Bất cập trong quản lý, sử dụng phí bảo trì chung cư

30/08/2018 16:55

(TN&MT) - Mặc dù Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực từ 01/7/2015, song việc quản lý nhà chung cư hiện vẫn còn nhiều bất cập. Một trong những vấn đề thường xuyên xảy ra tại các chung cư, đó là các vụ tranh chấp khi chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì, chưa minh bạch trong quản lý, sử dụng phí bảo trì… gây bức xúc cho cư dân.

MHA
Ảnh minh họa
 

Gần đây, qua công tác rà soát, kiểm tra các nhà chung cư trên địa bàn Thành phố của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, hiện đang còn rất nhiều tồn tại, bất cập. Trong đó, một trong những tranh chấp, xung đột phổ biến nhất hiện nay là sử dụng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, chậm bàn giao kinh phí bảo trì 2%...

Thực tế, thời gian vừa qua, báo chí liên tục phản ánh những "lùm xùm" liên quan đến việc tranh chấp quỹ bảo trì chung cư, sử dụng và quản lý quỹ bảo trì chung cư giữa Ban quản trị (BQT) với Chủ đầu tư (CĐT) xảy ra tại nhiều nơi. Tình trạng tranh chấp quỹ bảo trì chung cư kéo dài, dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp.

Theo những con số được công bố mới đây cho thấy, tại TP.HCM, hiện có hàng trăm chung cư đang được vận hành sử dụng, nhưng số chung cư được bàn giao phí bảo trì cho BQT lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Trong khi đó, với mức thu phí 2% giá trị căn hộ, thì tổng số tiền quỹ bảo trì mà CĐT nắm giữ và chưa thực hiện trao trả là rất lớn

Rất nhiều chuyên gia quản lý, kinh doanh bất động sản cho rằng, việc bàn giao phí bảo trì cho BQT đã có trong Luật, các CĐT phải làm đúng luật. Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có quy định phong tỏa và cưỡng chế tài sản CĐT nếu không bàn giao phí bảo trì cho BQT tòa nhà cũng đã có hiệu lực.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều CĐT vẫn ngang nhiên chiếm dụng khoản phí trên. Đáng nói, còn xảy ra tình trạng tranh chấp chồng chéo, nhiều CĐT vẫn cố tình chây ì không bàn giao quỹ bảo trì khiến các cư dân các chung cư bức xúc, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi, cuộc sống của các cư dân.

Ông Nguyễn Văn Đồi - TGĐ SSG Group, CĐT dự án Thảo Điền Pearl, cho biết: Giữa CĐT và BQT chung cư đã có nhiều mẫu thuẫn trong quản lý, vận hành dự án. CĐT đã có văn bản hỏi Bộ Xây dựng về việc khắc con dấu cho BQT để “chính danh” trong việc bàn giao nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi. Trong khi đó, phí bảo trì 2% của dự án lên đến 40 - 50 tỷ đồng, BQT chưa có con dấu thì việc bàn giao này không biết thực hiện ra sao.

Tại khoản 1, điều 109 Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định: “Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày BQT nhà chung cư được thành lập, CĐT phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho BQT để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Nhà ở này.

Và có thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh biết; trường hợp CĐT không bàn giao kinh phí này thì BQT nhà chung cư có quyền yêu cầu UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định của Chính phủ”.

Liên quan đến việc giải quyết việc tranh chấp nhà ở, tại khoản 4, điều 177 Luật Nhà ở cũng quy định về thẩm quyền giải quyết những tranh chấp phí bảo trì chung cư thuộc về UBND cấp tỉnh nơi có nhà ở tranh chấp về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư là đơn vị giải quyết. Việc giải quyết được thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế.

Như vậy, quy định về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư đã được cụ thể hóa trong Luật Nhà ở năm 2014. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại những tranh chấp, lùm xùm về quản lý, sử dụng quỹ này giữa CĐT và BQT nhà chung cư vẫn chưa được thực hiện theo đúng quy định. Nhiều CĐT vẫn thờ ơ, phớt lờ việc bàn giao quỹ cho BQT.

Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, để quản lý tốt hơn vấn đề này, rất cần sự sát sao thanh - kiểm tra, xử lý nghiêm việc chấp hành nghiêm túc việc thực hiện quản lý, bàn giao quỹ bảo trì chung cư của các CĐT từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước tại các địa phương, để mang lại hiệu quả thật sự cho người dân và xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập trong quản lý, sử dụng phí bảo trì chung cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO