Tác động của BĐKH
Tỉnh Bình Định thường xuyên chịu ảnh hưởng các loại thiên tai như bão, mưa lớn gây lũ lụt, sạt lở núi và hạn hán. Tác động của BĐKH làm gia tăng cường độ các hiện tượng thiên tai: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán; gió Tây khô nóng xuất hiện sớm và kéo dài.
Tác động của BĐKH gây rối loạn chế độ mưa, nguy cơ nắng nóng nhiều hơn, tăng nhiệt độ và bốc hơi, dòng chảy tăng vào mùa lũ và giảm vào mùa cạn khiến hạn hán khốc liệt hơn, ảnh hưởng lớn đến đất đai, tài nguyên nước. Ngoài ra, hiện tượng nhiễm mặn ở vùng ven biển đang có xu hướng gia tăng cả về biên độ và cường độ do BĐKH. Nhiễm mặn xuất hiện vào mùa khô ở hầu hết tại hạ lưu các dòng sông đổ ra biển như cửa sông Tam Quan, sông Lại Giang và các vùng trũng ven các đầm Trà Ổ, Đề Gi, Thị Nại.
Hiện Bình Định có 3 đơn vị hoạt động liên quan đến công tác ứng phó BĐKH là: Sở TN&MT (1 chuyên trách, 3 kiêm nhiệm), Sở NN&PTNT (5 chuyên trách Phòng chống thiên tai), Văn phòng Điều phối về BĐKH (3 chuyên trách, 2 kiêm nhiệm). Tỉnh Bình Định đã thành lập bộ máy tổ chức chỉ đạo, điều phối, quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và các chương trình, dự án, hoạt động khác về BĐKH.
Thời gian qua, việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án về ứng phó với BĐKH cơ bản được triển khai thuận lợi, đúng quy định và kịp thời. Các chương trình, văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với BĐKH ban hành trên địa bàn tỉnh Bình Định đảm bảo hiệu lực thi hành của văn bản theo quy định.
Chia sẻ về những kết quả đạt được trong việc thực hiện quy định pháp luật về ứng phó với BĐKH, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Nhận thức về BĐKH đã có những bước chuyển biến tích cực, bước đầu các ngành, các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể và người dân đã quan tâm đến BĐKH và các tác động của BĐKH. Các cơ quan trên địa bàn tỉnh ngày càng chú ý thực hiện chính sách, pháp luật về BĐKH, hoạt động ứng phó với BĐKH, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đã được tăng cường, phù hợp với bối cảnh và điều kiện của tỉnh trong bối cảnh BĐKH của cả nước và toàn cầu. Việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, phát triển đô thị, sử dụng tài nguyên, đất đai trên địa bàn tỉnh đều được lồng ghép, xét đến yếu tố tác động của BĐKH.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, kết quả triển khai các chương trình, dự án BĐKH, trong đó có các dự án về cơ sở hạ tầng đã phát huy tính hiệu quả, tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH, ngăn chặn xâm nhập mặn. Đồng thời, việc hình thành đưa vào hoạt động các dự án năng lượng xanh, sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ BĐKH, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bình Định thực hiện ngân sách Nhà nước cho ứng phó với BĐKH, ưu tiên bố trí kinh phí vốn đầu tư (vốn ngân sách và vốn viện trợ) cho các chương trình, dự án, đề án cho ứng phó với BĐKH từ năm 2016 đến 2021 là 353.260.198.880 đồng (phần đã giải ngân), trong đó, tổng kinh phí từ ngân sách đã và đang thực hiện chi cho công tác ứng phó với BĐKH là 350.631.175.800 đồng.
Giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với BĐKH, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh chia sẻ, Tỉnh Bình Định đưa ra 3 nhóm giải pháp bao gồm:
Nhóm giải pháp về thể chế, chính sách, đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các thể chế và chính sách pháp luật liên quan đến ứng phó với BĐKH. Hoàn thiện và kiện toàn bộ máy làm công tác quản lý Nhà nước về ứng phó với BĐKH; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai từ Trung ương tới địa phương. Có cơ chế chính sách ưu đãi đối với những ngành, lĩnh vực, các tổ chức và cá nhân triển khai các chương trình mục tiêu về ứng phó với BĐKH; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Có chính sách hỗ trợ các ngành, lĩnh vực và địa phương bị ảnh hưởng nhiều của BĐKH, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Nhóm giải pháp về tổ chức, thực hiện tuyên truyền sâu, rộng đến các cấp, các ngành và nhân dân về tầm quan trọng của công tác ứng phó với BĐKH; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Cần có sự phối kết hợp đồng bộ giữa Trung ương và địa phương cũng như giữa các cấp, các ngành về ứng phó với BĐKH; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Nhóm giải pháp về nguồn lực, chú trọng đào tạo cán bộ về lĩnh vực ứng phó với BĐKH; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Cân đối, tăng đầu tư từ ngân sách, kết hợp với đa dạng hóa các nguồn đầu tư trong và ngoài nước, tập trung các nguồn vốn ưu đãi cho các dự án trọng điểm ứng phó BĐKH, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Khuyến khích toàn dân tham gia vào công tác ứng phó với BĐKH; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Mỹ Bình