Trên cơ sở đồ án quy hoạch chung đô thị Hoài Nhơn, quy hoạch vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 được duyệt, ngoài vị trí bãi chôn lấp hiện hữu, Sở Xây dựng đã đề xuất thêm 3 vị trí mới dọc theo phía Tây tuyến đường Tây tỉnh (ĐT.638) thuộc các khu phố Đệ Đức, Giao Hội 1, Giao Hội 2 của phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn để kiểm tra hiện trường, quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, diện tích từ 15,0 ha ÷ 20,0 ha. 3 vị trí này cách bãi rác hiện trạng từ 5,0 km đến 7,0 km, có cự ly vận chuyển trung bình phù hợp, cách xa khu dân cư, đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh.
Các điểm khảo sát xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt |
Ngoài 3 vị trí nêu trên, Sở Xây dựng cũng có nghiên cứu thêm nhiều vị trí khác có ưu điểm cách xa khu dân cư, cự ly vận chuyển trung bình phù hợp như vị trí tại xã Hoài Đức nhưng tuyến đường vận chuyển rác lại đi qua khu vực dân cư khá đậm đặc, hoặc các vị trí thuộc các xã, phường phía Bắc của thị xã Hoài Nhơn thì cự ly vận chuyển trung bình quá xa, làm tăng chi phí thu gom và vận chuyển rác nên Sở Xây dựng không đề xuất.
Nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt từ các chợ ở thị xã Hoài Nhơn |
Qua kiểm tra hiện trường 3 vị trí mới dọc theo tuyến đường Tây tỉnh (ĐT.638) tại các khu phố Đệ Đức, Giao Hội 1, Giao Hội 2 thuộc phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn thì cả 3 vị trí này vẫn chưa hội đủ các điều kiện phù hợp để quy hoạch xây dựng nhà máy mới do: Địa hình có độ dốc lớn, khó tiếp cận các công trình hạ tầng kết nối như cấp điện, cấp nước, đường giao thông dẫn đến tăng chi phí đầu tư hạ tầng, khó thu hút đầu tư. Diện tích đủ điều kiện để xây dựng chỉ từ 5 ha đến 7 ha nên chưa đảm bảo quy mô cho khu xử lý cấp vùng. Mặt khác, các vị trí này tương lai bị chia cắt bởi các tuyến đường bộ cao tốc và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Ngoài ra, địa điểm mới sẽ khó được người dân địa phương chấp thuận khi tiến hành lập quy hoạch và lấy ý kiến cộng đồng dân cư.
Khu phố Thiết Đính Nam, phường Bồng Sơn |
Từ những lý do nêu trên, UBND thị xã Hoài Nhơn đề nghị cho phép địa phương tiếp tục sử dụng khu xử lý chất thải rắn hiện có tại khu phố Thiết Đính Nam, phường Bồng Sơn. Theo quy hoạch được duyệt có diện tích khoảng 8 ha, hiện tại giai đoạn 1 của dự án sử dụng diện tích 4,3 ha, có thể mở rộng quy hoạch lên 10 ha, đảm bảo xử lý rác công suất đến 500 tấn/ngày trên cơ sở áp dụng công nghệ xử lý hiện đại, an toàn môi trường.
Ưu điểm của địa điểm này hiện tại đã được người dân chấp nhận, chưa gây ô nhiễm về môi trường. Nhược điểm duy nhất chỉ còn vướng một số hộ dân cách bãi chôn lấp khoảng 350 m phía Tây Bắc, theo QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, phạm vi khoảng cách bảo vệ môi trường đối với công trình chứa dây chuyền xử lý chất thải rắn phải có bán kính ≥ 500 m.
UBND thị xã Hoài Nhơn cam kết sẽ thực hiện di dời, tái định cư cho khu dân cư khu vực nói trên khi thực hiện nâng cấp, mở rộng dự án (theo số liệu báo cáo của thị xã Hoài Nhơn có khoảng 30 hộ, hiện thị xã vẫn còn quỹ đất tái định cư Bàu Rong có thể bố trí tái định cư nếu như các hộ dân chấp thuận di dời).
Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn là nhu cầu tất yếu khi Hoài Nhơn phát triển đô thị |
Trên cơ sở đề nghị của UBND thị xã Hoài Nhơn và nhận được sự thống nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường và đề xuất của Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương cho UBND thị xã Hoài Nhơn lập quy hoạch điều chỉnh quy mô bãi chôn lấp chất thải rắn hiện hữu tại khu phố Thiết Đính Nam, phường Bồng Sơn lên 10 ha, với công nghệ tiên tiến, hiện đại đảm bảo tỷ lệ chôn lấp chất thải sau xử lý đạt dưới 30%, quy mô công suất phục vụ chủ yếu cho thị xã Hoài Nhơn có tính đến vùng phụ cận khu vực phía Bắc tỉnh
Cùng đó giao UBND thị xã Hoài Nhơn khẩn trương lập đề xuất dự án, làm cơ sở kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ tiên tiến, đảm bảo môi trường; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động, thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư các hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng theo quy định.