Bình Định: Phép màu nào cho làng Canh Tiến, xã vùng cao Canh Liên!

12/05/2018 19:25

(TN&MT) - Ngôi làng Canh Tiến, xã vùng cao Canh Liên, huyện Vân Canh hàng trăm năm vẫn tồn tại nhiều không: không đường, không điện, không trạm, không sóng điện...

(TN&MT) - Ngôi làng Canh Tiến, xã vùng cao Canh Liên, huyện Vân Canh hàng trăm năm vẫn tồn tại nhiều không: không đường, không điện, không trạm, không sóng điện thoại và thiếu nước sinh hoạt cho tới bây giờ vẫn thế. Cần lắm một phép màu làm thay đổi cuộc sống của người dân và đánh thức tiềm năng du lịch nơi đây.
Đường vào làng Canh Tiến, xã vùng cao Canh Liên, huyện Vân Canh
Đường vào làng Canh Tiến, xã vùng cao Canh Liên, huyện Vân Canh
Muốn tới làng Canh Tiến, xã vùng cao Canh Liên phải đi qua hai con đường: đi đường mòn từ xã Canh Hiệp qua đèo Nha Sam hoặc đi đò ngang từ Hồ Núi Một xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn mới có thể vào làng.
Phương tiện đi lại bằng đò, ghe, xuồng từ Hồ Núi Một xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn vào làng Canh Tiến
Phương tiện đi lại bằng đò, ghe, xuồng từ Hồ Núi Một, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn vào làng Canh Tiến
Ngôi làng nằm ẩn khuất bị bao bọc bởi núi, rừng, nước của Hồ Núi Một rộng lớn. Không có đường giao thông vào làng, địa hình, phương tiện đi lại khó khăn nên cũng không thể lắp đặt hệ thống lưới điện, trạm phát sóng, sóng điện thoại khiến cho ngôi làng biệt lập với thế giới bên ngoài.
Làng hiện có 141 hộ với 483 nhân khẩu hầu hết đều là người đồng bào dân tộc Ba Na, Chăm
Làng hiện có 141 hộ với 483 nhân khẩu hầu hết đều là người đồng bào dân tộc Ba Na, Chăm
Trong làng hiện có 141 hộ với 483 nhân khẩu hầu hết đều là người đồng bào dân tộc Ba Na, Chăm, trong đó chỉ có 4 hộ không thuộc hộ nghèo. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi, nương rẫy, lấy mật ong, bẻ lá nón, lượm dầu rái, trồng lúa đều nhờ nước trời vì không có hệ thống tưới tiêu đồng ruộng như người dân vùng đồng bằng, mỗi năm họ chỉ làm một vụ. Mỗi ngày người dân chỉ kiếm khoảng 50.000-100.000 đồng. Những năm gần đây người dân trong làng nhận giao khoán, chăm sóc bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ vừa làm thay đổi nhận thức của bà con về việc bảo vệ và phát triển rừng vừa nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế gia đình.
Làng Canh Tiến có 137 hộ nghèo, 4 hộ không nghèo
Làng Canh Tiến có 137 hộ nghèo, 4 hộ không nghèo
Ông Nguyễn Văn Lam, người dân tộc Chăm - Công an viên làng Canh Tiến chia sẽ: “Người dân ở đây sống khó khăn nhất vẫn là đường xá đi lại không có. Chưa kể mấy năm nay bà con thiếu nước sinh hoạt. Cả làng có 8 bể nhưng chỉ có 3 bể chứa nước trong khi hộ dân đông nên nước không có để sinh hoạt. Nước ở trên thác, suối chảy xuống thì sợ nước bị nhiễm thuốc sâu từ ruộng lúa nên phải đi lấy nước rất xa, phải trên 100 hộ đang thiếu nước sạch sinh hoạt. Còn điện thì chúng tôi dùng máy phát điện. Khoảng chục hộ trong làng có máy phát điện, hộ nào dùng điện chung thì trả tiền dầu cho chủ hộ. Gia đình tôi tiết kiệm hơn khi dùng đèn năng lượng mặt trời được dùng quanh năm. Mặc dù không có hệ thống điện nhưng người dân giúp đỡ nhau nên nhà nào cũng có điện để dùng không phải thắp đèn dầu”.
Bể chứa nước tập trung phục vụ người dân trong làng Canh Tiến
Bể chứa nước tập trung phục vụ người dân trong làng Canh Tiến
Ông So Ước, người dân tộc Ba Na tâm sự với chúng tôi: “Tôi sống hơn 20 chục năm ở làng. Nhờ sự quan tâm của nhà nước, chính quyền địa phương người dân vay vốn Ngân hàng chính sách để làm ăn, chăn nuôi, trồng trọt, nương rẫy nhưng khổ nhất vẫn là đường giao thông không có nên không có nơi tiêu thụ. Người dân không có phương tiện đưa nông sản tự trồng đem ra ngoài bán và người ở ngoài cũng khó vào làng để mua nông sản, chỉ người cần nhu cầu mua heo đen mới vào tận làng để mua”.
Ngôi trường dành cho 87 học sinh mẫu giáo – tiểu học của làng Canh Tiến
Ngôi trường dành cho 87 học sinh mẫu giáo - tiểu học của làng Canh Tiến
Xã Canh Liên có 8 thôn thì có tới 4 thôn không có điện gồm làng Cát, làng Chồm, làng Kà Bong, làng Canh Tiến nhưng làng Canh Tiến là vùng khó khăn nhất vì địa hình, phương tiện đi lại, đường xá cách trở là một rào cản rất lớn để Canh Tiến phát triển kinh tế và du lịch. Niềm ao ước bao đời của người dân nơi đây là con đường giao thông về tới làng. Liệu phép màu ấy có đến với bà con đồng bào dân tộc Ba Na, Chăm làng Canh Tiến trong tương lai không xa?!
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Phép màu nào cho làng Canh Tiến, xã vùng cao Canh Liên!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO