Báo Tài nguyên và Môi trường: Kỳ vọng tuổi 18

Nhóm PV (thực hiện)| 02/02/2023 09:53

(TN&MT) - Xuân Quý Mão 2023, Báo TN&MT bước vào tuổi 18. Mỗi mùa xuân về, trong niềm vui chung “Mừng Đảng, mừng xuân” của đất nước, tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Báo TN&MT luôn cảm thấy ý nghĩa và tự hào hơn khi Ngày thành lập của Báo trùng với sự kiện đặc biệt trọng đại của đất nước: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2).

Qua 17 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ TN&MT, với đội ngũ cán bộ, nhân viên có bề dày kiến thức và kinh nghiệm, Báo TN&MT đã từng bước khẳng định vị trí vai trò chức năng là cơ quan ngôn luận của Bộ TN&MT, là diễn đàn công khai rộng rãi của nhân dân, là cơ quan đồng hành tin cậy của các địa phương, các cấp, các ngành trong nhiệm vụ tuyên truyền về lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu... góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhân sự kiện quan trọng này, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã gửi đến Báo TN&MT những “cảm nghĩ mùa xuân” thể hiện niềm tin yêu và đặt kỳ vọng vào tuổi 18 đầy tươi đẹp của Báo.
Báo TN&MT trân trọng trích đăng, chia sẻ một số ý kiến cùng bạn đọc.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) chụp ảnh lưu niệm tại gian trưng bày Báo Tài nguyên và Môi trường - Hội báo Toàn quốc 2022.

Ông Đỗ Thanh Thảo - Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ:

Luôn đặt niềm tin vào công tác tuyên truyền về tài nguyên, môi trường của Báo

Thời gian qua, Sở TN&MT TP. Cần Thơ đã phối hợp chặt chẽ với Báo TN&MT đẩy mạnh tuyên truyền việc triển khai các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn thành phố; đồng thời, tăng cường thông tin các hoạt động thường xuyên của Sở TN&MT đến các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, qua đó đưa công tác quản lý đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH vào nền nếp, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

ong-do-thanh-thao.jpg
Ông Đỗ Thanh Thảo - Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ

Năm 2023, Sở TN&MT TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế về quản lý tài nguyên, môi trường, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường, tổ chức thu gom, phân loại và xử lý chất thải, …

Để giúp Sở TN&MT thực hiện các mục tiêu quan trọng này, thời gian tới, rất mong Báo TN&MT tiếp tục tích cực truyền tải kịp thời những chủ trương, chính sách của đất nước và thành phố trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường; tăng cường thông tin những cách làm hay, mô hình hiệu quả của tổ chức, cá nhân về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, thông tin về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, ứng phó BĐKH tại cơ sở để Sở TN&MT nắm bắt kịp thời, tham mưu cấp có thẩm quyền đưa ra các giải pháp khắc phục. Song song với đó, đề nghị Báo TN&MT tiếp tục phản hồi những ý kiến góp ý của tổ chức, doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là công tác giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, môi trường trên địa bàn thành phố, giúp cho Sở TN&MT từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phục vụ doanh nghiệp, người dân ngày càng tốt hơn.

Ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở TN&MT Nghệ An:

Báo TN&MT góp tiếng nói quan trọng vào quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản

Những năm qua, tỉnh Nghệ An luôn đề cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản của các cơ quan báo chí, đặc biệt là vai trò của Báo TN&MT.

Trong quá trình hoạt động, đồng hành phối hợp công tác, Báo TN&MT luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về khoáng sản nói riêng đến với cán bộ, đảng viên, cấp cơ sở và dư luận. Các bài tuyên truyền, phản ánh hoạt động về lĩnh vực tài nguyên môi trường, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An của Báo TN&MT đã có tác động sâu rộng, định hướng dư luận sâu sắc, đưa pháp luật về khoáng sản đến với cán bộ, người dân. Báo cũng thẳng thắn phản ánh các mặt tiêu cực, tồn tại, hạn chế trên tinh thần xây dựng để các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và đặc biệt là ngành TN&MT nắm bắt, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời, đưa hoạt động khai thác khoáng sản vào nền nếp.

Ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở TN&MT Nghệ An

Sở TN&MT ghi nhận và cảm ơn những đóng góp có chất lượng của Báo TN&MT đối với địa phương. Thời gian tới, Nghệ An mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp của Báo TN&MT để tuyên truyền phổ biến sâu, rộng đường lối của Đảng về chiến lược khoáng sản, chính sách pháp luật của Nhà nước về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tới các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và tới từng cán bộ công chức, viên chức, đảng viên; tới xóm, thôn, bản và tới người dân nơi có khoáng sản.

Sở cũng mong muốn Báo TN&MT kịp thời phát hiện, phản ánh những bất cập liên quan đến vấn đề khoáng sản để các ngành chức năng tỉnh Nghệ An kịp thời xử lý.

Ông Lê Vũ Tuấn Anh - Chánh Thanh tra Bộ TN&MT:

Chúc Báo TN&MT ngày càng trưởng thành hơn

Trải qua 18 năm xây dựng và phát triển, kể từ ngày phát hành số đầu tiên đến nay, Báo TN&MT đã trưởng thành về mọi mặt, từng bước nâng cao chất lượng, có nội dung phong phú trên tất cả các hoạt động của đời sống xã hội; tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của ngành Tài nguyên & Môi trường đến sâu rộng công chúng, qua đó, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ông Lê Vũ Tuấn Anh - Chánh Thanh tra Bộ TN&MT

Đặc biệt, Báo TN&MT còn là kênh thông tin phản ánh các vi phạm trong quản lý sử dụng tài nguyên, môi trường ở địa phương, nhất là trong những lĩnh vực nóng như: ô nhiễm môi trường, đất đai, khoáng sản… đây là kênh thông tin để Thanh tra Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ nắm bắt kịp thời để có văn bản chỉ đạo địa phương kiểm tra, giải quyết, hoặc thanh, kiểm tra đột xuất, lên kế hoạch thanh tra vào năm tiếp theo…

Bên cạnh đó, Báo TN&MT cũng kịp thời tuyên truyền hoạt động của Thanh tra Bộ trên các mặt công tác và hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm của ngành TN&MT từ Trung ương tới địa phương, qua đó góp phần không nhỏ vào việc răn đe, chấn chỉnh các vi phạm về lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

Thời gian tới, tôi mong muốn Báo TN&MT tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Thanh tra Bộ trong việc tuyên truyền các hoạt động của Thanh tra Bộ, tiếp tục có những bài phản ánh, phát hiện những vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường ở địa phương để Thanh tra Bộ nắm bắt và xử lý kịp thời các sai phạm, để chấn chỉnh kỷ cương trong quản lý Nhà nước; giải quyết vấn đề bức xúc thực tiễn đặt ra đối với ngành TN&MT…

Nhân kỷ niệm 18 năm ngày Báo TN&MT xuất bản số đầu tiên, chúc Báo TN&MT ngày càng trưởng thành hơn, chúc tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, người lao động của báo tiếp tục phát huy truyền thống, không ngừng cố gắng, nỗ lực, phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để có được nhiều thành tích to lớn hơn nữa, góp phần vào sự phát triển của Báo nói riêng và của ngành TN&MT nói chung.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm truyền thông TN&MT:

Luôn đồng hành với Báo TN&MT để nâng cao hiệu quả truyền thông

Trải qua 5 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Truyền thông TN&MT đã khẳng định được vị trí của mình trong công tác truyền thông về tài nguyên và môi trường, trong đó có sự phối hợp đồng hành cùng Báo TN&MT trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Ngành giao.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm truyền thông TN&MT

Song hành cùng Báo TN&MT với từng lĩnh vực, từng cơ chế chính sách của Ngành, Trung tâm đã thường xuyên phối hợp với Báo TN&MT xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động truyền thông về các lĩnh vực của Ngành; tăng cường phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường (trong đó có tuyên truyền tham vấn cộng đồng trước khi ban hành chính sách, pháp luật; phổ biến chính sách, pháp luật); Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên và môi trường (tổ chức Ngày kỷ niệm, Ngày truyền thống, sự kiện tài nguyên và môi trường; giải thưởng, cuộc thi, hội thi, diễn đàn, tọa đàm).

Riêng năm 2022, Trung tâm đã tổ chức được 4 buổi tọa đàm trực tuyến trên Báo TN&MT với các nội dung: Tọa đàm trực tuyến “Bảo đảm an ninh nguồn nước vì sự phát triển bền vững”; Tọa đàm trực tuyến “Truyền thông chính sách pháp luật về đất đai”; Tọa đàm trực tuyến “Tăng cường thực thi chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững”; Tọa đàm trực tuyến “Chính sách pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học hướng đến phục hồi các hệ sinh thái”.

Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, Trung tâm Truyền thông TN&MT luôn quan tâm triển khai nhiều hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao, các sự kiện trọng đại của Ngành TN&MT qua công tác truyền thông đã góp phần tạo nên thành công, hiệu quả, lan tỏa tới cộng đồng. Để tiếp tục đạt được những thành công này, thời gian tới, Trung tâm Truyền thông TN&MT sẽ luôn đồng hành với Báo TN&MT thực hiện hiệu quả hơn, lan tỏa hơn các sự kiện, hoạt động truyền thông về tài nguyên và môi trường…

Tiến sĩ, nhà báo Trần Bá Dung - nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam:

Cần nâng cao nghiệp vụ cho phóng viên, đáp ứng yêu cầu phát triển của Báo TN&MT

Gần đây, ChatGPT trở thành hiện tượng khuấy đảo đời sống giới tiêu dùng công nghệ, được coi là siêu AI (siêu trí tuệ nhân tạo) vì có khả năng trả lời câu hỏi, viết nhạc, viết văn, kịch bản… theo ý người dùng “nhanh hơn một phóng viên”. Điều này tác động rõ tới người làm báo.

Tôi đã có nhiều năm đồng hành, chứng kiến sự trưởng thành của Báo TN&MT. Tôi muốn liên hệ việc này với yêu cầu nâng cao nghiệp vụ báo chí thời công nghệ số cho phóng viên, biên tập viên (PV, BTV) Báo TN&MT để đáp ứng sự phát triển của Báo trong thời gian tới.

Tiến sĩ, nhà báo Trần Bá Dung - nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam

Thứ nhất, cần bồi dưỡng nghiệp vụ cho PV, BTV theo hướng làm báo chuyên ngành sâu - báo chí chuyên biệt. Bởi hơn hết, lĩnh vực tài nguyên, môi trường mang tính đặc thù chuyên môn rất rõ, có mối liên hệ chặt chẽ từ nhận thức tới hành động của người dân, của cán bộ, giữa chính sách của Nhà nước với hành vi hằng ngày của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng. Báo nên hướng sự đầu tư bồi dưỡng nghiệp vụ vào bồi dưỡng kĩ năng nghiệp vụ báo chí chuyên biệt, tăng tính phân tích chứ không đơn thuần chạy theo thông tin thời sự. Những kĩ năng này bao gồm cách phát hiện đề tài, khai thác, xử lý thông tin, cách kiểm chứng nguồn tin về tài nguyên - môi trường (ví dụ: không nhìn thấy, không nghe thấy, không sờ thấy, không ngửi thấy… thì chưa nên viết về việc ở đó ô nhiễm môi trường), cách thể hiện tác phẩm viết về tài nguyên - môi trường với những yêu cầu riêng…

Thứ hai, cần bồi dưỡng kĩ năng truyền thông chính sách (trong xây dựng, hoạch định chính sách về tài nguyên, môi trường, trong thực thi và đánh giá chính sách, Kĩ năng Truyền thông thay đổi hành vi, Kĩ năng truyền thông khoa học - công nghệ; quy trình khai thác, xử lý thông tin. Thực hiện 8 chữ: Tuyên truyền, Phản ánh, Phản biện, Nêu gương. Đáp ứng 3 yêu cầu đối với viết báo về tài nguyên, môi trường: Tự đào tạo, học hỏi kiến thức, Là nhà giáo dục công chúng, Là nhà cảnh báo trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

Thứ ba, cần bồi dưỡng sâu kĩ năng làm báo công nghệ, làm báo bằng các thiết bị di động cho PV, BTV trong môi trường tòa soạn hội tụ, đáp ứng yêu cầu tác nghiệp báo chí trong xu hướng mới, môi trường mới, trong đó có các kênh trên mạng xã hội. Ba yếu tố trên cần phải thực hiện đồng thời để Báo TN&MT không chỉ bắt kịp xu thế báo chí thời công nghệ số mà còn tự tin phát triển một cách hiện đại và bền vững nhất.

Ông Trần Việt Dũng - Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh

Báo TN&MT là cầu nối đưa chính sách pháp luật bảo vệ môi trường tới người dân

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với nhiều nội dung mang tính đột phá, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật khác nhau và thay đổi căn bản so với các quy định hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.
Những năm gần đây, các cơ quan báo chí truyền thông đã có nhiều tin, bài phản ánh về các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Đầm Hà, trong đó nổi bật là Báo TN&MT đã có nhiều bài viết phản ánh những gương điển hình cá nhân, tập thể điển hình làm tốt công tác bảo vệ môi trường, cũng như đi sâu phân tích, đánh giá những mặt còn hạn chế và đưa ra những giải pháp hữu hiệu giúp cho địa phương làm tốt hơn trong công tác bảo vệ môi trường.

Ông Trần Việt Dũng - Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh

Để triển khai có hiệu quả một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, cũng như thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, trong năm 2022, huyện Đầm Hà đã ban hành 15 Kế hoạch, 113 văn bản chỉ đạo hướng dẫn triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

Công tác lập và phê duyệt các quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư và dự án kêu gọi đầu tư đều lấy tiêu chí công nghệ và môi trường để ưu tiên lựa chọn; tất cả các dự án đầu tư công và ngoài ngân sách đều được đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định. Tổ chức tuyên truyền vận động người dân thực hiện đầy đủ công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thay thế phao xốp để nuôi trồng thủy sản… Nhờ vậy, chất lượng môi trường ở địa phương được cải thiện, các thông số môi trường đất, nước, không khí đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam.

Có thể nói, những năm qua, Báo TN&MT đã sát cánh, đồng hành cùng địa phương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các Nghị định,Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.

Thời gian tới, rất mong Báo TN&MT tăng cường phối hợp cùng địa phương trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ gia đình nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số… Đồng thời có thêm nhiều bài viết biểu dương các cá nhân, tập thể điển hình góp phần triển khai và nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo Tài nguyên và Môi trường: Kỳ vọng tuổi 18
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO