Bến Tre: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt

03/05/2018 12:11

(TN&MT) – Theo đánh gia của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre, thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn (CTR) nói chung, CTR sinh hoạt nói...

 

(TN&MT) – Theo đánh gia của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre, thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn (CTR) nói chung, CTR sinh hoạt nói riêng được tỉnh Bến Tre quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, việc ban hành các quy định về quản lý chất thải sinh hoạt của tỉnh đôi khi còn chậm, việc thực hiện chưa thật sự đồng bộ.

Vẫn còn hình thức xử lý tạm thời

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre Đoàn Văn Phúc cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống thu hồi, tái chế, tái sử dụng rác thải sinh hoạt. Việc phân loại chủ yếu được thực hiện dưới hình thức thu gom những vật liệu có thể bán được (bọc ni lông, nhôm, sắt, thép, đồ nhựa…) để bán cho các cơ sở thu mua phế liệu. Công việc này được thực hiện qua 3 bậc: tại hộ gia đình, tại các điểm trung chuyển và tại bãi rác.

Theo ông Đoàn Văn Phúc, thời gian qua, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đô thị bình quân của tỉnh đạt 78%, riêng tại TP. Bến Tre có tỷ lệ thu gom cao nhất đạt 91%; còn lại tại các thị trấn, các khu dân cư của các huyện tỷ lệ thu gom từ 68-73%. Đối với các khu vực tại TP. Bến Tre, thị trấn Châu Thành, khu dân cư khu công nghiệp Giao Long, An Hiệp và một số xã huyện Giồng Trôm, rác thải đô thị được Công ty cổ phần công trình đô thị Bến Tre thu gom chuyển về bãi rác Phú Hưng (thuộc TP. Bến Tre) xử lý với hình thức chôn lấp.

H1 (26)
Vẫn còn nhiều bãi rác lộ thiên, không hợp vệ sinh

Hiện nay, Bến Tre vẫn chưa xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh đúng nghĩa. Tất cả lượng rác thải được thu gom đều được xử lý bằng hình thức thải đổ tại các bãi rác hở có diện tích nhỏ, gần khu dân cư. Hiện tại, toàn tỉnh Bến Tre có 10 bãi xử lý CTR đang hoạt động với tổng diện tích là 13,14 ha, chủ yếu phục vụ xử lý CTR cho các khu vực đô thị. Tuy nhiên, mới chỉ có 2 bãi rác được trang bị hệ thống thu gom nước rỉ rác, đó là khu xử lý CTR huyện Mỏ Cày Nam và khu xử lý CTR huyện Giồng Trôm.

Đối với một số huyện có hệ thống thu gom và có bãi rác thì rác được vận chuyển tới bãi rác và đổ lộ thiên, đổ dần từ trong ra ngoài, thành nhiều lớp, mùa nắng rác được đốt, mùa mưa để phân hủy tự nhiên có kết hợp phun chế phẩm EM để hạn chế mùi, ruồi. Đối với CTR sinh hoạt tại các khu vực vùng ven hoặc vùng nông thôn không được thu gom thì người dân tự xử lý bằng hình thức chôn lấp hoặc đốt.

Theo dự kiến đến cuối năm 2018, tỉnh Bến Tre sẽ đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành. Đây là nhà nhà máy áp dụng phương pháp phân loại và ủ phân sinh học do Công ty Cổ phần xử lý rác thải Bến Tre làm chủ đầu tư. Nhà máy được đầu tư xây dựng mới trên diện tích gần 5ha có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, với công suất thiết kế 200 tấn rác thải/ngày.

Nhiều mục tiêu xử lý ô nhiễm

Ông Đoàn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre cho biết, để góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm, tỉnh Bến Tre đã chủ động ban hành các văn thuộc thẩm quyền để quy định về quản lý CTR sinh hoạt, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý chất thải rắn trên địa bàn.

Theo đó, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chỉ thị nêu ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện, trong đó người đứng đầu các cấp ủy, các ngành không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng cường kiểm soát đầu vào nhằm ngăn chặn ô nhiễm. Phấn đấu đến năm 2020 thu gom, xử lý trên 85% tổng lượng rác thải sinh hoạt đô thị, thu gom xử lý 100% nước thải đô thị tại các chung cư, tái định cư được xây dựng mới,

H4 (2)

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bến Tre cũng đã phê duyệt đồ án quy hoạch quản lý CTR đến năm 2030 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý CTR, cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và góp phần phát triển bền vững của tỉnh.

Theo đồ án này, Bến Tre phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ CTR phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường đạt 90% tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị, 50% tổng lượng CTR sinh hoạt nông thôn. Phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ CTR phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường đạt 100% tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị, trong đó 90% được tái chế, tái sử dụng; 60-70% tổng lượng CTR sinh hoạt nông thôn, 100% CTR phát sinh tại các làng nghề.

Về nội dung quy hoạch: Định hướng đến năm 2030 sẽ đầu tư hoàn thiện các khu xử lý CTR theo quy hoạch gồm 04 khu xử lý chất thải rắn, gồm: Khu liên hợp Châu Thành (xây mới), diện tích 20-30ha, công suất 800 – 1.000 tấn/ngày; Khu xử lý Ba Tri (xây mới), diện tích 10 ha, công suất 200 – 300 tấn/ngày; Khu xử lý Chợ Lách (xây mới), diện tích 5 - 10ha, công suất 150 - 200 tấn/ngày; Khu xử lý huyện Thạnh Phú  (xây mới), diện tích 5 – 10 ha, công suất 150 – 200 tấn/ngày.

Trước mắt, lãnh đạo tỉnh Bến Tre lưu ý cần tập trung cải tạo tốt môi trường ở các bãi rác hiện hữu, tiếp tục vận hành trong giai đoạn ngắn hạn trước 2020. Qua đó, sau khi các khu xử lý xây dựng hoàn thiện sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc chuyển thành các trạm trung chuyển của khu vực.

                                                      

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO