Bảo tồn, phát triển bền vững rừng đặc dụng VQG Mũi Cà Mau

24/08/2016 00:00

(TN&MT) - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt đề cương Quy hoạch tổng thể và bảo tồn, phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quy hoạch sẽ do Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau lập và trình cấp thẩm quyền phê duyệt trong năm 2016.

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thuộc địa bàn hành chính 2 huyện: Ngọc Hiển và Năm Căn với quy mô hơn 41.860 ha. Mục tiêu của quy hoạch nhằm đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tài nguyên rừng, công tác bảo tồn và phát triển khu rừng đặc dụng; các yếu tố tác động đối với bảo tồn và phát triển Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Ngày 26/5/2009 UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, với tổng diện tích là 371.506 ha, bao gồm: vùng lõi 17.329 ha, vùng đệm 43.309 ha, vùng chuyển tiếp 310.868 ha.

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao

Ngày 13/4/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ đón Bằng chứng nhận VQG Mũi Cà Mau là Khu Ramsar 5 của Việt Nam và là khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới. Hệ động vật có 93 loài chim, thuộc 23 họ; 26 loài thú thuộc 11 họ; 43 loài bò sát thuộc 12 họ; 09 loài lưỡng cư, với 5 họ; cá 139 loài, 89 giống 55 họ; tôm 24 loài. Trong đó, có nhiều loài quý hiếm như: bồ nông chân xám, cò trắng Trung Quốc, cầy giông đốm lớn, rái cá, rùa răng, rùa hộp lưng đen, rùa ba gờ, rùa cổ bự, ba ba Nam Bộ… Phần lớn diện tích đất là bãi bùn ngập triều và rừng ngập mặn, với nhiều loài thực vật. Trong khoảng 60 loài thực vật bậc cao thì có đến 26 loài cây ngập mặn và 02 loài đước đôi và quao nước nằm trong sách đỏ Việt Nam.

Trong đó, các vùng rừng ngập mặn diễn thế nguyên sinh trên đất mới bồi tạo nên bãi sinh đẻ và nuôi dưỡng con non các loài thủy, hải sản cho cả một vùng rộng lớn - Vịnh Thái Lan; các hệ thống chuyển tiếp hệ sinh thái đặc trưng từ rừng ngập mặn sang rừng tràm ngập nước theo mùa và những dấu tích cư dân đầu tiên trên vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Đây là mô hình phát triển bền vững của địa phương thông qua việc bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế và gìn giữ các giá trị văn hóa.

du khách trong và ngoài nước cùng cac cơ quan truyền thông thường xuyên đến thăm quan Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau
Du khách trong và ngoài nước cùng cac cơ quan truyền thông thường xuyên đến thăm quan Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

Trong giai đoạn 2010 – 2015, tỉnh Cà Mau đã đón gần 8 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân gần 11% đến thăm quan Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Du lịch được định hướng sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Cà Mau. Trong đó, du lịch sinh thái là loại hình thế mạnh sẽ được tập trung đầu tư, khai thác, nhất là tại địa điểm Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Riêng đối với Khu du lịch Đất Mũi, UBND tỉnh Cà Mau đã giao UBND huyện Ngọc Hiển và Ban Quản lý Khu du lịch Đất Mũi bố trí, sắp xếp lại 63 hộ dân trong khu du lịch, kiên quyết không để phát sinh thêm hộ dân mới. Nghiên cứu, hướng dẫn người dân buôn bán các sản phẩm du lịch, kinh doanh hàng quán tuân thủ theo quy định của Ban quản lý, nhằm thu hút du khách. Ngoài ra, việc quy hoạch còn làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, huy động sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế vào các hoạt động bảo tồn và phát triển khu rừng đặc dụng, đầu tư phát triển du lịch sinh thái, các ngành nghề có tiềm năng phát triển của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Giang Sơn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn, phát triển bền vững rừng đặc dụng VQG Mũi Cà Mau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO