Môi trường

Bảo tồn gắn với tăng trưởng xanh

Lan Anh 21/06/2024 - 11:33

(TN&MT) - Quảng Nam là một trong những vùng ưu tiên về đa dạng sinh học (ĐDSH) ở khu vực miền Trung và cả nước. Đồng thời thuộc 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu. Đây là vốn quý để địa phương có thể phát triển đúng hướng kinh tế xanh trong dòng chảy chung của thế giới.

“Kho báu” từ rừng xuống biển

Với địa bàn rộng, vị trí địa lý đặc biệt tạo nên sự đa dạng về sinh cảnh, Quảng Nam được đánh giá là một trong những địa phương có tính đa ĐDSH cao của cả nước. “Kho báu” từ rừng xuống biển của Quảng Nam có 13 kiểu hệ sinh thái đặc trưng cho cả 3 vùng ĐDSH rừng - đất ngập nước và biển, mang lại nhiều giá trị cảnh quan và kinh tế; là nơi phân bố của các loài quý hiếm, đặc hữu như Sao la, Hổ, Voi châu Á, Voọc chà vá chân xám, Khướu Ngọc Linh, Mang Trường Sơn, Sâm Ngọc Linh, san hô, cỏ biển….

hinh2-2.jpg
Cò ốc - loài chim có tên trong sách đỏ Việt Nam, đã có mặt tại sông Đầm (Tam Kỳ, Quảng Nam)

Sáng kiến đề xuất tổ chức Năm Phục hồi ĐDSH Quốc gia - Quảng Nam 2024 đã thể hiện quyết tâm hành động của tỉnh. Quảng Nam đã, đang và sẽ là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong công tác bảo tồn ĐDSH, phục hồi sinh thái, triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch của quốc gia; các cam kết của Việt Nam với quốc tế bằng các hành động cụ thể, thiết thực và phù hợp với thực tế địa phương.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Đến nay, Quảng Nam có 7 khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập, bao gồm một phần Vườn quốc gia Bạch Mã, Vườn quốc gia Sông Thanh, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh, Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học là Công viên Chăm sóc và Bảo tồn động vật Vinpearl River Safari Nam Hội An.

Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam Lê Thủy Trinh cho biết, Quảng Nam là một trong những địa phương tiên phong trong công tác bảo tồn ĐDSH. Năm 2005, tỉnh đã ban hành Chiến lược bảo tồn ĐDSH hệ sinh thái rừng phía Tây; đến năm 2011, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động ĐDSH đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Cùng với đó, Quảng Nam đã thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi tại huyện Nông Sơn; Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh và thiết lập hành lang ĐDSH tỉnh.

Nhiều đề tài nghiên cứu về lĩnh vực ĐDSH được triển khai, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng cho việc xác định và thành lập các khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh. Bảo tàng ĐDSH Quảng Nam là bảo tàng ĐDSH cấp tỉnh đầu tiên trên cả nước được xây dựng; thu thập hơn 3.700 ảnh và hơn 2.000 tiêu bản về các hệ sinh thái và các loài động thực vật liên tục được cập nhật.

Những năm qua, độ che phủ rừng của Quảng Nam đã tăng từ 49,42% năm 2013 lên 58,88% năm 2023, trong đó, diện tích rừng đặc dụng tăng hơn 4.500ha so với giai đoạn 2011 - 2023; đánh giá và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững với diện tích là 21.577ha. Diện tích khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được mở rộng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2010. Nhiều khu bảo tồn được quy hoạch mới, quy hoạch mở rộng như Khu bảo tồn Lim xanh; Khu bảo tồn Sao La; Khu bảo tồn Chà vá chân xám Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành và một số khu hệ sinh thái ngập nước…. Đây là những minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực không mệt mỏi của tỉnh Quảng Nam cho mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) đánh giá, hoạt động bảo tồn ĐDSH của Quảng Nam thời gian qua đạt được nhiều thành tựu ấn tượng như tái phát hiện sao la qua bẫy ảnh của WWF vào năm 2013, sự xuất hiện trở lại của các loài quý hiếm như Mang lớn, Mang Trường Sơn, Rùa Trung bộ và sự tăng trưởng của quần thể Vọoc chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây.

Động lực phát triển kinh tế xanh

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định quan điểm phát triển hài hòa giữa các ngành kinh tế, gắn với tăng trưởng xanh, đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, quan tâm phát triển kinh tế tuần hoàn; phát triển kinh tế gắn với giữ gìn cảnh quan, bảo tồn di sản. Đồng thời, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải CO2, chủ động phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

hinh3-1.jpg
Quảng Nam sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, quan tâm phát triển kinh tế tuần hoàn

Với ý thức coi trọng bảo tồn ĐDSH đi đôi với phát triển bền vững, WWF tin rằng Quảng Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá trong thời gian tới khi thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết, vận động được sự tham gia của các ban ngành, các tổ chức, công ty và cộng đồng trong công tác bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái bằng các hành động cụ thể, thiết thực. Đặc biệt là triển khai các hoạt động đã đề ra trong đề án Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024.

Ông Nguyễn Anh Quốc - Đại diện Văn phòng WWF tại Quảng Nam

Để theo đuổi và thực hiện các mục tiêu đề ra trong quy hoạch tỉnh, tỉnh Quảng Nam đã đề xuất và được Bộ TN&MT ghi nhận trong Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là kiện toàn, nâng cấp 7 khu bảo tồn hiện trạng; thành lập mới 7 khu bảo tồn; quy hoạch 4 vùng đất ngập nước quan trọng; quy hoạch chuyển tiếp 2 Hành lang bảo tồn ĐDSH kết nối khu bảo tồn; thành lập các cơ sở bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ đối với các loài động vật, thực vật đặc hữu, quý, hiếm hoặc có giá trị kinh tế cao; cải thiện về chất lượng, số lượng quần thể các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, đảm bảo không gia tăng số lượng loài bị tuyệt chủng; cải thiện tình trạng loài bị đe dọa tuyệt chủng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch theo phương châm bảo vệ ĐDSH để phát triển bền vững, gắn kết bảo tồn ĐDSH và phát triển kinh tế xã hội; bảo đảm quản lý tài nguyên bền vững; khai thác, sử dụng gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao giá trị kinh tế và giá trị văn hóa, lịch sử; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao sinh kế của người dân.

“Cải thiện sinh kế người dân được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn, phát triển các khu bảo tồn để đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững, lâu dài.

Địa phương sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng và các chương trình như Chương trình đầu tư, phát triển vùng đệm tại các khu rừng đặc dụng và sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tại các cộng đồng giáp các khu rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Chương trình sinh kế cho người dân ở khu vực lưu vực các hồ thủy điện; Tiếp tục tranh thủ nguồn lực, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thông qua triển khai các dự án, mô hình thí điểm bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học”- ông Hồ Quang Bửu cho biết.

Bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng là để có một tương lai phát triển bền vững. Nhận chân sự vô giá của hệ sinh thái tự nhiên, chính quyền và người dân địa phương đang cùng nhau hành động để biến tiềm năng thành hiện thực vì một Quảng Nam phát triển bền vững, hài hòa giữa 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn gắn với tăng trưởng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO