Bình Định: Tìm giải pháp cho vấn đề ô nhiễm tại các cụm công nghiệp và làng nghề
Thời gian qua, hoạt động của các cụm công nghiệp (CCN) và làng nghề tại Bình Định đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và bảo tồn, phát huy giá trị các ngành nghề truyền thống của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các CCN và làng nghề cũng phát sinh những tác động đến môi trường, ảnh hưởng nhất định đến đời sống và sản xuất của các khu dân cư lân cận. Tìm giải pháp cho vấn đề này đang được các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm.
Nhiều CCN không đảm bảo khoảng cách về môi trường
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có có 45 CCN trong quy hoạch đã cơ bản hoàn thiện mặt bằng và đi vào hoạt động và 2 CCN Nhơn Bình và Quang Trung trên địa bàn thành phố Quy Nhơn không nằm trong quy hoạch và đã có kế hoạch di dời nhưng hiện vẫn còn hoạt động. Nếu loại trừ các CCN thời gian tới sẽ phải ngừng hoat động hoặc di dời, tỉnh còn 38 CCN hoạt động ổn định. Có 23/38 CCN có tỷ lệ lấp đầy các doanh nghiệp thứ cấp đạt trên 50%, các CCN còn lại có tỷ lệ lấp đầy dưới 50%.
Về các làng nghề, theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 42 làng nghề đang hoạt động ổn định, trong đó có 16 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, 26 làng nghề thuộc nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn... Các làng nghề trên địa bàn tỉnh sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống ở quy mô hộ gia đình. Một số làng nghề đã bước đầu kết hợp ứng dụng một số công nghệ, máy móc trong một số công đoạn sản xuất như làng nghề tiện gỗ, làm nhang, chiếu cói, bún tươi...
Đánh giá về việc tuân thủ hồ sơ pháp lý và quy hoạch về môi trường của các CCN trên địa bàn, UBND tỉnh Bình Định cho biết, hiện có 23/38 CCN đã hoạt động có hồ sơ môi trường (Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết) được UBND tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt; có 3 CCN đã có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Một số CCN không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường; trong đó, một số CCN có vị trí rất gần khu dân cư, thậm chí có dân cư sinh sống ổn định, xen lẫn trong CCN. Nhiều CCN có tỷ lệ diện tích cây xanh chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định và chưa có vành đai cây xanh để hạn chế tác động đến các khu dân cư lân cận.
Về công tác thu gom và xử lý nước thải, UBND tỉnh Bình Định cho biết, hiện có 3/38 CCN có lưu lượng nước thải (nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất) thực tế hiện nay trên 100 m3/ngày đêm, cụ thể: CCN Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn; CCN Cát Trinh, huyện Phù Cát và CCN Cầu Nước Xanh, huyện Tây Sơn. Có 14/38 CCN có lưu lượng nước thải phát sinh thực tế hiện nay và dự báo đến năm 2025 từ 50 m3/ngày đêm trở lên (hiện tại phát sinh dưới 100 m3/ngày đêm). Cùng với đó, có 21/38 CCN đang hoạt động còn lại có lượng nước thải phát sinh hiện nay cũng như dự báo đến năm 2025 dưới 50 m3/ngày đêm.
Trong công tác thu gom và xử lý nước thải, theo UBND tỉnh Bình Định, hiện có 10/38 CCN đã và đang xây dựng hệ thống thu gom nước thải, tách riêng với hệ thống thu gom và thoát nước mưa. Có 6/38 CCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó có 5 hệ thống xử lý nước thải đã vận hành và 1 hệ thống xử lý tại CCN Gò Mít đã xây dựng xong nhưng chưa đưa vào hoạt động.
Qua theo dõi cho thấy, một số hệ thống xử lý hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân chính là chưa thu gom triệt để nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dẫn về hệ thống và công tác quản lý, vận hành chưa đồng bộ. Toàn bộ hệ thống xử lý nước thải các CCN chưa đầu tư lắp đặt trạm quan trắc tự động và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Điều 97 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Đối với các làng nghề, đến nay, có 30/42 làng nghề đã lập Phương án Bảo vệ môi trường. Có 26/42 làng nghề chủ yếu phát sinh nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất phát sinh không đáng kể và được xử lý chung với nước thải sinh hoạt. 16 làng nghề thuộc nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có phát sinh nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt. Trong đó, có 2 làng nghề phát sinh lượng nước thải trên 50 m3/ngày đêm, phần lớn nước thải sản xuất có hàm lượng ô nhiễm hữu cơ cao. Các làng nghề còn lại chủ yếu phát sinh nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất phát sinh ít và được các hộ dân tận dụng phục vụ chăn nuôi.
Đầu tư xây mới hoặc nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý nước thải?
Trước thực trạng trên, ngày 10/4/2023, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định về Phương án xử lý nước thải các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, toàn bộ các CCN phải khẩn trương đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo đồng bộ hệ thống thu gom nước thải, tách riêng với hệ thống thu gom và thoát nước mưa. Các CCN có lượng nước thải hiện tại hoặc dự báo đến năm 2025 từ 50 m3/ngày đêm trở lên phải ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và trạm quan trắc tự động.
Các CCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung phải khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng và đầu tư nâng cấp, cải tạo để đưa vào hoạt động đảm bảo; yêu cầu toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong CCN phải thu gom nước thải đảm bảo và đấu nối vào hệ thống thoát nước thải của CCN; đồng thời, đầu tư bổ sung trạm quan trắc tự động nước thải. Trong thời gian chưa đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, phải yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các CCN tự xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải nước thải ra môi trường.
Đối với các CCN đã có kế hoạch di dời hoặc dừng hoạt động nhưng hiện vẫn còn hoạt động, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư CCN có trách nhiệm rà soát, vận hành đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải (nếu có) và yêu cầu các các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong CCN phải thu gom và xử lý nước thải theo hồ sơ môi trường được phê duyệt. Đối với các CCN mới thành lập phải đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung mới được phép đi vào hoạt động.
Đối với làng nghề, UBND tỉnh cho biết, các làng nghề phát sinh lượng nước thải sản xuất lớn (từ 50 m3/ngày đêm trở lên) mới xem xét việc đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung phù hợp với đặc điểm ngành nghề và phân bố các hộ sản xuất trong làng nghề. Các làng nghề nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà trong yêu cầu khắc phục ô nhiễm là phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung thì phải đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, UBND tỉnh Bình Định cũng xác định nội dung và phân kỳ đầu tư các hệ thống thu gom và xử lý nước thải đối với các CCN và làng nghề trên địa bàn. Theo đó, với 10/38 CCN đã có hệ thống thu gom nước thải phải thực hiện việc nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom nước thải và thực hiện đấu nối đồng bộ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong CCN, hoàn thành trong năm 2023.
Với các CCN còn lại đã hoạt động nhưng chưa có hệ thống thu gom nước thải phải đầu tư đồng bộ hệ thống hệ thống thu gom nước thải tách riêng với hệ thống thu gom, thoát nước mưa và đấu nối đồng bộ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong CCN, hoàn thành trong giai đoạn 2023-2024. Với 6/38 CCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung phải thực hiện kiểm tra, đánh giá hiện trạng và đầu tư nâng cấp, cải tạo để đưa vào hoạt động đảm bảo, hoàn thành trong năm 2023; đầu tư lắp đặt trạm quan trắc tự động để truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường, hoàn thành trong năm 2024.
Đối với làng nghề, UBND tỉnh cho rằng, cần đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung của làng nghề sản xuất bún tươi Ngãi Chánh, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn trong năm 2023. Đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom và thoát nước thải tập trung của làng nghề chế biến cá cơm khô Mỹ An, huyện Phù Mỹ. Đầu tư mới hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của làng nghề Bún - Bánh An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn giai đoạn 2023-2025.
Theo Quy hoạch phát triển CCN tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 62 CCN, trong đó hiện có 45 CCN đã cơ bản hoàn thiện mặt bằng và đi vào hoạt động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 42 làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động, phân bố trên địa bàn 6 huyện và 2 thị xã với các lĩnh vực sản xuất chủ yếu như chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh.