Ngay lập tức, “biến đổi khí hậu” đã trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Ggoogle Việt Nam trong ngày hôm nay, với hơn 1 triệu lượt (tính đến 13 giờ), bỏ rất xa từ khóa đứng thứ hai chỉ có hơn 5 nghìn lượt tìm kiếm. Điều này cho thấy, cộng đồng đang có nhu cầu rất lớn về kiến thức, thông tin liên quan đến BĐKH.
Chủ đề của Ngày Trái đất năm 2022 là “Invest in Our Planet” (tạm dịch: Đầu tư vào Hành tinh của chúng ta). Thông điệp nhằm kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên: Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, nhằm thống nhất mục tiêu chung bảo vệ hệ thống khí hậu của Trái đất. Thế giới cần phải thúc đẩy nhanh chóng hành động giảm phát thải khí nhà kính, đạt mức phát thải ròng vào năm 2050 để có thể giữ nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 1,5 °C vào cuối thế kỷ này, theo mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Theo Báo cáo “Biến đổi khí hậu 2022: Tác động, Thích ứng và Tình trạng dễ bị tổn thương”, do Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố đầu năm nay, biến đổi khí hậu có nguyên nhân do con người phát thải khí nhà kính, đã và đang đe dọa cuộc sống của nhiều người trên khắp thế giới, làm tổn hại đến sản xuất lương thực, hủy hoại thiên nhiên và làm suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, mưa lớn, hạn hán và hỏa hoạn ngày càng khốc liệt và xảy ra thường xuyên hơn, đồng thời, khiến mực nước biển dâng cao, axit hóa đại dương và bão xoáy nhiệt đới dữ dội, đang hủy hoại thế giới tự nhiên và tước đi sinh mạng của nhiều người.
Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến việc sản xuất và cung cấp lương thực, đặc biệt là đối với những người nghèo nhất trên thế giới, khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng đói kém nghiêm trọng. Các hiện tượng khắc nghiệt phá hủy mùa màng, gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực, thiếu nước và suy dinh dưỡng. Thực tế này đang diễn ra tại đất nước Somali và là hồi chuông khẩn cấp với tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh các cuộc xung đột diễn ra tại nhiều khu vực, điều này càng làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng nhân đạo, di cư mất kiểm soát.
Trong thế giới tự nhiên, một nửa số loài sinh vật đã thay đổi phạm vi sinh sống; nhiều loài đã tuyệt chủng cục bộ và một số loài đã tuyệt chủng hoàn toàn vì biến đổi khí hậu. Sự phá hủy các hệ sinh thái - do biến đổi khí hậu và các hoạt động khác của con người - làm cho thiên nhiên và con người dễ bị tổn thương hơn và ít có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt, ảnh hưởng đến người dân bản địa và những người trực tiếp phụ thuộc vào thiên nhiên.
Tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu sẽ gia tăng nhanh chóng cùng với nhiệt độ ngày càng ấm lên, trong nhiều trường hợp có thể tạo ra những rủi ro mà con người và thiên nhiên sẽ không thể thích ứng được. Nếu Chính phủ các nước đạt được mục tiêu giảm phát thải theo cam kết hiện nay, nhiệt độ Trái đất vẫn sẽ tăng khoảng 2,6 - 2,7 độ C vào năm 2100, cách rất xa so với mục tiêu 1,5 độ C. Chính vì vậy, tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 26), lãnh đạo Chính phủ các nước đã nhất trí sẽ phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hành động ứng phó BĐKh trong thời gian tới.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia cam kết giảm 30% phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2020; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh Hành động thích ứng toàn cầu.
Việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Để hiện thực hóa các cam kết này, Việt Nam đang trong quá trình thay đổi mô hình phát triển gắn với xu thế phát triển toàn cầu, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, huy động sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo sự gắn kết và tham gia của toàn dân trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây chính là điều kiện để Việt Nam có thể tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu và cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.