Khánh Hòa tăng cường bảo vệ nguồn nước: Nền tản để phát triển bền vững
Khánh Hòa đang triển khai nhiều kế hoạch bảo vệ nguồn nước để thúc đẩy phát triển bền vững. Các biện pháp bảo vệ nguồn nước không chỉ đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cho dân cư mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế phát triển...
Để giảm thiểu và xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam vừa có Quyết định số 1691/QĐ-UBND về việc phê duyệt Danh mục và Bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng liền kề với khu vực bị nhiễm mặn có hàm lượng tổng chất rắn hòa tan từ 1.500 mg/l trở lên có tổng diện tích 160,2km2 với 78 vùng hạn chế được phân bố tại 5 huyện, thị, thành phố.
Theo đó, Các vùng bị hạn chế khoan giếng, khai thác nước ngầm nêu trên thuộc 78 xã, phường, thị trấn của 2 TP Nha Trang, Cam Ranh và các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa.
Vùng bị hạn chế khai thác nước ngầm có phạm vi rộng nhất là ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, bao gồm toàn bộ các thôn từ chân đèo Cù Hin đến hết phía nam của xã với tổng diện tích 18,47km2. Còn vùng có phạm vi hạn chế hẹp nhất có diện tích 0,027km2 ở khu vực phía tây bắc phường Phương Sài, TP Nha Trang.
Theo quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa, các biện pháp hạn chế khai thác nước ngầm tại các vùng như; không chấp thuận đăng ký, cấp các giấy phép thăm dò, khai thác nước ngầm để xây dựng thêm các công trình khai thác nước dưới đất mới. Trừ trường hợp khoan thay thế giếng thuộc công trình đã được cấp giấy phép theo quy định.
Những công trình có giấy phép khai thác, sử dụng nước ngầm hoặc giấy phép khai thác nước dưới đất được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép đã được cấp và được xem xét cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nhưng không được vượt quá lưu lượng nước khai thác đã được cấp phép trước đó.
Trường hợp công trình đã đăng ký thì tiếp tục khai thác nhưng không được tăng lưu lượng khai thác đã được cấp phép.
Công trình đang khai thác nước dưới đất để cấp nước cho mục đích sinh hoạt thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác nước dưới đất hoặc đăng ký nhưng chưa có giấy phép, hoặc chưa đăng ký thì được xem xét cấp giấy phép khai thác hoặc đăng ký nếu đủ điều kiện cấp phép, đăng ký theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.