Đó là nhận định của ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia về tình hình mùa mưa bão trong những tháng cuối năm 2020.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia |
Tháng 10,11, Trung Bộ “đón bão” liên tiếp
Phóng viên: Tình hình mùa mưa bão những tháng cuối năm nay ra sao, thưa ông?
Ông Trần Quang Năng: Theo những dự báo mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm sẽ còn có khoảng 6 – 8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông. Trong đó, có khoảng 4-6 cơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Với tình hình bão cuối năm như vậy, chúng tôi đánh giá tháng 10, 11 năm nay sẽ đón bão dồn dập. Đây sẽ là 2 tháng cao điểm có bão. Những cơn bão trong các tháng cuối mùa sẽ tập trung vào Trung Bộ.
Nhận định thêm, vì mùa bão đến muộn nên trong những tháng đầu năm mới năm sau có thể có những cơn bão muộn nữa. Tháng 1,2/2021 vẫn có thể còn những cơn bão muộn tác động vào khu vực phía Nam như: Nam Trung Bộ, Nam Bộ.
Phóng viên: Theo ông, các địa phương nên có các biện pháp như thế nào để chủ động phòng tránh ngay từ bây giờ?
Ông Trần Quang Năng: Như chúng tôi đã đưa ra các nhận định từ trước là mùa bão năm nay đến muộn và dồn dập vào cuối năm. Dự báo, trong tháng 10, 11 sẽ là cao điểm đón bão, đặc biệt là các tỉnh Trung Bộ. Do vậy, trong thời gian tới, các địa phương ở Trung Bộ cần chủ động lên kế hoạch ứng phó để phòng ngừa những cơn bão có thể liên tiếp đổ bộ vào khu vực này.
Với việc các cơn bão có thể xuất hiện trong thời gian liên tục như thế, khả năng nguy cơ đa thiên tai rất là cao. Do đó, các nguy cơ gây hại đến của cải vật chất cũng như tính mạng người dân rất lớn. Ngoài các biện pháp chủ động như hàng năm, chúng ta phải lưu ý thông tin bão đổ bộ dồn dập cuối năm để có kế hoạch chủ động tích cực hơn, làm sao giảm nhẹ được thiệt hại.
Đối với các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ cũng cần chủ động đề phòng trước thông tin dự báo có thể có những cơn bão đến muộn vào đầu năm 2021. Tất cả công tác chuẩn bị ứng phó phải được chuẩn bị từ sớm để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Phóng viên: So với các năm trước, tình hình bão cuối năm dự kiến có gì đặc biệt hơn không, thưa ông?
Ông Trần Quang Năng: Năm nay, điều mà chúng tôi nhấn mạnh nhất về diễn biến của bão đó là những cơn bão xảy ra muộn hơn sovới trung bình nhiều năm. Vào những tháng cuối năm, đặc biệt là tháng 10, 11 bão có thể xảy ra dồn dập và tập trung ở các tỉnh khu vực Trung Bộ; sau đó có thể những cơn bão muộn xảy ra ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ.
Trong thời điểm dự báo sắp tới, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đánh giá có khả năng sẽ có những cơn bão mạnh xuất hiện trên biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Người dân cần đặc biệt đề phòng với thông tin lưu ý tình trạng đa thiên tai nếu các cơn bão xảy ra đồng thời, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ.
Phóng viên: Như ông chia sẻ, đầu tháng 10/2020, chúng ta sẽ có một cơn bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra trên biển Đông có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta?
Ông Trần Quang Năng: Theo nhận định mới của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, trong khoảng 6-10/10, có khả năng trên biển Đông xuất hiện một cơn áp thấp nhiệt đới và có thể mạnh lên thành bão. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những thông tin ban đầu và còn có những điều chỉnh. Nếu theo đúng như kịch bản dự báo hiện nay, chỉ trong khoảng 10 ngày tới tiếp tục xuất hiện áp thấp nhiệt đới, chúng ta cần hết sức lưu ý về diễn biến của vùng áp thấp nhiệt đới/bão đang theo dõi này.
Khi có thông tin chính xác, đảm bảo độ tin cậy, chúng tôi sẽ ban hành bản tin chính thức tới các cơ quan phòng chống thiên tai có thể chủ động công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó.
Mưa bão dồn dập trong các tháng cuối năm 2020 |
Đề phòng tần suất dông sét tăng cao trong mùa mưa bão
Phóng viên: Từ đầu năm đến nay, có rất nhiều vụ việc thương tâm xảy ra do sét đánh. Ông có cảnh báo thế nào để người dân có thể nhận biết nguy cơ có sét đánh xảy ra?
Ông Trần Quang Năng: Việt Nam chúng ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, hàng năm thường ghi nhận rất nhiều các trận sét đánh, dông, lốc. Một trong những phân bố rõ nhất là thời điểm chuyển mùa từ mùa lạnh sang mùa nóng; từ mùa khô sang mùa mưa. Đặc biệt là từ thời kỳ mùa hè, mùa mưa, hiện tượng, tần suất sét đánh xảy ra nhiều hơn. Khu vực chịu ảnh hưởng nhất tập trung vào vùng đồng bằng, duyên hải, thiệt hại cũng sẽ nhiều hơn ở khu vực này.
Để có thể nhận biết được thời tiết chuyển mùa không hề khó. Trước khi vào thời kỳ chuyển mùa, chúng ta lưu ý công tác phòng chống dông, sét. Đối với một trường hợp cụ thể, cần lưu ý khi các cơn mưa dông kéo đến, mây đen cuồn cuộn thì có thể nghĩ đến khả năng cao có dông, sét; người dân cố gắng tìm cách tránh trú an toàn nhất.
Phương án đầu tiên vẫn là khi nhận thấy có hiện tượng dông, sét thì tìm nơi trú tránh an toàn. Khi đang lao động sản xuất, hoạt động ngoài trời, người dân cần hết sức lưu ý không được đứng ở những nơi có địa hình cao hơn hẳn so với xung quanh bởi khí đó rất dễ “hút sét”; hoặc hạn chế đứng ở những nơi trống trải như trên cánh đồng; trong rừng thì cũng phải chọn nơi có tán cây thấp để trú tránh…
Phóng viên: Liệu tình hình sét năm nay sẽ có khác biệt gì so với hàng năm, thưa ông?
Ông Trần Quang Năng: Theo quy luật hàng năm, mật độ sét xảy ra phân bố khá đều và có quy luật. Cứ vào mùa mưa bão, tần suất này sẽ cao hơn. Những mùa khác đương nhiên vẫn có hiện tượng sét đánh nhưng mật độ rải rác hơn. Chúng tôi đánh giá, trong các tháng mùa mưa việc chịu tác hại của dông sét còn phụ thuộc vào mức độ phơi lộ, tức là những ảnh hưởng của người dân tham gia lao động sản xuất cũng như sinh hoạt; nhất là ở khu vực cánh đồng.
Trước mùa mưa bão, bên cạnh công tác dự báo, chính quyền địa phương, cơ quan báo chí cần phải thông tin và lưu ý cho người dân về mùa mưa dông sắp tới, sét sẽ nhiều, phải liên tục chú ý có biện pháp phòng tránh, không để thiệt hại xảy ra.