Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trịnh Minh Khôi - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết: Bến Tre là một trong những tỉnh chịu tác động mạnh của BĐKH, xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL. Sông Ba Lai là một trong những nguồn cấp nước ngọt quan trọng của tỉnh Bến Tre để phục vụ sản xuất, sinh hoạt, canh tác nông nghiệp cho nhu cầu của 4 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Giồng Trôm, Châu Thành và thành phố Bến Tre.
Cũng theo ông Trịnh Minh Khôi, năm 2016, tỉnh Bến Tre có điều tra đánh giá môi trường các sông lớn để xây dựng quy định phân vùng môi trường tiếp nhận nước thải tỉnh Bến Tre. Hơn 6 năm qua, tỉnh Bến Tre chưa thực hiện đánh giá lại hiện trạng môi trường các sông, trong đó có sông Ba Lai.
Bên cạnh đó, việc phát triển nông nghiệp tỉnh Bến Tre hiện tại đã thay đổi (giảm dần diện tích lúc canh tác không hiệu quả, tăng diện tích cây dừa, phát triển nuôi trồng thủy sản), hình thành các công trình thủy lợi ngăn mặn, điều tiết nước, công trình cấp nước, và áp lực gia tăng từ nước thải sinh hoạt, đô thị do trên địa bàn tỉnh chưa hệ thống xử lý nước thải tập trung.
"Qua đó, nhiệm vụ “Đánh giá hiện trạng và đề xuất quản lý tổng hợp môi trường hồ chứa nước ngọt sông Ba Lai tỉnh Bến Tre trong điều kiện BĐKH và xâm nhập mặn” đã được Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên môi trường và Biển tư vấn lập đề cương, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường là Tư vấn thực hiện, bắt đầu khảo sát, thu mẫu đợt 1 vào cuối mùa mưa tháng 12/2021 và đợt 2 vào tháng 3 - mùa khô năm 2022" - ông Trịnh Minh Khôi cho hay.
Tại Hội thảo, đơn vị tư vấn đã trình bày kết quả thực hiện về hiện trạng môi trường sông Ba Lai; những ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn những năm 2016, 2019 - 2020 đến đời sống của người dân dọc tuyến sông Ba Lai; hiện trạng quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên sông Ba Lai; tác động BĐKH, xâm nhập mặn đến khu vực sông Ba Lai; khả năng chịu tải tiếp nhận xả thải của nguồn nước mặt sông Ba Lai; dự báo xu thế/kịch bản về chất lượng, sử dụng tài nguyên nước sông Ba Lai…
Riêng về các giải pháp quản lý tổng hợp và sử dụng bền vững tài nguyên nước của hồ cấp nước ngọt sông Ba Lai ở thời điểm hiện tại, định hướng đến năm 2030, đơn vị tư vấn đề xuất: Tỉnh Bến Tre cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, chính sách quản lý tài nguyên nước; tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh nói chung và sông Ba Lai Ba Lai nói riêng để làm cơ sở cho các quy hoạch có khai thác, sử dụng nước.
Đồng thời, hoàn chỉnh việc xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước; nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ nước, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với khu vực nhằm tăng cường trữ nước, điều tiết nguồn nước để bảo đảm nâng cao hiệu quả khai thác nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Bên cạnh đó, khuyến nghị về thống nhất chức năng, nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước giữa các Sở, ngành; tăng cường hiệu quả sử dụng nước, giải quyết các vấn đề ô nhiễm tài nguyên nước trên các lưu vực sông; đảm bảo sử dụng nước bền vững, đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế xã hội, thích ứng với xâm nhập mặn và BĐKH.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt; nhanh chóng triển khai các dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tại các khu tập trung; lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết cho từng xã theo từng giai đoạn 5 năm sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; khẩn trương xây dựng cơ chế và ban hành các chính sách thích hợp để quản lý môi hồ chứa nước ngọt sông Ba Lai.
Ngay sau đó, các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung thảo luận vào các nội dung như: Kết quả điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường, đề xuất quản lý, bảo vệ môi trường mà đơn vị tư vấn đưa ra có phù hợp so với thực tế, hiện trạng sông Ba Lai, địa bàn quản lý hay không; và các vấn đề rủi ro tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước sông Ba Lai.
Hội thảo cũng đã làm rõ những nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên, cấp thiết để bảo vệ môi trường sông Ba Lai ở hiện tại và tương lai; các vấn đề liên quan công tác quản lý phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quản lý chất lượng môi trường nước; những đề xuất, kiến nghị cho công tác quản lý, bảo vệ sử dụng, khai thác bền vững tài nguyên nước Ba Lai.
Kết luận Hội thảo, ông Trịnh Minh Khôi - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết, trên cơ sở kết quả Hội thảo, Sở TN&MT sẽ phối hợp đơn vị tư vấn để hoàn thành báo cáo kết quả nhiệm vụ, sau đó sẽ tổ chức Hội đồng cấp tỉnh nghiệm thu nhiệm vụ, trình UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt kết quả.
“Kết quả nhiệm vụ cũng là cơ sở khoa học, thực tiễn cho công tác quản lý của địa phương và đề xuất các nội dung, nhiệm vụ, dự án vào kế hoạch bảo vệ chất lượng môi trường nước mặt tỉnh Bến Tre. Hiện tại, Tất cả các nhiệm vụ này, tỉnh Bến Tre đã bắt đầu triển khai thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023”, ông Trịnh Minh Khôi thông tin.