Bất động sản

Bất động sản du lịch: Kỳ vọng khởi sắc

Thục Vy 09/11/2023 - 09:39

(TN&MT) - Mặc dù là phân khúc chịu nhiều sóng gió nhất sau tác động của đại dịch Covid -19, cùng với ảnh hưởng từ sự “đóng băng” của thị trường bất động sản (BĐS), nhưng, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, BĐS du lịch - nghỉ dưỡng đang có nhiều kỳ vọng sẽ khởi sắc từ các chính sách hỗ trợ, gỡ vướng pháp lý dự án của Chính phủ.

Sức cầu tăng nhẹ

Theo nhận định của các chuyên gia, chỉ trong vòng 3 năm qua, phân khúc BĐS du lịch - nghỉ dưỡng liên tục chịu cảnh “khó chồng khó” khi suốt 2 năm dài phải thực hiện giãn cách toàn xã hội vì đại dịch Covid-19. Đại dịch đi qua, thị trường BĐS du lịch lại tiếp tục gặp nhiều khó khăn liên quan đến các vấn đề về tín dụng, ngân hàng thắt chặt điều kiện vay vốn, lãi suất vẫn duy trì ở mức cao, trong khi kênh huy động vốn đầu tư từ trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa khơi thông trở lại... Không chỉ vậy, niềm tin của nhà đầu tư với dòng sản phẩm này còn bị sa sút trầm trọng và tính pháp lý dự án vẫn chưa rõ ràng… Từ chỗ đang ở giai đoạn hoàng kim, BĐS du lịch - nghỉ dưỡng gần như bị rơi xuống đáy của thị trường BĐS.

img_9645.jpg
Dù phân khúc BĐS du lịch - nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng trong "bóng tối" vẫn có điểm sáng

“Việt Nam vẫn có các nền tảng cơ bản tốt để phát triển thị trường BĐS du lịch - nghỉ dưỡng. Bởi tầng lớp trung lưu gia tăng, cơ hội du lịch nhiều hơn và thuận lợi hơn nhờ hạ tầng giao thông được cải thiện, độ mở với thương mại quốc tế giúp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, tổ chức các hội nghị, sự kiện… ”.

Ông David Jackson - Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam

Số liệu từ Hiệp hội BĐS Việt Nam (VnREA) cho thấy, hiện tại, trên cả nước có khoảng 239 dự án BĐS du lịch - nghỉ dưỡng. Trong đó, ước tính giá trị dự án condotel đạt khoảng 297.128 tỷ đồng; dự án villa ước tính 243.990 tỷ đồng và dự án shophouse khoảng 154.245 tỷ đồng. Tổng giá trị ba sản phẩm này khoảng 681.886 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD. Sau một thời gian phát triển nóng trên thị trường BĐS du lịch, trong những năm gần đây, phân khúc này đã bị chững lại. Thị trường gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, từ quý II/2023, thị trường BĐS dần có tín hiệu khởi sắc khi một số chính sách cho vay của ngân hàng thay đổi, cùng với đó là các giải pháp của Chính phủ kịp thời đưa ra cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương nhằm kích cầu lại kinh tế, thu hút thúc đẩy ngành dịch vụ, trong đó có du lịch. Ghi nhận thực tế, từ tháng 6/2023, vào cao điểm du lịch hè, nhiều người dân cả nước đã đổ về các tỉnh, thành ven biển như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa... để du lịch cũng như có những trải nghiệm cho chính người thân, gia đình.

Báo cáo thị trường BĐS nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận mới đây của DKRA Group cho thấy, trong quý II/2023, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng đón nhận 76 căn đến từ 5 dự án mở bán, tăng so với quý trước nhưng chỉ bằng 4% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù sức cầu thị trường của phân khúc này chuyển biến tích cực, nhưng không đáng kể. Lượng tiêu thụ mới đạt 50 căn, tương đương 66% nguồn cung mở bán, giao dịch tập trung cục bộ tại một dự án nhất định.

Còn ở phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng ghi nhận 75 căn nguồn cung mới đến từ 4 dự án mở bán. Lượng tiêu thụ đạt 44% nguồn cung mới, tương đương 33 căn. Ước tính, hơn 80% dự án sơ cấp đóng giỏ hàng để điều chỉnh lại giá bán và chính sách bán hàng phù hợp. Riêng Phân khúc condotel trong quý II/2023 ghi nhận nguồn cung tăng mạnh so với quý trước đó với khoảng 378 căn đến từ 3 dự án mở bán. Lượng tiêu thụ mới đạt khoảng 122 căn, đạt 32% nguồn cung mới. Mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động, nhưng ghi nhận tăng 2% - 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Kỳ vọng phục hồi

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, mặc dù phân khúc BĐS du lịch - nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tận sâu trong "bóng tối" thì BĐS du lịch vẫn có nhiều điểm sáng. Bởi Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người mua hay Quy định mới về phát hành trái phiếu, cho phép doanh nghiệp được kéo dài thời gian đáo hạn trái phiếu thêm 2 năm... Đặc biệt, Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực từ ngày 20/5/2023 đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều vấn đề còn vướng mắc về pháp lý cho dự án BĐS trong nhiều năm qua.

bds-dl.jpg

"Dù nút thắt pháp lý các dự án BĐS đang dần được tháo gỡ nhưng thị trường BĐS du lịch - nghỉ dưỡng chưa thể hồi phục trong ngắn hạn. Thời điểm sớm nhất thị trường BĐS du lịch - nghỉ dưỡng có thể hồi phục là từ quý III/2024”.

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn

Khu vực miền Nam

Đáng chú ý nhất, Nghị định số 10/NĐ-CP của Chính phủ cho phép cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua sản phẩm trong các dự án không phải dự án nhà ở, bao gồm công trình lưu trú du lịch trên đất thương mại. Để được cấp Giấy chứng nhận trên, các công trình này phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, kinh doanh BĐS. Quy định mới này được đánh giá là sẽ tháo gỡ nút thắt pháp lý dự án cho doanh nghiệp BĐS và người mua căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch - nghỉ dưỡng và những công trình khác, để phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ.

Sắp tới đây, Quốc hội sẽ thông qua một số đạo luật cơ bản có liên quan tới thị trường BĐS như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS... nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn về pháp lý dự án BĐS. Do đó, thị trường BĐS nói chung và phân khúc BĐS du lịch - nghỉ dưỡng nói riêng được kỳ vọng sẽ khởi sắc. Đồng thời, các doanh nghiệp BĐS cũng nỗ lực tái cấu trúc, ổn định tài chính, cơ cấu lại sản phẩm nhằm củng cố tâm lý người dân vào thị trường.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng: Hiện nay, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ đã trở thành rào cản, khiến thị trường BĐS du lịch “đóng băng” suốt thời gian qua. Đây chính là nghịch lý của thị trường. Do đó, Nghị định số 10/NĐ-CP được nhiều chủ đầu tư và nhà đầu tư chờ đợi đã tạo ra một bước đột phá trong việc đồng bộ hệ thống pháp luật. Với chính sách mới này, các dự án BĐS dang dở sẽ được hưởng lợi, gỡ vướng về pháp lý.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng: Việc quy định chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch sẽ nhanh chóng tháo gỡ được những vướng mắc cho căn hộ du lịch. Đồng thời, người mua cũng yên tâm về quyền sở hữu và giá trị tài sản của họ, còn doanh nghiệp BĐS phấn khởi bởi họ sẽ kích lại thanh khoản cho thị trường BĐS nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất động sản du lịch: Kỳ vọng khởi sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO