Tài nguyên nước

Bảo vệ nguồn nước ở Lạng Sơn: Phân vùng để quản lý

Hoàng Nghĩa 26/09/2023 - 17:44

(TN&MT) - Năm 2022, Lạng Sơn đã hoàn thành Dự án điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông, hồ là nguồn nước nội tỉnh. Đây là cơ sở để các huyện, thành phố tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả bảo vệ tài nguyên nước.

Lạng Sơn có hệ thống sông suối khá phong phú, là nguồn cung cấp nước mặt chính cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân. Song, theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh, từ năm 2015 trở lại đây, nhu cầu khai thác, sử dụng nước mặt gia tăng, đặc biệt là việc xả nước thải từ các nguồn thải chưa được xử lý (nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, khu canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản...) hoặc xử lý chưa triệt để (nước thải sản xuất từ một số nhà máy xí nghiệp riêng lẻ, khu công nghiệp, bệnh viện...) đã làm cho chất lượng nước tại các sông, hồ suy giảm.

img_20221022_125947.jpg
Lạng Sơn có hệ thống sông suối khá phong phú, là nguồn cung cấp nước mặt chính cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu cũng được coi là nguyên nhân làm suy giảm khả năng đáp ứng của nguồn nước, tăng nguy cơ thiếu hụt nước sạch cho các nhu cầu sản xuất và đời sống; thiếu nguồn nước để đảm bảo duy trì hệ sinh thái thủy sinh và bảo tồn đa dạng sinh học; ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và đe dọa sự phát triển bền vững.

Trước thực trạng đó, để kiểm soát tình trạng ô nhiễm nguồn nước nội tỉnh, tạo cơ sở cho công tác quy hoạch phát triển, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn nước, Sở TN&MT tỉnh đã triển khai điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông, hồ là nguồn nước nội tỉnh.

Đối tượng điều tra là 3 sông lớn gồm sông Kỳ Cùng, sông Thương, sông Bắc Giang và 10 hồ chứa điển hình trên địa bàn 7 huyện, thành phố. Qua điều tra, đã đưa ra được bức tranh tổng thể, đầy đủ về các nguồn thải, tính toán tải lượng chất ô nhiễm các nguồn thải chính đi vào các sông, hồ. Đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường nước, dự báo khả năng tiếp nhận và sức chịu tải tối đa cho các sông, hồ được nghiên cứu. Từ đó, đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ, sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường nước cho các sông, hồ trên toàn tỉnh.

Chú trọng kiểm soát, xử lý các nguồn thải phát sinh

Theo Sở TN&MT Lạng Sơn, quá trình điều tra khảo sát tập trung vào hiện trạng khai thác, sử dụng nước, các nguồn thải, chế độ thủy văn của mỗi sông, hồ… Phương pháp khảo sát trực quan, đánh giá nhanh tại hiện trường để làm cơ sở cho hoạt động phân vùng, chấm điểm quan trắc lấy mẫu, đánh giá số liệu. Ngoài ra, dự án cũng tiến hành khảo sát với 300 phiếu điều tra hộ gia đình, 40 phiếu cho các tổ chức đang quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn nước.

Kết quả điều tra, thống kê cho thấy, các nguồn xả thải vào hồ có lưu lượng nhỏ hơn 5m3/ngày đêm; sông Kỳ Cùng nhận nước thải từ 42 cơ sở, sông Bắc Giang 7 cơ sở và sông Thương có 4 cơ sở xả thải có lưu lượng trên 5m3/ngày đêm. Chất lượng nước tại các vị trí quan trắc trên các sông cơ bản có chất lượng nước tốt, phù hợp cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Với các hồ chứa, 9/10 hồ đều đạt tiêu chuẩn nước mặt dùng cho tưới tiêu, thủy lợi…

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn Nguyễn Hữu Trực, các nguồn xả thải vào hồ chủ yếu là nước thải sinh hoạt và một số nguồn thải từ nuôi trồng thủy sản. Với các lưu vực sông, nguồn thải được xác định từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cơ sở y tế, sản xuất công nghiệp, các khu dân cư có phát sinh nước thải. Ngoài ra, còn một số điểm xả nằm trên dòng chảy các sông như các nhà máy thủy điện, khu nuôi cá lồng, các điểm kinh doanh dịch vụ, du lịch…

Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá, Lạng Sơn đã đề ra các nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước. Trong đó, tiếp tục chú trọng kiểm soát và xử lý hiệu quả các nguồn nước thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Đẩy mạnh thu gom, xử lý nước thải phát sinh tại nguồn; yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường.

20200313_170119.jpg
Lạng Sơn thường xuyên quan trắc, giám sát chất lượng nước các nguồn thải, giám sát, cảnh báo, xử lý rủi ro môi trường....

Cùng vớiđó, thường xuyên quan trắc, giám sát chất lượng nước các nguồn thải, giám sát, cảnh báo, xử lý rủi ro môi trường, cảnh báo thiên tai và biến đổi khí hậu có liên quan đến chất lượng nước sông, hồ. Tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường với các tổ chức, cá nhân trong vùng ảnh hưởng đến chất lượng nước.

Xây dựng một số trạm quan trắc tự động chất lượng nước mặt trên sông, ưu tiên nhất với sông Kỳ Cùng. Khuyến khích, kêu gọi các nguồn hỗ trợ, tài trợ, thu hút đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường lưu vực sông. Triển khai các quy định về sử dụng công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường như thuế, phí, lệ phí, xử phạt vi phạm hành chính với các vi phạm về bảo vệ môi trường.

Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế với phía Trung Quốc và các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh trong khai thác, sử dụng nước sông; công tác cảnh báo, phòng ngừa, xử lý, khắc phục rủi ro, sự cố môi trường lưu vực sông Kỳ Cùng, Bắc Giang, Thương.

Kết quả dự án Điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông, hồ là nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được UBND tỉnh phê duyệt; được Sở TN&MT bàn giao cho các huyện, thành phố. Trên cơ sở đó, yêu cầu các địa phương triển khai các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát nguồn thải; xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ nội tỉnh và các nguồn nước mặt khác có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ nguồn nước ở Lạng Sơn: Phân vùng để quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO