Bảo tồn và phát triển các loài thực vật quý hiếm ở Lâm Đồng

13/09/2013 00:00

Trường Đại học Đà Lạt đang xây dựng các phương án bảo tồn và phát triển một số loài thực vật quý hiếm và có giá trị cao ở tỉnh Lâm Đồng.

   
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong công tác nghiên cứu đa dạng sinh học và bảo tồn các loài thực vật quý hiếm, Trường Đại học Đà Lạt đang xây dựng các phương án bảo tồn và phát triển một số loài thực vật quý hiếm và có giá trị cao ở tỉnh Lâm Đồng.     
   
   
  Từ năm 2008 đến nay, đội ngũ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, kỹ sư của khoa Nông lâm và khoa Sinh học – Đại học Đà Lạt đã thực hiện nhiều đề tài, dự án khoa học nghiên cứu đa dạng sinh học và bảo tồn các loài thực vật quý hiếm, thu được nhiều thành tựu quan trọng để làm cơ sở cho việc thực hiện những nghiên cứu và đẩy mạnh bảo tồn, phát triển trong tương lai.    
   
  Trong số 11 đề tài, dự án khoa học (cấp tỉnh, cấp bộ và hợp tác nước ngoài) đã và đang được Đại học Đà Lạt thực hiện, nhiều đề tài, dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, nhân giống, khai thác một số loài thực vật trên địa bàn Lâm Đồng như thông ba lá, trà mi Đà Lạt, lan gấm, sâm Ngọc Linh..., đồng thời góp phần phát triển nguồn gen thực vật của tỉnh. Đó là các đề tài: “Nghiên cứu đa dạng sinh học thực vật rừng thông ba lá mọc tự nhiên ở Lâm Đồng và vùng phụ cận”, “Nghiên cứu tuyển chọn, xây dựng mô hình trồng một số loại rau rừng có giá trị tại Lâm Đồng”, “Điều tra, sưu tập và nhân giống các loài hoa trà mi ở Lâm Đồng”. Ngoài ra, còn có nhiều đề tài nghiên cứu, tuyển chọn, bảo tồn, nhân giống, lai tạo các loài lan rừng, lan quý, đỗ quyên, các giống hoa bản địa, sâm Ngọc Linh, đẳng sâm…    
   
  Từ kết quả thu được của các dự án đã giúp đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về tính đa dạng sinh học và tài nguyên thực vật; xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển tài nguyên thực vật gắn với phát triển kinh tế. Qua các dự án, Đại học Đà Lạt đã chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất với các đối tác để phát huy giá trị của các loài thực vật quý hiếm trong đời sống.    
   
Hoa trà mi ở Lâm Đồng           
   
  Một số đề tài đã thực hiện thành công với kết quả được ghi nhận như “Điều tra, sưu tập và nhân giống các loài Trà mi (Camellia) ở Lâm Đồng”, thực hiện trong giai đoạn 2012 – 2013. Đến nay, đã điều tra và thu thập mẫu của 17 loài trà mi xác định phân bố tự nhiên ở Lâm Đồng và đã nhân giống truyền thống được gần 3.000 cây con trà mi, đồng thời nhân giống thành công trên 1.000 cây bằng phương pháp nuôi cấy mô (in vitro) hai loài trà mi hoa đỏ và trà mi hoa vàng.                
   
  Với đề tài nghiên cứu về hoa đỗ quyên, đã ghi nhận có 6 loài đỗ quyên phân bố tự nhiên ở Lâm Đồng. Hiện tại có 70 cá thể của 7 dòng đỗ quyên bản địa đã di thực về vườn sưu tập thực vật của Đại học Đà Lạt. Qua điều tra, sưu tập, nghiên cứu, đến nay các nhà khoa học cũng đã thu thập được ở Lâm Đồng 7 loài lan hài (thuộc chi Paphiopedilum Pfitzer), đồng thời nhân giống thành công và lưu giữ 5 loài lan hài in vitro.    
   
  Trong số này còn có dự án ODA của Hàn Quốc “Hỗ trợ nghiên cứu bảo tồn các giống cây trồng có giá trị ở Việt Nam” (2009 – 2011) phối hợp giữa Đại học Đà Lạt và Đại học Dongguk (Hàn Quốc), qua triển khai thực hiện đã lưu giữ các loài cây thuốc có giá trị và nhiều loài cây trồng quan trọng, đặc biệt là các giống hoa, khoai tây và dâu in vitro.   
   
  Cùng với công tác nghiên cứu, bảo tồn trong việc khai thác, sử dụng nguồn gen cây trồng, tính đến nay, Đại học Đà Lạt đã cung cấp trên 300.000 cây giống cho nông dân; 60.000 cây lan con thuộc 18 loài lan bản địa cho các đơn vị, cơ sở trong và ngoài tỉnh; 24.700 cây lan gấm gân xanh và 4.500 cây lan gấm gân đỏ; 71.000 cây cúc và 5.000 cây dâu in vitro.             
  Hoàng Liên Sơn
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn và phát triển các loài thực vật quý hiếm ở Lâm Đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO