Biến đổi khí hậu vùng Tây Bắc - Bài 3: Giải cứu “lá phổi xanh”

10/06/2019 20:57

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu đang là vấn đề của toàn cầu, không riêng gì Tây Bắc. Song, để "giải cứu" môi trường, mỗi địa phương đều có một cách làm khác nhau, mỗi cách làm đều có những khó khăn và thuận lợi nhất định. Tựu chung lại, họ đều nhận thức được vai trò và những hệ lụy của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu không phải là câu chuyện của một sớm một chiều của hôm nay hay ngày mai mà cần xác định là việc làm mãi mãi.

anh 1 (1)
Vườn Quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: tourdulichsapagiare.com

1. Trải qua một cung đường từ Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái, mỗi tỉnh đều có một cách làm khác nhau. Song tất thảy đều có chung một lộ trình; quy hoạch 3 loại rừng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng đặc dụng để che phủ xanh đất trống đồi trọc. Rừng có vai trò cân bằng hệ sinh thái, tạo độ phì nhiêu cho lớp đất bề mặt, chống sói lở đất, cung ứng nguồn tài nguyên nước dồi dào. Có thể nói, có rừng thì mọi hiểm họa thiên tai, các hiện tượng cực đoan của thời tiết như: nắng hạn, thiếu nước, lũ ống, lũ quét sẽ giảm nhiều.

Vẫn biết chỉ cần có rừng thì mọi hiểm họa thiên tai sẽ giảm, đời sống của đồng bào vùng cao Tây Bắc sẽ vơi đi những trăn trở, lo âu mỗi khi nắng hạn, mưa về. Song giữa nói và làm đó là cả một chặng đường xa thăm thẳm.

Hiện nay, một số tỉnh ở Tây Bắc, chỉ riêng việc quy hoạch 3 loại rừng kể trên thôi đã gặp vô vàn trở ngại. Diện tích đất rừng tăng lên thì diện tích đất nông nghiệp, nương trồng ngô sắn của đồng bào sẽ giảm xuống, an ninh lương thực từ đó cũng giảm theo.

Trong khi đó, một số các tỉnh như Sơn La, Hòa Bình, diện tích cây ăn quả đang phát triển mạnh mẽ... Tất nhiên, không phải vì thế mà các tỉnh này mất đi diện tích đất lâm nghiệp để quy hoạch 3 loại rừng. Song, rõ ràng, diện tích đất trồng cây nông nghiệp tăng lên thì diện tích đất lâm nghiệp sẽ giảm; đó là mối tương quan giữa 2 lĩnh vực trên một địa bàn.

anh 2
Yên Bái trồng rừng. Ảnh: Thanh Ngà

Trao đổi với chúng tôi về chuỗi các hoạt động nhằm ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Tỉnh Lào Cai đã đưa việc ứng phó biến đổi khí hậu ban hành thành Nghị quyết thành 2 giai đoạn; giai đoạn 2013 - 2015 tầm nhìn đến năm 2020 và giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến năm 2030 kèm theo kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu và nhiệm vụ đánh giá khí hậu tỉnh Lào Cai làm cơ sở cho các Sở, ngành và các địa phương trong tỉnh cùng tổ chức thực hiện nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu.

Được biết, một trong những nhiệm vụ mà tỉnh Lào Cai xây dựng ứng phó biến đổi khí hậu là nâng cao tỷ lệ che phủ rừng lên 54,82% năm 2018 (trong khi đó tỷ lệ trung bình của cả Khu vực Tây Bắc là 44,5%). Và năm 2012, Lào Cai đóng cửa rừng tự nhiên, hạn chế tối đa việc chuyển đổi rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên sang mục đích khác.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Lào Cai, chia sẻ: Hiện nay, 70% diện tích rừng trồng của Lào Cai là rừng gỗ lớn. Những diện tích rừng trồng thuần loại trước đây, tại những khu vực có đủ điều kiện, chúng tôi tiến hành một số biện pháp kỹ thuật lâm sinh chuyển đổi làm rừng giàu, trồng bổ sung các loại cây trồng bản địa, cây đa tác dụng và trồng cây dược liệu dưới tán rừng... vừa tạo sinh kế cho người dân vừa tăng cường chất lượng rừng.

Bên cạnh đó, Lào Cai còn bảo vệ tốt 3 khu rừng đặc dụng nhằm đảm bảo tính đa dạng sinh học và nâng cao chất lượng rừng (Vườn Quốc gia Hoàng Liên là một trong những khu rừng đặc dụng có đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam).

Chính vì vậy, chất lượng rừng Lào Cai ngày càng được nâng lên, nâng cao cấu trúc rừng (rừng đa tầng tán, đa loại, chất lượng gỗ rừng tốt...) góp phần vào việc hấp thụ nhà kính, bảo tồn trữ lượng cac-bon rừng, giảm thiểu nguy cơ thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu.

anh 3
Yên Bái trồng rừng. Ảnh: Thanh Ngà

2. Yên Bái là một trong những địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất Khu vực Tây Bắc, đạt 63%, xếp thứ 4 toàn quốc sau Bắc Kạn, Quảng Bình và Tuyên Quang, với diện tích rừng hiện có là 464.151ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm tỷ lệ gần 60%, số còn lại là rừng trồng.

Sở dĩ, Yên Bái có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất khu vực và xếp thứ 4 toàn quốc là do đời sống của người dân được đảm bảo nhờ rừng. Nếu một số các địa phương như: Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La.. khó khăn trong việc triển khai trồng rừng thì Yên Bái lại vô cùng thuận lợi. Song, rừng sản xuất của Yên bái chiếm tỷ lệ khá cao, gần 50% so với tổng số diện tích rừng hiện có.

Ông Nguyễn Phúc Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Yên Bái, cho biết: Từ đầu năm, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện trồng mới được 13.000ha rừng, đạt 82% kế hoạch đề ra.

Trong khi đó, một số huyện của Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình chỉ đạt 8 - 10% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do hiệu suất trồng rừng thấp nên người dân không mặn mà với việc trồng rừng. Theo đó, suất đầu tư trồng rừng được Chính phủ quy định 1 héc-ta rừng phòng hộ được Nhà nước chi trả 15 triệu đồng bao gồm cả công chăm sóc, bảo vệ trong 4 năm. Với mức hỗ trợ này thì chi phí nhân công của người tham gia trồng rừng chỉ đạt 60.000 đồng/công. Trong khi đó, giá nhân công theo quy định là 200 nghìn đồng/công. Nếu áp theo mức tính này thì suất đầu tư hỗ trợ trồng rừng phải phải là 60 - 70 triệu đồng/ha/4năm. Chưa kể đến giá nhân công ngoài thị trường cao hơn rất nhiều so với công trồng rừng.

Bên cạnh đó, tại các tỉnh kể trên người dân chưa sống được nhờ rừng, chưa có ý niệm về trồng rừng để làm nguyên liệu hàng hóa. Chỉ đơn thuần với ý nghĩ trồng rừng để giữ đất, lấy gỗ làm nhà...

Tuy nhiên, việc Yên Bái phát triển rừng sản xuất cũng chỉ là một giả thiết tạm, bởi khi rừng cây đến tuổi khai thác sẽ bị chặt đi, phải mất một thời gian sau cây trồng xen canh mới có thể phủ xanh đất trống. Song, để người dân yêu rừng, gắn bó với rừng thì ngoài việc trồng rừng để cân bằng hệ sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu không còn cách nào khác ngoài việc phải để người dân sống được từ rừng. Từ đó sẽ nhân lên tính tự giác bảo vệ rừng, yêu rừng... hình thành nên tập quán và thói quen bảo vệ thiên nhiên. Làm được việc đó cũng là một cách ứng phó biến đổi khí hậu của địa phương này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu vùng Tây Bắc - Bài 3: Giải cứu “lá phổi xanh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO