Bình Định: Danh trà Gò Loi vang bóng trên đất Hoài Ân

Mỹ Bình | 01/05/2020 17:46

(TN&MT) - Trà Gò Loi là một trong những đặc sản nổi tiếng của huyện trung du, miền núi Hoài Ân. Trải qua nhiều biến cố và thăng trầm, trà Gò Loi “vắng bóng” một thời gian dài trên thị trường nay lại được vực dậy.

Năm 1979, trên vùng đất trung du, miền núi huyện Hoài Ân, Nông trường trà Gò Loi được thành lập tại tôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây. Song gần 10 năm phát triển với bao thăng trầm thì đến năm 1998 Nông trường giải thể, phần lớn diện tích cây trà được phá để trồng các loại cây khác. 

Vườn trà Gò Loi tại xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân 

Thế nhưng, sau nhiều năm “vắng bóng” trên thị trường, danh trà Gò Loi đã dần trở lại thị trường nhờ sự quyết tâm và niềm khao khát của người trồng trà. Mỗi năm người trồng trà Gò Loi ở xã Ân Tường Tây đưa ra thị trường khoảng một tấn sản phẩm trà khô với giá rất cao từ 300-500 ngàn đồng/kg mà vẫn không đủ cung cấp phục vụ thượng khách. Việc khôi phục lại trà Gò Loi không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo được việc làm cho người dân nơi đây.

Danh trà Gò Loi  trở lại thị trường nhờ sự quyết tâm và niềm khao khát của người trồng trà

Theo các hộ sản xuất trà Gò Loi, tiêu chuẩn quan trọng để làm nên loại trà Gò Loi ngon nức tiếng là búp trà phải đạt một tôm hai lá non. Chọn búp đinh (ngọn trên cùng của búp) ngắn, mập, chắc để khi sao xong sẽ cho đinh trà chắc, không bị vụn.  Nên hái trà vào buổi sáng sớm khi vừa tan sương chưa có nắng để trà có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất.

Trà Gò Loi chính hiệu phải là trà khi chế ra có màu vàng hơi đậm, vị chát tương đối dịu. Không đẹp hình như trà Thái Nguyên, cũng không đạt đến trình độ mốc cau- cánh đẹp như hoa cau và mốc trắng đều đặn như có tuyết bám vào, sắc nước cũng không vàng xanh bằng, nhưng vị đậm đà và độ ngọt của nước trà Gò Loi chính là đặc trưng làm cho nhiều người nhớ đến.

Trà Gò Loi chính hiệu phải là trà khi chế ra có màu vàng hơi đậm, vị chát tương đối dịu

Ông Đặng Văn Bằng, một người dân đã gắn bó với vùng đất Gò Loi chia sẻ: Mấy chục năm về trước, trà Gò Loi rất có tiếng tăm, là một sản phẩm vừa có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa là một đặc sản có giá trị văn hóa ẩm thực vùng miền. Nếu có điều kiện phát triển, trà Gò Loi sẽ góp phần làm tăng giá trị bản sắc không lẫn vào đâu của vùng đất trung du, miền núi tỉnh Bình Định.

Trà Gò Loi đang được các hộ dân chế biến bằng phương pháp thủ công và bằng máy. Đến nay, có 14ha của 24 thành viên tham gia, trong đó có 05ha đang được khai thác. Tính trung bình, 01 ha trà mỗi tháng thu 60 kg trà thương phẩm, giá mỗi kg trà dao động từ 300- 500 ngàn đồng, tùy theo loại. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng người trồng thu khoảng 10 triệu đồng. Các thành viên trong Câu lạc bộ trà Gò Loi cho rằng, cây trà Gò Loi phát triển trên vùng đất gò, thấy vậy thật không dễ dàng. Điều đặc biệt, cây trà rất nhạy cảm với thời tiết. Để có những búp chè đẹp, người trồng thật sự phải dày công chăm sóc.

Trà Gò Loi ngon nức tiếng là búp trà phải đạt một tôm hai lá non

Ông Nguyễn Hữu Oanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ trà Gò Loi cho biết: Trong khoảng thời gian từ năm 1985-1988, trà Gò Loi nằm ở đỉnh cao, diện tích trồng trà của Nông trường khoảng 32ha, chưa kể trồng tự phát trong dân. Rồi sau đó cây trà Gò Loi cũng chết dần theo sự giải thể của Nông trường. Nhưng sau đó, muốn giữ lại danh trà một thời, một số người đã dùng hết tài sản để mua hóa giá khoảng 10ha trà mà không được quyền sở hữu đất. Tôi và một vài hộ khác mua lại số ít diện tích đất có trà vì muốn giữ lại thương hiệu trà Gò Loi. Lúc ấy, nếu tôi không mua thì diện tích trà bây giờ sẽ biến mất. Cây trà Gò Loi vĩnh viễn không xuất hiện trên thị trường nữa.

Ông Oanh không những mua đất, đầu tư phát triển cây chè, mà còn nỗ lực nâng cao kỹ thuật chế biến và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm này. Ngày 19/05/2016, thương hiệu Trà Gò Loi đã chính thức được công nhận với tên nhãn hiệu “Hữu Oanh”. Như vậy, sau gần 20 năm kể từ ngày Nông trường trà Gò Loi giải thể, thương hiệu trà Gò Loi mới được vực dậy góp mặt vào thị trường hàng tiêu dùng bằng chính sự nỗ lực và niềm đam mê cây trà của những người con quê hương.

Cây trà là một trong bảy loại cây trồng nằm trong cơ cấu phát triển trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Hoài Ân

Huyện Hoài Ân đánh giá cây trà là một trong bảy loại cây trồng nằm trong cơ cấu phát triển để trở thành hàng hóa trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện. Theo đó, cây trà được xếp đầu bảng, kế đến là bơ sáp, bưởi da xanh, dừa xiêm, sầu riêng.

Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Hoài Ân quy hoạch phát triển diện tích trồng cây trà 42,5 ha. Theo đó, sẽ thực hiện hỗ trợ 100% về giống, 20% hệ thống tưới tiêu, điện nước và kỹ thuật cho các hộ dân trồng trà. Vùng trồng trà nguyên liệu cũng không chỉ dừng ở xã Ân Tường Tây mà sẽ mở rộng ra nhiều xã khác.

Để tiếp sức cho danh trà Gò Loi vang xa, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN vừa trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm trà Gò Loi và bưởi Hoài Ân cho huyện Hoài Ân, giúp cho thương hiệu trà Gò Loi phát triển, lan rộng vươn xa trong cả nước và xuất khẩu ra thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Danh trà Gò Loi vang bóng trên đất Hoài Ân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO