Ông Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre (bìa phải) tiếp nhận bồn chứa nước từ các đơn vị tài trợ |
Mặn khốc liệt, giá nước ngọt đắt đỏ
Mấy ngày nay, nước sạch do Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre cung ứng cho người dân TP Bến Tre sử dụng đã bị nhiễm mặn nên nhiều người phải bỏ tiền mua nước ngọt về sử dụng.
Tại khu vực Bến Lở, phường 1 (trung tâm TP Bến Tre), dịch vụ vận chuyển nước ngọt bằng sà lan được lấy ở sông, đoạn gần cầu Mỹ Thuận (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), nơi mặn từ cửa sông chính chưa xâm nhập đến về cung ứng cho người dân.
Qua tìm hiểu được biết, nguồn nước ngọt và chở về để bán cho người dân với giá tại bến là 100.000 đồng/m3. Sau đó, tiền công thuê xe để chở 1m3 nước đến nhà các hộ dân nằm trong khu vực nội ô TP Bến Tre là 100.000 đồng. Như vậy, người dân tại trung tâm của TP Bến Tre phải mất 200.000 đồng mới có được 1m3 nước ngọt sử dụng.
Ở các huyện vùng nông thôn tỉnh Bến Tre cũng có dịch vụ cung ứng nước ngọt, được khai thác từ các giếng tầng nông được đưa đến tận hộ gia đình bằng xe tải, xe lôi, xe máy kéo với giá từ 100.000 - 200.000 đồng/m3, tùy theo đoạn đường vận chuyển xa, gần.
Hạn mặn đã làm cho trên 5.000 ha diện tích lúa có nguy cơ mất trắng |
Hiện nay, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính tại tỉnh Bến Tre đang diễn biến hết sức phức tạp, mặn xâm nhập nhanh đột ngột và rất sâu. Hồ Kênh Lấp (huyện Ba Tri) - hồ nhân tạo trữ nước ngọt lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long có sức chứa gần 01 triệu m3 nước, với vốn đầu tư 85 tỷ đồng cũng bị nhiễm mặn trên 2‰.
Trong khi đó, huyện Chợ Lách là địa phương nằm cách xa biển nhất của tỉnh Bến Tre, nhưng cũng đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn, mặn. Độ mặn đo được trên nhiều tuyến sông và kênh rạch trên địa bàn huyện Chợ Lách đạt mức rất cao từ 4 - 6‰.
Theo ông Nguyễn Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tình hình hạn mặn hiện nay vô cùng khốc liệt, hạn mặn xảy ra với thời gian kéo dài, độ mặn cao hơn đợt thiên tai xâm nhập mặn mùa khô 2016. Tuy người dân có sự chuẩn bị, trữ nước mưa trong các lu hồ, mương vườn nhưng tình trạng thiếu nước ngọt vẫn đang khá nghiêm trọng.
Hiện tại, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre đều bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Nguồn nước sinh hoạt tại các nhà máy nước cấp cho các đô thị trên địa bàn tỉnh và hệ thống nhà máy của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre đã nhiễm mặn trên 2‰.
Do hạn mặn, tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 57.000 hộ, với 205.000 người dân sống xa trong nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển, khu vực cù lao… sẽ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh do hết nguồn dự trữ. Ngoài ra, trên 5.000 ha diện tích lúa Đông Xuân có nguy cơ mất trắng. Khoảng 20.000 ha cây ăn trái; hơn 72.000 ha dừa; gần 1.500 ha rau màu; hơn 100.000 cây giống, hoa kiểng… cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Nhiều cánh đồng khô cằn, cây chết héo |
Đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt
Trước tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ đời sống sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô. Đặc biệt, trong những ngày qua, có sự chung tay, góp sức từ các ngành, các cấp, các đơn vị hữu quan trong và ngoài tỉnh.
Cụ thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM vừa trao tặng 1.000 bồn chứa nước; Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân sử dụng 10 chuyến tàu để cấp trên 3.000 m3 nước ngọt; cùng với Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn, Công ty nước uống tinh khiết Sài Gòn, Hội Doanh nghiệp trẻ Trung ương hỗ trợ 8.100 bình nước uống để tặng dân nghèo tại các vùng bị hạn mặn ở Bến Tre.
Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bến Tre, Bộ NN&PTNT đã trao tặng 500 thiết bị trữ nước chất lượng cao, cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh để trữ nước sạch, phục vụ ăn uống, sinh hoạt trước đợt hạn mặn nghiêm trọng mùa khô năm 2020.
Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam tặng 150 bồn nhựa chứa nước ngọt cho dân nghèo tại huyện Bình Đại. Hội Nông dân tỉnh Bến Tre tổ chức bàn giao 5 máy lọc nước ngọt tại huyện Giồng Trôm;…
Dịch vụ cung ứng nước ngọt với giá đắt đỏ |
UBND huyện Bình Đại cũng đã làm việc với các nhà máy cung cấp nước trên địa bàn để tìm giải pháp xây dựng hệ thống lọc RO từ nước mặn thành nước ngọt cung ứng cho người dân. Hiện đã có 4 nhà máy đồng ý xây dựng hệ thống lọc RO và sẽ sớm hoàn thành để phục vụ người dân.
Bên cạnh đó, nhà máy nước Khu công nghiệp Giao Long (huyện Châu Thành), Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) đã trang bị máy lọc mặn RO. Đồng thời, đã vận hành 12 nhà máy nước được trang bị máy lọc mặn RO để cung cấp 24/24 giờ phục vụ các điểm trường chính tập trung khu vực trung tâm xã, trạm y tế...
Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn. Hiện tại đang thực hiện khẩn cấp các đập tạm trữ nước ngọt, mua sắm thiết bị bơm, vận hành hồ chứa nước ngọt, sửa chữa, nâng cấp các công trình cống để ngăn mặn... nhằm giảm bớt thiệt hại trong sản xuất và khó khăn cho người dân trong đợt hạn mặn lịch sử này.
Dự báo của ngành chức năng tỉnh Bến Tre, trong thời gian tới, mặn sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, xâm nhập sâu và duy trì ở mức rất cao. Theo đó, trong tháng 3/2020, độ mặn 4‰ có khả năng xâm nhập sâu cách cửa sông khoảng 85km, độ mặn 1‰ bao trùm toàn bộ tỉnh Bến Tre. Hiện tại, trên sông Hàm Luông và sông Cửa Đại không còn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân.