Bến Tre: Hội thảo, triển lãm ảnh đa dạng sinh học chim hoang dã, di cư
(TN&MT) - Ngày 9/7, Sở TN&MT Bến Tre tổ chức Hội thảo, triển lãm ảnh đa dạng sinh học chim hoang dã, di cư tỉnh Bến Tre - Đồng bằng sông Cửu Long, với sự tham dự của gần 100 đại biểu là đại diện các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện, UBND các xã khu vực ven biển; cùng các cơ quan truyền thông và đơn vị, tổ chức bảo vệ môi trường, thiên nhiên.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre Bùi Minh Tuấn cho biết: Tỉnh Bến Tre là tỉnh nhỏ thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông đổ ra biển Đông. Nơi đây được xem như vùng đất ngập nước rộng lớn với mạng lưới sông, kênh, rạch chằn chịt và các vùng cửa sông, rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển. Khu vực ven biển Bến Tre được đánh giá có đa dạng sinh học cao, đặc biệt đây là khu vực sinh sống của các loài chim hoang dã, tuyến đường di cư của các loài chim nước quý, hiếm trên thế giới.
Theo ông Bùi Minh Tuấn, một vấn đề chưa tốt trong thời gian qua đối với công tác bảo tồn thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học là rất ít thông tin, hình ảnh thực tế để phục vụ công tác truyền thông, quản lý, bảo vệ các loài quý hiếm, nguy cấp. Do đó, Sở TN&MT Bến Tre đã phối hợp Công ty TNHH Dịch vụ, Nghiên cứu và Du lịch Hoang dã, Câu lập bộ nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã Việt Nam để ghi hình thực tế về các loài chim hoang dã, di cư khu vực ven biển Bến Tre vào mùa chim di cư đầu năm 2024.
Qua đó, đã xây dựng “Sổ Tay và quyển Tài liệu Đa dạng sinh học chim tỉnh Bến Tre”. Tài liệu cung cấp thông tin về số lượng, hình ảnh thực về các loài chim, thông tin nhận dạng, khu vực kiếm ăn, mức độ loài nguy cấp, quy hiếm theo quy định pháp luật. Ông Bùi Minh Tuấn cũng hy vọng qua hội thảo, triển lãm và tài liệu đa dạng sinh học, quý đại biểu tham dự sẽ có được những thông tin hữu ích về môi trường tự nhiên của tỉnh, đồng thời góp phần truyền thông đến cộng đồng, các em học sinh biết được sự đa dạng, phong phú, vai trò quan trọng của các vùng bãi bồi, cửa sông ven biển tỉnh Bến Tre.
Trao đổi về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn, ông Nguyễn Thế Nghĩa – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT Bến Tre) cho hay: Tổng diện tích đất có rừng của toàn tỉnh là hơn 4.441 ha. Hệ sinh thái rừng ngập mặn của tỉnh là môi trường tự nhiên thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của nhiều loài động vật hoang dã có giá trị về bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có nhiều loài nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm.
Theo ông Nguyễn Thế Nghĩa , công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, đơn vị chức năng tỉnh đã quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động mua bán, gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh, từng bước đi vào nền nếp ổn định, tuân thủ đúng quy định của Nhà nước, đặc biệt là việc quản lý các cơ sở gây nuôi để vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, nuôi thương mại gắn với bảo tồn nguồn gen động vật hoang dã.
Tuy vậy, hệ sinh thái rừng ngập mặn của Bến Tre cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế những năm gần đây, áp lực về nhu cầu đất sản xuất của người dân sinh sống gần rừng, đặc biệt là việc nuôi trồng thủy sản, trồng hoa màu, đất ở ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng; hoạt động mua, bán, tàng trữ, quảng cáo trái phép các loài động vật hoang dã vẫn còn diễn ra nhiều nơi vơi thủ đoạn tinh vi phức tạp, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn.
Từ đó, để công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã đạt hiệu quả cao hơn, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, ông Nguyễn Thế Nghĩa đề xuất cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tăng cường tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát triển rừng, gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật hoang dã bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp, hiệu quả; đồng thời kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về hưởng lợi kinh tế từ nghề rừng đến với người nhận khoán rừng.
Trong khi đó, tham luận về vấn đề hoạt động bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học của đoàn viên thanh niên, anh Phan Thanh Trẻ - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre chia sẻ : Thời gian qua, tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, tích cực, chủ động, thể hiện qua nhiều sản phẩm, phong trào, chương trình cụ thể trong công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu, các hoạt động được triển khai với quy mô rộng khắp, ngày càng đa dạng về hình thức, phương thức tổ chức, đem lại hiệu quả cao, đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm và sự quyết tâm của đoàn viên, thanh niên tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung trong công tác bảo vệ môi trường.
Theo anh Phan Thanh Trẻ, trong thời gian tới, các vấn đề về môi trường ngày càng phức tạp, đặt ra cho chúng ta không ít những thách thức, do vậy rất cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Trước thực tế đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bến Tre xác định cần tập trung vào ba nội dung. Đó là, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong của đoàn viên, thanh niên trong thực hiện các nhiệm vụ, công trình, phần việc bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Kế đến là đề nghị Sở TN&MT tiếp tục đồng hành với Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh trong thực hiện mô hình “Hướng dẫn phân loại rác tại nguồn” gắn với giảm thiểu rác thải nhựa, phấn đấu triển khai thực hiện hiệu quả mô hình, tạo thói quen sống xanh cho các Tổ nhân dân tự quản thuộc 157 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đồng thời phối hợp tham mưu UBND tỉnh các nội dung chuẩn bị sơ kết thực hiện Đề án “Bến Tre xanh” giai đoạn 2021 – 2026; đây sẽ là tiền đề để đánh giá, rút kinh nghiệm, hoàn thiện các chính sách, cơ chế để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án trong những năm tiếp theo.
Cũng tại Hội thảo, đại diện các Sở, ngành, địa phương và tổ chức bảo vệ môi trường, thiên nhiên tham gia chia sẻ về các vấn đề tài trọng tâm như: Hiện trạng và tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Bến Tre trên nền tảng giá trị dịch vụ hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; Các hoạt động nâng cao ý thức học sinh các cấp trong bảo vệ môi trường thiên nhiên; Các hoạt động nghiên cứu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; Các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học; đề xuất góp ý kiến cho công tác quản lý, truyền thông của địa phương; Công tác quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học Sân Chim Vàm Hồ,…
Kết luận Hội thảo, ông Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cảm ơn và tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp từ các đại biểu giúp cho công tác quản lý đa dạng sinh học, môi trường của tỉnh Bến Tre thời gian tới được tốt hơn. Qua đây, ông Bùi Minh Tuấn cũng đề nghị các Sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp công tác quản lý các loài chim hoang dã, nguy cấp, quý hiếm khu vực rừng ngập mặn, vùng đất bãi bồi. Riêng đối với UBND các huyện, xã ven biển cần hỗ trợ phổ biến thông tin, tài liệu đa dạng sinh học đến nhân dân, đặc biệt là cộng đồng khu vực ven biển; đồng thời tăng cường công tác ngăn chặn, xử lý các hành vi săn bắn, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, nguy cấp quý hiếm trên địa bàn quản lý.
Theo kế hoạch, ảnh triển lãm sau Hội thảo sẽ được trưng bày tại sảnh khu vực Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bến Tre để phục vụ rộng rãi cộng đồng, công chức, viên chức, các em học sinh từ nay đến ngày 31/7/2024.