Cảnh báo mưa lớn do bão
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, với đặc điểm là vùng mây đối lưu lệch về phía Tây nên khả năng xảy ra hiện tượng mưa dông, lốc và gió giật mạnh ở vùng ven biển và đất liền. Điều này gây mối nguy cơ cao đối với tàu, thuyền và các lồng bè nuôi trồng thủy sản ven bờ.
Chuyên gia cảnh báo, khả năng bão kết hợp với không khí lạnh gây đợt mưa to diện rộng ở khu vực miền trung từ ngày 4 - 7/11, có nơi lượng mưa lên đến vài trăm mm.
Cụ thể, từ đêm 4/11 đến 6/11, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250 - 350 mm/đợt; các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm/đợt. Từ ngày 5 - 7/11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm/đợt.
Theo ông Lâm, vì đây là cơn bão cấp 8 - 9 nên cường độ và hướng di chuyển của nó sẽ chịu sự chi phối của hệ thống ngoại lực là chính, nó có thể thay đổi tính chất rất nhanh. Đối với bão cấp 8 - 9 và áp thấp nhiệt đới, các cơ quan khí tượng trên thế giới đánh giá tính bất định về cường độ và quỹ đạo của nó lớn hơn nhiều các cơn bão mạnh và rất mạnh như cơn số 9 vừa rồi. Do vậy, người dân cần theo dõi, cập nhật thường xuyên bản tin dự báo để có giải pháp ứng phó tốt nhất.
Người dân miền núi Quảng Nam dọn bùn non sau lũ. Ảnh: MH |
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó
Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, để ứng phó bão số 10, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng 64.517 người và 1.718 phương tiện thực hiện xử lý các tình huống.
Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo Quân khu 4 điều động 4.489 người và 91 phương tiện, 3 chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn ở khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) đồng thời, vận chuyển hơn 7 tấn lương thực, thực phẩm, 250 lít xăng dầu hỗ trợ nhân dân 2 xã Trà Leng (Nam Trà My) và Phước Sơn (huyện Phước Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Lực lượng quân đội đã tham gia dọn vệ sinh 17 trường học, 15 nhà văn hóa, 8 trụ sở UBND xã thị trấn, 3 trạm y tế, 2 bưu điện văn hóa xã, 1 nhà thờ và hơn 300 nhà dân tại các tỉnh, thành phố bị thiệt hại bởi mưa lũ.
Việc tìm kiếm 23 ngư dân mất tích trên biển của 2 tàu BĐ 97469 TS và BĐ 96388 TS vẫn đang được các đơn vị chức năng phối hợp với lực lượng kiểm ngư tiếp tục tìm kiếm (hiện đã tìm kiếm được 6 ngư dân và đưa vào bờ an toàn).
Hiện, các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa đã khắc phục các điểm trường bị thiệt hại và cho học sinh đi học bình thường. Hoạt động cung cấp, sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng tại các khu vực ảnh hưởng đã được khôi phục, không có biến động lớn.
Để sẵn sàng ứng phó với bão số 10, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Đức Quang đề nghị các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, ban hành kịp thời các bản tin cảnh báo, dự báo sát với diễn biến thực tế nhất là đối với các khu vực đang tập trung lực lượng cứu hộ, cứu nạn, những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…
“Các đơn vị chức năng tập trung sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời triển khai công tác ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống”, ông Quang nhấn mạnh.
Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp trong công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ sau bão; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu hộ; giúp dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, sẵn sàng ứng phó với bão và hậu quả sau bão.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến sáng ngày 4/11 còn 310 hộ bị ngập tại Nghệ An; đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 164 xã, hiện còn 26 xã mất điện tại 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Còn 17.252 nhà hư hỏng chưa khôi phục được; trong đó, Quảng Bình 200 nhà, Đà Nẵng 7 nhà, Bình Định 40 nhà, Kon Tum 5 nhà.