảo vệ môi trường cho tỉnh; đồng thời hỗ trợ cho tỉnh Bình Dương được vay vốn ODA để đầu tư các công trình xử lý chất thải, cải thiện môi trường...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Gắn bảo vệ môi trường với phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO