Bảo vệ nguồn nước thích ứng với BĐKH: Thiết lập khả năng tiếp cận nguồn cung cấp nước bền vững

Thúy Hằng (thực hiện)| 17/03/2020 10:35

(TN&MT) - Chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2020 (22/3) là "Nước và Biến đổi khí hậu" nhấn mạnh tầm quan trọng cấp thiết tăng cường an ninh nguồn nước và thiết lập khả năng tiếp cận nguồn cung cấp nước bền vững trước những thay đổi của biến đổi khí hậu (BĐKH) trên toàn thế giới.

Nhân dịp này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Châu Trần Vĩnh (ảnh) - Phó Cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT).

PV: Với chủ đề “Nước và Biến đổi khí hậu”, Việt Nam cần làm gì để hướng tới tính bền vững, thưa ông?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Có thể nói BĐKH đang diễn ra sớm và mạnh hơn so với chúng ta đã từng dự báo. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước trên phần lớn các khu vực ở nước ta như hiện nay. Hệ quả của nó là dòng chảy trên hầu hết các sông, suối đều suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi đạt mức thấp kỷ lục. Kéo theo đó là hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước, kể cả nước sinh hoạt... Tài nguyên nước bị tác động mạnh nhất và trực tiếp nhất trước diễn biến của BĐKH, kéo theo các vấn đề về dân sinh, kinh tế và môi trường.

Chính vì vậy, chúng ta cần thiết phải quản lý, sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên nước có vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong điều kiện BĐKH khắc nghiệt như hiện nay.

Theo tôi, trong bối cảnh đó, để đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững, cần tập trung vào các các giải pháp trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông lớn, đặc biệt là lưu vực sông Hồng, Cửu Long. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát vệc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua hình thức giám sát tự động, trực tuyến. Tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia nhằm nắm chắc nguồn tài nguyên nước Việt Nam và hiện trạng khai thác sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước.

Ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT)

Cùng với đó, tăng cường giám sát, chỉ đạo việc vận hành các hồ chứa lớn quan trọng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông quan trọng đã được Thủ tướng ban hành. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các biện pháp sự dụng nước tiêt kiệm hiệu quả đến tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân và cộng đồng dân cư. Thành lập và đưa vào hoạt động các Ủy ban lưu vực sông để thực hiện có hiệu quả cơ chế điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

Đồng thời, chúng ta cần đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Quốc gia về tài nguyên nước; tăng cường năng lực, bao gồm cả tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất, công cụ kỹ thuật, thông tin cho các cơ quan quản lý chuyên ngành về tài nguyên nước từ Trung ương đến các cấp ở địa phương

PV: Tài nguyên nước đang trở thành vấn đề “nóng” và được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm sâu sắc. Theo ông, cần phải có đột phá ra sao trong quản lý nguồn tài nguyên này?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ TN&MT đã xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ quản lý tài nguyên nước từ Trung ương đến địa phương.

Để bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện, hiệu quả cao, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014 - 2020... Tuy vậy, công tác quản lý về tài nguyên nước vẫn còn số tồn tại như: Lập quy hoạch tài nguyên nước còn chậm; việc điều hòa, phân bổ nguồn nước giữa các ngành, địa phương đòi hỏi phải có sự tính toán cụ thể và sự đồng thuận cao, trong khi chưa thành lập được các Ủy ban lưu vực sông; thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc còn phân tán, chưa có cơ sở dữ liệu và chưa đáp ứng yêu cầu của quản lý tài nguyên nước.

Đáng lưu ý, tại các địa phương, cán bộ quản lý tài nguyên nước còn thiếu về số lượng, không có chuyên môn sâu về chuyên ngành, hoạt động còn mang tính kiêm nhiệm.

Trước những tồn tại đó, theo tôi, cần có những giải pháp: Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai các quy định của pháp luật về tài nguyên nước đã ban hành, trọng tâm là các quy định như: Hạn chế khai thác nước dưới đất; thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Đồng thời, đẩy mạnh điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở vùng khan hiếm nước, thiếu nước, hải đảo; nghiên cứu xây dựng để sớm đưa vào hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, giám sát việc vận hành của hệ thống liên hồ chứa, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện... bằng công nghệ tự động, trực tuyến.

Cùng với đó, triển khai Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.  Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống giám sát việc phối hợp vận hành liên hồ chứa của khoảng 130 hồ chứa lớn, quan trọng trên 11 lưu vực sông và hệ thống giám sát hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước; hoàn thành việc khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên phạm vi cả nước.

Nhất là việc hoàn thành việc xác định và công bố khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước đối với các sông lớn, quan trọng hoặc trọng điểm về ô nhiễm nguồn nước. Theo đó, xác định được tầm nhìn đến năm 2050, về cơ bản thông tin, số liệu, kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước đáp ứng được yêu cầu quản lý hiệu quả, khai thác, sử dụng và bảo vệ bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia trên cơ sở nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến theo chuẩn mực chung quốc tế.

Bên cạnh đó, thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở tất cả các cấp, bao gồm cả thông qua hợp tác xuyên biên giới; thực hiện bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái liên quan đến nước bao gồm núi, rừng, đầm lầy, sông, tầng nước ngầm và hồ.

PV: Để bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Cục Quản lý Tài nguyên nước sẽ có những biện pháp, kế hoạch cụ thể nào, thưa ông?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Theo tôi, trong thời gian tới, để bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt.

Người dân trữ nước sinh hoạt. Ảnh: Văn Dinh

Thời gian tới, tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Tài nguyên nước, trong đó, cần có các quy định khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước (điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình điều tiết nước, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nước) theo phương thức xã hội hóa. Mặt khác, cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc thực hiện các dịch vụ về nước…

Về trách nhiệm, thẩm quyền quản lý, cần quy định đầy đủ, rõ ràng quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, của các Bộ có quản lý ngành sử dụng tài nguyên nước và chính quyền địa phương các cấp. Phân định rõ giữa quản lý nguồn nước và quản lý hoạt động khai thác, sử dụng trong các lưu vực sông.

Tiếp đó, tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, Cửu Long và các lưu vực sông lớn làm cơ sở cho các hành lập quy hoạch có khai thác sử dụng nước.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và ý thức và nghĩa vụ của người dân giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ chất lượng nước các sông, suối, hồ, ao,… nhất là các nguồn nước cấp cho sinh hoạt.

Hoàn chỉnh việc xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát vệc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua hình thức giám sát tự động, trực tuyến. Tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia nhằm nắm chắc nguồn tài nguyên nước Việt Nam và hiện trạng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước.

Thành lập và đưa vào hoạt động các Ủy ban lưu vực sông để thực hiện có hiệu quả và nâng cao vai trò trong việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước. Đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước; tăng cường năng lực, bao gồm cả tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất, công cụ kỹ thuật, thông tin cho các cơ quan quản lý chuyên ngành về tài nguyên nước từ trung ương đến các cấp ở địa phương

Cuối cùng là xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý tài nguyên nước giữa trung ương và địa phương; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các biện pháp sự dụng nước tiết kiệm hiệu quả đến tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân và cộng đồng dân cư; tăng cường đầu tư cho lĩnh vực tài nguyên nước .

 PV: Trân trọng cám ơn ông!

 

Thông điệp Ngày Nước thế giới năm 2020

-  Sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững giúp thích ứng với BĐKH.

- Tài nguyên nước phải là yếu tố trung tâm của các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH.

- Hãy góp phần giảm thiểu tác động của BĐKH thông qua việc thay đổi các thói quen sử dụng nước hằng ngày.

- Nước là tài nguyên quý giá! Hãy chung tay bảo vệ tài nguyên nước.

- Sử dụng nước hiệu quả là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

- Con người cần nước để tồn tại. Vì vậy, cần quản lý nước một cách an toàn và bền vững.

 

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ nguồn nước thích ứng với BĐKH: Thiết lập khả năng tiếp cận nguồn cung cấp nước bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO