Bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn
Thị trường BĐS đã trải qua một thời gian dài đầy biến động. Trước khi dịch bệnh Covid-19 tới, thị trường đã có nhiều khó khăn, nhất là về nguồn cung mới. Nguồn cung sụt giảm mạnh nhất là ở 2 thị trường BĐS lớn Hà Nội và TP.HCM. Khi nguồn cung BĐS giảm, NĐT cũng dần dịch chuyển dòng tiền vốn sang đầu tư theo hướng khác. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 tác động sâu rộng đến nhiều ngành kinh tế, dòng tiền của NĐT không biết chuyển đi đâu để bảo toàn nguồn vốn, cuối cùng lại đổ vào BĐS.
Theo các chuyên gia kinh tế, BĐS vẫn là kênh đầu tư được nhiều NĐT lựa chọn |
Báo cáo thị trường của Savills Việt Nam cho thấy, trong 3 quý năm 2020, cả 2 phân khúc căn hộ và biệt thự, nhà phố tại TP.HCM đều chứng kiến sự sụt giảm về nguồn cung đáng kể. Cụ thể, nguồn cung căn hộ mới giảm tới 52% so cùng kỳ năm ngoái với hơn 9.100 căn, mức thấp nhất trong 5 năm qua. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với phân khúc biệt thự, nhà phố, đất nền sơ cấp khi giảm 43% với 3.250 căn/nền được tung ra thị trường.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, nguồn cung BĐS thấp kỷ lục dẫn đến lượng giao dịch về nhà ở cũng giảm theo. Cụ thể, giao dịch căn hộ giảm tới 55% so với cùng kỳ năm ngoái; biệt thự, nhà phố giảm 34%. Đặc biệt với đất nền, sự sụt giảm các nhà đầu cơ do dịch Covid-19 khiến doanh số giảm tới 67%. Tuy vậy, nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, đây có thể xem là “thời điểm vàng” để đầu tư với một số NĐT có năng lực, tiềm lực về tài chính.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, năm nay, dòng tiền đổ vào BĐS chính là từ người tiêu dùng trong nước. Để khơi thông nguồn vốn này, doanh nghiệp cần thấu hiểu nhu cầu của người tiêu dùng để đưa ra những sản phẩm phù hợp. HoREA có các khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp BĐS là hãy nỗ lực để trở thành doanh nghiệp có năng lực, uy tín, khách hàng tin tưởng để được vay vốn ngân hàng thương mại; tăng vốn chủ sở hữu, mở rộng hợp tác liên doanh liên kết trong nước.
Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn Chi nhánh TP.HCM nhận định, dòng vốn trong năm 2021 sẽ vẫn tập trung vào các kênh đầu tư chính là chứng khoán và BĐS. Giữa việc chọn gửi ngân hàng với mức lãi suất rất thấp, vàng đã qua giai đoạn cao điểm, trái phiếu doanh nghiệp không còn màu mỡ thì chứng khoán vẫn tiếp tục là kênh trú ẩn tạm thời có tính thanh khoản cao. Tuy vậy, với giới đầu tư trung và dài hạn, BĐS mới là sân chơi được ưu ái nhiều nhất. Tâm lý đầu tư của người Việt dù giai đoạn nào cũng luôn có niềm tin vào việc tăng giá của BĐS, đặc biệt, khi dân số ngày càng gia tăng, đất đai không thểmở rộng.
Cơ hội cho nhà đầu tư có tiềm lực tài chính
Ông Phan Công Chánh - Tổng Giám đốc Phú Vinh Group, cho rằng, hiện nay, những NĐT nào “mắc cạn” trong đợt dịch bệnh vừa qua phải cố gắng gồng gánh trả lãi. Nếu những NĐT này không trụ lại được, trong 6 - 12 tháng nữa điểm rơi của đáy thị trường BĐS sẽ xuất hiện. Nguyên nhân là ngân hàng bắt buộc phải thu hồi nợ để kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay có khả năng trở thành nợ xấu. Song, cơ hội với người mua để ở sẽ đến nếu họ chuẩn bị tài chính tốt nhằm săn tìm BĐS đúng tiêu chí với giá hợp lý. Riêng những người mua để đầu tư, trong 6 - 12 tháng tới cũng là “thời điểm vàng” để nắm bắt cơ hội mua vào với giá tốt.
Ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh Nhà ở Savills Việt Nam cho biết, dù đà “giảm tốc” của thị trường BĐS diễn ra ngày càng rõ rệt ở nguồn cung và sức mua. Tuy nhiên, thời điểm khó khăn này là cơ hội cho các doanh nghiệp hay cá nhân có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư BĐS. Đây có thể coi là thời điểm vàng dành cho các thương vụ mua bán và sát nhập các dự án BĐS tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
“Thị trường tài chính đang đối diện với nhiều biến động, một lượng lớn dòng tiền dài hạn vẫn đang dừng lại nghe ngóng, chờ đợi cơ hội. Với tâm lý chung của đa số người Việt, khi thị trường địa ốc giảm tốc, rất nhiều dòng tiền đang chờ giá tốt để mua vào. Hiện nay, các BĐS càng cao cấp càng bị lung lay chuỗi giá trị do tác động của dịch bệnh làm thị trường chuyển hướng sang phòng thủ nhiều hơn”.
Ông Trần Khánh Quang -
Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa
“Để thích ứng với hoàn cảnh đặc biệt và khác thường hiện nay, các NĐT cần thay đổi chiến lược, hướng tới các phân khúc BĐS có tiềm năng lớn chẳng hạn như BĐS công nghiệp. Mặt khác, với nhóm NĐT tổ chức, đây là thời điểm tốt để tiến hành hoàn thành các thủ tục pháp lý dự án BĐS có liên quan đến đất đai, cấp Giấy phép xây dựng… nhằm đón đầu cho chu kỳ phát triển thị trường BĐS tiếp theo trong vòng một vài năm sắp tới đây” - ông Duy nhận định thêm.