Bất động sản có nguy cơ bị đẩy giá

Tuấn Minh| 11/11/2019 15:20

(TN&MT) - Theo dự kiến, khung giá đất của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM sẽ có mức tăng mới khoảng trên dưới 30% trong giai đoạn 2020-2024. Việc này sẽ tác động trực tiếp đến giá nhà đất trong những năm tới.

Hà Nội đang tổ chức các hội nghị lấy ý kiến vào Tờ trình ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố áp dụng từ ngày 1/1/2020 ngày đến 31/12/2024.

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội, việc xây dựng bảng giá đất đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt chênh lệch giữa bảng giá với thị trường, góp phần thiết lập cơ chế chính sách đồng bộ trong quản lý đất đai, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Mức điều chỉnh giá đất tăng bình quân khoảng 30%, các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ được đề xuất điều chỉnh giá đất ở cao nhất từ 162 triệu đồng lên 210,6 triệu đồng.

Giá đất ở đô thị thấp nhất được đề xuất là 4,536 triệu đồng/m2, thuộc địa bàn quận Hà Đông.

Khung giá đất tại Hà Nội dự kiến sẽ tăng 30%

Tại TP.HCM, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi HĐND thành phố về việc ban hành quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn. Theo đó, UBND TP.HCM sẽ tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 lên 0,4 lần so với năm ngoái. Nghĩa là chính quyền sẽ tính toán lại giá đất, làm căn cứ để tăng thu tiền sử dụng đất trên khắp địa bàn.

Theo tính toán, liên Sở Tài chính - Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang đề xuất mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất theo từng khu vực từ nội thành đến ngoại thành vào khoảng 19 - 30%.

Ông Lê Hoàng Châu  - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, nếu khung giá đất, bảng giá đất có mức giá đất quá cao, sẽ tác động đẩy giá thị trường bất động sản lên rất cao, đặc biệt là đẩy giá đất của các dự án (trên thị trường sơ cấp), tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, các ngành kinh tế khác và môi trường đầu tư, kể cả trong việc thu hút dòng vốn FDI.

Do vậy, có thể dẫn đến sụt giảm quy mô giao dịch trên thị trường bất động sản, trước hết là đối với phân khúc thị trường bất động sản cao cấp, condotel… và giảm quy mô thị trường đầu tư thứ cấp đang “rất nóng” hiện nay, nhưng cũng có lợi cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.

“Trước mắt, có thể làm cho nguồn thu ngân sách nhà nước tăng, nhưng về lâu dài có thể lợi bất cập hại, bởi vì có thể dẫn đến doanh nghiệp thu hẹp hơn quy mô sản xuất kinh doanh, người dân không làm được “sổ đỏ” dẫn đến giao dịch ngầm, mà hệ quả là có thể làm sụt giảm nguồn thu của Nhà nước. Do vậy, Hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc kỹ biên độ tăng giá thật hợp lý, hợp tình cho Khung giá đất giai đoạn 2019-2024” – ông Châu nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng, tính thanh khoản của thị trường bất động sản sẽ được khơi thông trong những vấn đề khác của quản lý Nhà nước về lĩnh vực nhà đất như sự chống đầu cơ, cải thiện thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ sang nhượng bất động sản, chính sách thuế, lệ phí…

Sự điều chỉnh khung giá đất hợp lý có nhiều ý nghĩa tích cực trong tạo sự công bằng đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng và không phải là nhân tố chính ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường bất động sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất động sản có nguy cơ bị đẩy giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO