Bến Tre sẵn sàng các phương án phòng chống hạn mặn

Bạch Thanh (thực hiện)| 25/02/2021 10:23

(TN&MT) - Năm 2021 được dự báo tiếp tục là năm hạn hán và xâm nhập mặn cao xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, tỉnh Bến Tre đã và đang chủ động các kế hoạch, sẵn sàng các phương án để bảo vệ sản xuất, kiểm soát tốt nguồn nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre

PV: Thưa ông, các ngành chức năng đã đưa ra những cảnh báo về hạn, mặn mùa khô 2021. Vậy, tỉnh Bến Tre đã chủ động ứng phó ra sao, việc tập trung triển khai các công trình thủy lợi trọng điểm như thế nào?

Ông Trần Ngọc Tam:

Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bến Tre đã được đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng thuộc Dự án hệ thống thủy lợi Bắc - Nam Bến Tre; công trình cống đập Ba Lai; hồ chứa nước Kênh Lấp, huyện Ba Tri; nhiều tuyến đê sông, đê bao cục bộ, đê bao các cồn… bước đầu đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hệ thống công trình thủy lợi vẫn chưa được khép kín, do đó tỉnh Bến Tre chưa thể chủ động kiểm soát được nguồn nước ngọt trong tình huống xâm nhập mặn diễn biến gay gắt. Điển hình như mùa khô năm 2019 - 2020 vừa qua, các địa phương trong tỉnh đều bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng, độ mặn 4‰ gần như bao phủ hết phạm vi toàn tỉnh Bến Tre.

Để ứng phó với hạn mặn, tỉnh Bến Tre đã khẩn trương triển khai thực hiện các dự án thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt. Đến nay, Dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào sử dụng 29 cống hở, 16 cống hộp; cùng một số đoạn đê bao ven sông Tiền, ven sông Hàm Luông thuộc các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại và TP. Bến Tre.

Dự kiến năm 2021, Dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 sẽ tiếp tục hoàn thành đưa vào sử dụng cống Kênh Cũ, TP. Bến Tre và tuyến đê bao ven sông Hàm Luông từ cống Cái Mít đến cống Cầu Kinh thuộc huyện Giồng Trôm. Cùng với đó, Dự án hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 11 cống: Cái Cá, Nhà Thờ, Cả Ráng Giữa, Bến Luông, Xẽo Ngang, Năm Lai, Giồng Luông, Tân Tập (Cầu Đất), Tân Ngãi, Tàng Dù, Cả Ráng Dòng.

Phấn đấu đến năm 2024, tỉnh sẽ hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đảm bảo khép kín vòng ngăn mặn, trữ ngọt nhằm ổn định đời sống nhân dân, phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương.

Nguồn nước ngọt đặc biệt quan trọng đối với đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân Bến Tre

PV: Còn về vấn đề cung cấp nước sạch, nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh hiện nay ra sao, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Tam:

Việc cung cấp nước sạch, nước ngọt cho người dân luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre quan tâm, thường xuyên chỉ đạo kiểm tra và thực hiện nhiều giải pháp. Lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã yêu cầu các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đủ nguồn nước và không được cấp nước bị nhiễm mặn cho người dân. Nâng cấp công suất nhà máy nước; đấu nối, hòa mạng, cải tạo tuyến ống cấp nước; xây dựng phương án vận chuyển nước thô từ khu vực không bị nhiễm mặn; đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất nước RO…

Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành và địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, vận động người dân chủ động trữ nước mưa, nước ngọt ngay từ mùa mưa năm 2020 để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn.

Hiện tại, tỉnh Bến Tre đang tích cực phối hợp với các tỉnh Tiền Giang, Long An và các đơn vị có liên quan triển khai hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống truyền tải đưa nước ngọt từ thượng nguồn về cung cấp cho các nhà máy nước của tỉnh. Đồng thời, Bến Tre cũng đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án hồ chứa nước ngọt Lạc Địa tại huyện Ba Tri với quy mô 121 ha, sức chứa khoảng trên 2 triệu m3.

PV: Xin ông cho biết, về lâu dài, tỉnh Bến Tre sẽ có những giải pháp cụ thể như thế nào để phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn?

Ông Trần Ngọc Tam:

Tỉnh Bến Tre sẽ theo sát diễn biến tài nguyên nước, thông tin dự báo ngắn hạn và dài hạn để chủ động bố trí sản xuất phù hợp, khuyến cáo người dân thay đổi mùa vụ, cây trồng, tập quán canh tác để thích ứng với điều kiện nguồn nước, nhất là những năm cực đoan. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tình hình hạn hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu. Huấn luyện, chuyển giao cho người dân các phương thức canh tác, các công nghệ sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đưa vào canh tác các giống cây trồng chịu hạn mặn, các mô hình canh tác phù hợp với điều kiện nguồn nước từng vùng, từng năm kết hợp giữa trồng lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy, hải sản. Hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước.

Cùng với đó, đầu tư nguồn lực để kết nối, mở rộng mạng lưới cấp nước từ đô thị sang khu vực nông thôn để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tổ chức rà soát, cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt tới từng hộ gia đình nhất là ở các vùng ven biển, vùng xa nguồn nước ngọt thường xuyên thiếu nước sinh hoạt để có giải pháp bảo đảm nguồn nước phù hợp. Hướng dẫn người dân các biện pháp trữ nước phù hợp tại hồ, ao, đầm, kênh, rạch hiện có trong cộng đồng và hỗ trợ người dân các giải pháp trữ nước quy mô hộ gia đình.

Đồng thời, rà soát, triển khai các quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch phù hợp với quy hoạch tổng thể vùng, quy hoạch tài nguyên nước và các quy hoạch ngành liên quan; đảm bảo sự liên kết, thống nhất giữa các quy hoạch các cấp, các ngành, các vùng. Chủ động tham mưu, bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre sẵn sàng các phương án phòng chống hạn mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO