Xã hội

Bảo đảm quyền lợi và bình đẳng cho người dân di cư

Hoài Thu 24/09/2024 - 18:46

(TN&MT) - Ngày 24/9, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Tọa đàm Chuyên đề “Di cư nội địa ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long: Vấn đề hiện nay và hàm ý chính sách”, hướng tới áp dụng thực tiễn chính sách và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân di cư.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, đề tài về Di cư nội địa tại 2 vùng đồng bằng do Viện Phát triển bền vững - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Toạ đàm sẽ thảo luận về kết quả của nghiên cứu này, đồng thời tập trung phân tích về mặt chính sách và sự phối hợp giữa cơ quan quản lý cư trú trong việc quản lý di cư, để có thể đưa vào áp dụng thực tiễn một cách hiệu quả hơn.

anh-chup-man-hinh-2024-09-24-luc-16.34.54.png
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu khai mạc

Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh 2 vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tiến độ công nghiệp hoá, đô thị hoá diễn ra rất nhanh, rộng khắp, nhưng có sự khác biệt về không gian nên tạo ra những vùng với sức “kéo” và “đẩy” di cư khác nhau, dẫn tới những thách thức trong quản trị di cư nội vùng tại hai vùng đồng bằng lớn nhất Việt Nam. Trong đó, ĐBSCL được đánh giá là nơi chịu ảnh hưởng rất lớn từ tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, khiến nhiều người chọn phương án di dời khỏi nơi bị tác động.

Từ đó, có thể thấy, việc di cư là vấn đề đa chiều, đòi hỏi sự tác động của các cấp, các ngành và nhiều bên liên quan khác nhau, trong việc thúc đẩy đô thị hóa, giảm đói nghèo,... Di cư mang đến đóng góp và cả thách thức cho phát triển kinh tế xã hội và công tác quản lý ở các địa phương.

anh-chup-man-hinh-2024-09-24-luc-16.35.18.png
Bà Sabina Stein - Trợ lý Đại diện thường trú, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia, UNDP phát biểu trong Toạ đàm

Bà Sabina Stein - Trợ lý Đại diện thường trú, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia, UNDP hy vọng, kết quả nghiên cứu được đưa ra trong Toạ đàm, sẽ giúp cho việc xây dựng các chính sách thích ứng để ứng phó với bối cảnh di cư đang thay đổi. Đồng thời, các chính sách đảm bảo rằng, lợi ích của phát triển kinh tế được chia sẻ công bằng hơn, thúc đẩy sự bình đẳng, và người di cư nhận được sự công nhận, bảo vệ và hỗ trợ mà họ cần để phát triển.

Bà nhấn mạnh, việc công nhận và thực thi quyền của người di cư không chỉ là vấn đề công lý mà còn là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Do đó, để có thể khai thác tiềm năng người di cư, cả xã hội cần tạo ra các môi trường giúp người dân nhanh chóng hòa nhập và cộng đồng địa phương, cung cấp cơ hội học tập bình đẳng cho trẻ em di cư, giảm bớt những trở ngại trong việc tiếp cận các thủ tục hành chính tại các tỉnh tiếp nhận.

Trình bày kết quả nghiên cứu về việc di cư nội địa tại ĐBSH và ĐBSCL, PGS.TS Lê Quang Cảnh - Viện trưởng Viện Phát triển Bền vững - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, lý do người dân 2 vùng đồng bằng di cư là do tìm kiếm cơ hội việc làm/ thu nhập; trải nghiệm cuộc sống mới; một phần cũng do BĐKH là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới quyết định di cư…

anh-chup-man-hinh-2024-09-24-luc-16.35.54.png
PGS.TS Lê Quang Cảnh - Viện trưởng Viện Phát triển Bền vững - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày tham luận

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, không có chính sách hỗ trợ riêng cho người dân di cư, bởi các chính sách liên quan đều được quy định trong các văn bản và thực hiện ở các địa phương với nhiều nội dung khác nhau, cùng việc, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý cư trú và quản lý lao động chưa chặt chẽ. Điều này có thể lý giải thông qua hiện trạng về việc đăng ký tạm trú và công tác quản lý di cư trở nên quá tải, nhiều người dân chưa hiểu rõ về các quy định đăng ký tạm trú, tạm vắng,..

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người nhập cư còn nhiều hạn chế; đời sống vật chất thiếu thốn; nhiều trường hợp người di cư khó tiếp cận dịch vụ giáo dục công lập, đáng lo ngại là giáo dục phổ cập cho trẻ em…

Vì vậy, để có thể xây dựng và hoàn thiện chính sách cho người dân di cư, đảm bảo phát triển kinh tế - an sinh xã hội, PGS.TS Lê Quang Cảnh đưa ra một số kiến nghị về hàm ý chính sách. Trong đó, ông nhấn mạnh việc công nhận và thực thi quyền của người di cư, nhằm đảm bảo công bằng, bình đẳng; tăng cường hiểu biết về quyền của người di cư trong đội ngũ quản trị địa phương; nâng cao trách nhiệm hướng dẫn của cán bộ, công chức nơi tiếp nhận người di cư.

anh-chup-man-hinh-2024-09-24-luc-16.36.58.png
Toàn cảnh Toạ đàm

Ngoài ra, cần kết nối cơ quan quản lý cư trú và cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc: Lồng ghép di cư vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm quyền lợi của người di cư trong lập kế hoạch, ra quyết định quản trị địa phương; thực hiện hiệu quả Đề án 06 theo hướng bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ hành chính công của người di cư nội địa.

Đồng thời, xây dựng chính sách tăng cơ hội việc làm ở khu vực chính thức cho người di cư bằng cách cung cấp thông tin thị trường lao động tại điểm đến, chuyển đổi lao động di cư từ khu vực phi chính thức sang chính thức; tăng điều kiện tiếp cận nhà ở cho người di cư; khuyến khích di cư theo mạng lưới và có những chế tài hỗ trợ, bảo vệ người nhập cư hoà nhập cộng đồng, nhất là đối với người di cư vùng ĐBSH.

anh-chup-man-hinh-2024-09-24-luc-16.36.22.png
TS. Bùi Thái Quyên - Viện Khoa học Lao động và Xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phát biểu trong phiên thảo luận

Trong phiên thảo luận về kết quả nghiên cứu và cập nhật chính sách có liên quan đến từ các chuyên gia, TS. Bùi Thái Quyên - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Đối ngoại, Viện Khoa học Lao động và Xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, việc đảm bảo về an sinh xã hội cho người dân là một trong những mục tiêu rất lớn của Việt Nam, đặc biệt là dân di cư.

Vì vậy, để mục tiêu này được thực thi hiệu quả, cần tạo cơ hội việc làm cho người dân với mức độ thu nhập trung bình, điều này không chỉ giúp đỡ về việc cải thiện đời sống mà còn giúp cho người di cư có thể hoà nhập cộng đồng tốt hơn; từng bước nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội như nhà ở, y tế, giáo dục,...; đảm bảo người dân di cư được đối xử bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội, bảo hiểm, nghề nghiệp,...

Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ như Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã sửa đổi chính sách cho người lao động không thuộc tình trạng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; Tuyên truyền, phổ biến cho người dân cách tiếp cận các quy định cư trú,.. Tiếp đó, các chính sách cũng cần xây dựng bổ sung các lĩnh vực hỗ trợ về tài chính, đào tạo cho người dân di cư dễ dàng nắm bắt và tiếp cận.

anh-chup-man-hinh-2024-09-24-luc-16.36.39.png
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Trong Toạ đàm đã đón nhận nhiều trao đổi, nhiều ý kiến đóng góp đến từ các chuyên gia, các nhà hoạch định đến từ nhiều đơn vị về việc triển khai xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân di cư, hướng tới phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền lợi và bình đẳng cho người dân di cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO