Bảo Thắng (Lào Cai): Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường

Bích Hợp| 16/02/2023 11:40

(TN&MT) - Những năm gần đây, trong chiến lược phát triển, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) luôn khẳng định và đề cao giải pháp: Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, trọng tâm là bảo vệ môi trường nông thôn, an toàn sản xuất tại các cơ sở, khu công nghiệp và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Chủ động xử lý sự cố môi trường

Khu Công nghiệp Tằng Loỏng đóng tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Đây là khu công nghiệp hóa chất của cả nước tập trung hàng chục nhà máy, tổ hợp nhà máy sản xuất nhiều loại hóa chất, luyện kim màu và phân bón... Nằm xen lẫn khu dân cư và gần nơi sản xuất của người dân nên mỗi khi quy trình sản xuất công nghiệp gặp rủi ro hoặc xảy ra sự cố, mức độ, phạm vi ảnh hưởng rất lớn.

Xác định tầm quan trọng cũng như sức ảnh hưởng của khu công nghiệp tới môi trường, khu dân cư nên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tại khu công nghiệp, mục tiêu nhằm kiềm chế ô nhiễm, đặc biệt là đối với sự cố môi trường, chủ động khắc phục ngay khi có sự cố xảy ra.

anh-1-1-.jpg
Lãnh đạo huyện Bảo Thắng xuống xã, thôn tuyên truyền người dân bảo vệ môi trường trong chương trình “Ngày thứ 7 dành cho cơ sở”.

Cuối tháng 5/2022, nhận được tin báo tại thôn Phú Hà, xã Phú Nhuận có mùi hóa chất nồng nặc khiến một số người dân khó thở, đau tức ngực, cây trồng có dấu hiệu rũ lá, tàn héo, Đảng ủy, UBND xã Phú Nhuận lập tức cho người tiếp cận hiện trường kiểm tra, nắm tình hình; hướng dẫn người dân cách phòng tránh, một mặt tuyên truyền ổn định tâm lý cho người dân để giảm căng thẳng, đồng thời, báo ngay với UBND huyện Bảo Thắng, các ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh Lào Cai. Lãnh đạo xã Phú Nhuận cũng chủ động xác lập các phương án ứng phó, sẵn sàng xin ý kiến để di tản người dân trong vùng bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Kết quả kiểm tra, rà soát của cơ quan chuyên môn sau đó xác định, nguyên nhân gây ra hiện tượng trên là do trong quá trình sản xuất axit sunfuric (H2SO4), Nhà máy sản xuất DAP số 2 (Công ty cổ phần DAP số 2) đã để hóa chất phát tán ra môi trường.

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, UBND huyện Bảo Thắng đã thành lập tổ rà soát, thống kê thiệt hại của các hộ dân bị ảnh hưởng cả về môi trường, sức khỏe, cây trồng... Với sự tham mưu tích cực của chính quyền địa phương, UBND tỉnh Lào Cai đã buộc Công ty cổ phần DAP số 2 phải chi trả 7,9 tỷ đồng đền bù thiệt hại cho dân, đồng thời, xử phạt hành chính doanh nghiệp 350 triệu đồng.

Cũng trong năm 2022, từ sự chủ động của chính quyền địa phương, khi Nhà máy sản xuất phốt pho vàng của Công ty cổ phần tập đoàn Nam Tiến để nước thải xỉ lẫn bùn tràn ra suối Khe Chom, thị trấn Tằng Loỏng, UBND huyện Bảo Thắng, các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai đã có mặt lập biên bản, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục; doanh nghiệp sau đó đã bị UBND tỉnh Lào Cai ra quyết định xử phạt hành chính 300 triệu đồng.

Bảo vệ môi trường nông thôn

Nhiều năm qua, Bảo Thắng được ghi nhận là địa phương phát triển chăn nuôi mạnh nhất tỉnh Lào Cai với hơn 300 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, hơn 19.000 hộ chăn nuôi. Năm 2022, toàn huyện có 135.000 con gia súc, hơn 2 triệu con gia cầm, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt gần 30.000 tấn. Huyện luôn quan tâm các giải pháp phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đến nay, huyện có 18.035 hộ chăn nuôi có chuồng, trại đảm bảo vệ sinh môi trường (đạt 94%), trong đó, có 1.903 hộ thực hiện các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng biogas, 100% trại chăn nuôi gia súc có hầm biogas xử lý chất thải, nhiều hộ còn sử dụng đệm lót là chế phẩm sinh học để hạn chế tác động đến môi trường sống.

anh-2.jpg
Chính quyền và nhân dân huyện Bảo Thắng, Lào Cai chung tay thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Ông Đào Văn Quang - Trưởng phòng TN&MT huyện Bảo Thắng cho biết, thời gian qua, các xã, thị trấn trên địa bàn đã triển khai tốt việc thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Ước tính riêng năm 2022, toàn huyện đã thu gom, xử lý gần 20 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, hàng chục tấn vỏ lọ vắc-xin, vỏ thuốc, bao bì thức ăn chăn nuôi.

11/11 xã của Bảo Thắng tiếp tục duy trì tốt các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nhất là các tiêu chí có tác động trực tiếp, sâu, rộng như quy hoạch nghĩa trang nhân dân, bãi chôn lấp chất thải rắn, xây dựng hương ước, quy ước giữ vệ sinh môi trường. Tiêu chí môi trường còn được bổ sung bằng hoạt động trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại các tổ dân phố, các thôn, khu dân cư.

Trong nông nghiệp, nổi bật tại huyện Bảo Thắng phải kể tới việc triển khai mạnh các ứng dụng công nghệ sản xuất sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường, ưu tiên phát triển nông nghiệp hàng hóa theo các tiêu chí hữu cơ, Organic, VietGAP, GACP… Đến nay, diện tích các sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP tại Bảo Thắng đạt hơn 90ha, huyện có 1 vùng trồng và 2 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số; 30 sản phẩm được công nhận OCOP; 12 doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia với 18 sản phẩm được gắn mã QR-Code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trưởng phòng TN&MT huyện Bảo Thắng cho biết thêm, UBND huyện Bảo Thắng đã đề xuất với UBND tỉnh Lào Cai đầu tư hệ thống lò đốt rác thải trên địa bàn. Thực hiện các vấn đề cấp bách về môi trường, huyện đã đề xuất với UBND tỉnh Lào Cai sớm di chuyển 96 hộ tại khu vực tổ dân phố số 1, số 7 và số 8, thị trấn Tằng Loỏng ra khỏi vùng bị ảnh hưởng và có nguy cơ bị ảnh hưởng môi trường hóa chất độc hại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo Thắng (Lào Cai): Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO