Kết quả của những sáng kiến này đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế địa phương cũng như góp phần xây dựng những chính sách sát thực hơn cho Việt Nam trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản.
Phát triển năng lượng tái tạo
Sáng kiến đầu tiên mang tầm chiến lược, mở ra một nguồn năng lượng mới, hoàn toàn tự nhiên phục vụ đời sống con người đó là việc đưa điện gió vào quy hoạch phát triển mạng lưới điện năng quốc gia, mở cửa cho các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế phát triển điện gió ở Việt Nam. Chỉ trong 2 năm trở lại đây, hàng loạt các dự án điện gió đã được khởi công xây dựng và hình thành, tạo được “cú hích” phát triển kinh tế biển cho các địa phương, các nhà đầu tư.
Hiện nay, đã có Tập đoàn KOSY đã ký kết thỏa thuận đầu tư với UBND tỉnh Bạc Liêu, đầu tư phát triển Nhà máy điện gió KOSY Bạc Liêu, tổng công suất 400MW. Dự án Nhà máy điện gió KOSY Bạc Liêu được xây dựng tại địa bàn xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Tỉnh Bạc Liêu đã khởi công xây dựng dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình 1.
Các dự án điện gió tạo “cú hích” phát triển kinh tế biển các địa phương |
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 được xây dựng trên tổng diện tích 1.000 ha mặt nước, tổng công suất 50 MW, có thể sản xuất 161.000 MWh điện/năm, với vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần đầu tư Điện gió Hòa Bình 1 thuộc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh làm chủ đầu tư. Dự kiến dự án sẽ phát điện vào quý IV/2020.
Dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển của Bạc Liêu, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phát triển Bạc Liêu theo hướng “xanh”, chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Dự án này cùng với các dự án điện gió ven biển của tỉnh, nhất là dự án điện khí hóa lỏng LNG 3.200 MW, có vai trò to lớn và là một trong 5 trụ cột phát triển của Bạc Liêu theo tinh thần Nghị quyết 36 của Ban chấp hành Trung ương về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”. Giấc mơ xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm quốc gia về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đang dần trở thành hiện thực.
Trước đó, tỉnh Trà Vinh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án điện gió, với tổng công suất thiết kế 192MW, thực hiện trên địa bàn xã Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải) và xã Đông Hải (huyện Duyên Hải)….
Đa dạng mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp du lịch
Đánh bắt và nuôi trồng thủy sản bền vững cũng là một nhiệm vụ cấp bách trong chuyển đổi nền kinh tế biển xanh. Theo đó, mô hình Cộng đồng phục hồi và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm đang là một sáng kiến hay cần nhân rộng.
Dự án được tiến hành trong thời gian 3 năm với sự tham gia của cộng đồng và chính quyền địa phương, kết quả là một mô hình cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý Cua Đá Cù Lao Chàm đã được hình thành. Lợi ích mà Tổ Cua Đá thu được từ việc khai thác Cua Đá được chia sẻ với lợi ích từ hoạt động dịch vụ du lịch.
Sáng kiến “Tổ cộng đồng bảo tồn và khai thác bền vững Cua Đá Cù Lao Chàm” đã và đang góp phần vào phát triển du lịch sinh thái tại địa phương. Cua Đá dán nhãn sinh thái là sản phẩm du lịch tại Cù Lao Chàm. Khách du lịch đến Cù Lao Chàm được biết cách ứng xử của người dân Cù Lao Chàm với con Cua Đá của địa phương. Du lịch sinh thái phát triển đã và đang tạo cơ hội cho người dân cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện, nhiều Khu bảo tồn biển như Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quốc đã và đang học tập mô hình này để triển khai tại địa phương của mình.
Nuôi tôm sinh thái kết hợp phát triển rừng ngập mặn thuộc Dự án MAM (Bảo tồn rừng ngập mặn dựa vào nuôi tôm bền vững và giảm phát thải) cũng đang là mô hình có tính bền vững cao. Qua 3 năm thực hiện giai đoạn I (2013 - 2016) ở Cà Mau, đã có gần 800 hộ đạt chứng chỉ Naturland và được Tập đoàn Thủy sản Minh Phú mua tôm giá cao. Hơn 200 hộ nuôi được trả dịch vụ môi trường rừng tổng cộng 300 triệu đồng. Có 80ha rừng ngập mặn nằm trong diện tích vuông nuôi tôm của 402 hộ dân được trồng thêm để đạt tỷ lệ 50% rừng theo quy định của Naturland. Bên cạnh, 12.600ha rừng được bảo vệ không bị chặt phá và 1.000 hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn. Với thành công của giai đoạn I, giai đoạn II của dự án (2016 - 2020) được mở rộng ra các tỉnh khác như Trà Vinh, Bến Tre…
Quản lý bền vững tài nguyên rạn san hô ở vùng biển ven bờ huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, Kiên Giang… đang là động lực để người dân bảo vệ rạn san hô và các sinh cảnh liên quan, tạo thu nhập bền vững…
Hạn chế rác thải nhựa trên biển
Trong khuôn khổ Kỳ họp Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6), tối 26/6/2018, tại sự kiện bên lề “Rác thải biển” do Bộ TN&MT phối hợp với GEF tổ chức, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã đề xuất sáng kiến “Thành lập Đối tác vì khu vực các biển Đông Á không có rác thải nhựa”. Việt Nam tham gia Dự án IUCN “Sáng kiến về rác thải nhựa đại dương và các cộng đồng ven biển (MARPLASTICCs) Cơ quan Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida) tài trợ, thực hiện tại 5 nước của Africa and Asia. Hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu lựa chọn các điểm thí điểm thích hợp để thực hiện vào năm 2019 và dự định thành lập một cơ quan điều phối quốc gia gồm các đại diện từ tất cả các ngành liên quan chính.
Năm 2020, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ tiên phong và có những hoạt động cụ thể liên quan đến giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương. Vì vậy, việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 là một trong những nội dung quan trọng để hiện thực hóa sáng kiến của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương. Và là động lực để các địa phương tích cực hưởng ứng chiến dịch vì đại dương không rác thải nhựa.