Thế giới

Xung đột và thiên tai toàn cầu: Đẩy mức độ di dời tăng kỷ lục

Mai Đan 22/06/2024 - 22:17

(TN&MT) - Cố vấn đặc biệt của Liên hợp quốc về Di dời nội bộ Robert Piper vừa cho biết, số người di cư trong nước nhiều gấp đôi so với 10 năm trước - con số lớn nhất từng được ghi nhận

Ông Piper cho biết con số 76 triệu người trên toàn cầu hiện nay đại diện cho những người “mất nhà cửa, sinh kế, cộng đồng và trong một số trường hợp, mất cả danh tính hợp pháp của họ vì chiến tranh, thiên tai như động đất, lũ lụt và các thảm họa khác liên quan đến thời tiết”.

Nguyên dân do chiến tranh, thảm họa và vi phạm nhân quyền

Những người di cư trong nước (IDP), không giống như những người tị nạn, chưa vượt qua biên giới quốc tế. Trong khi một số người trở về nhà tương đối nhanh chóng thì hàng chục triệu người lại bị mắc kẹt trong tình trạng di cư dài hạn từ 5 đến 10 năm hoặc lâu hơn.

Sự di cư kéo dài này thường là kết quả của xung đột và chiến tranh. Trong khi đó, hàng triệu người khác phải di cư do thiên tai như lũ lụt, bão, động đất và cháy rừng tàn phá các quốc gia trên thế giới.

image1170x530cropped-26-.jpg
UNHCR đã xây dựng các lớp học để đảm bảo giáo dục cho trẻ em Yemen phải di dời. Ảnh: UNHCR/Houssam Hariri

Số liệu gần đây nhất do Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) thu thập cho thấy 68,3 triệu người vẫn phải di dời trong nước do xung đột và bạo lực. Ước tính có khoảng 9,1 triệu người phải di dời ở Sudan, đây là số lượng người di cư trong nước lớn nhất từng được báo cáo. Tiếp theo là Syria, với 7,2 triệu người di cư trong nước và Cộng hòa Dân chủ Congo, với 6,7 triệu người.

Đáng chú ý, tại Gaza, nơi bị chiến tranh tàn phá, cứ 10 người thì có hơn 8 người phải di dời, tương đương 1,9 triệu dân. Haiti cũng đã ghi nhận mức độ di dời kỷ lục, với 600.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa tính từ đầu năm đến nay, gấp đôi so với năm ngoái.

Trong khi đó, theo bà Paula Betancur, chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc, xung đột dân sự ở Myanmar đã khiến đại đa số trong số 3 triệu người di cư trong nước không có nơi ở phù hợp và không được tiếp cận với thực phẩm và nước uống.

Trước đó, Báo cáo Xu hướng Toàn cầu năm 2024 của cơ quan tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) vừa công bố cũng cho thấy, số người buộc phải rời bỏ nhà cửa để di dời trên thế giới trong năm nay và năm ngoái đã lên đến mức cao mới trong lịch sử.

Cụ thể, báo cáo cho thấy số người bị buộc phải di dời đã đạt mức kỷ lục 117,3 triệu người vào cuối năm 2023, và đến tháng 5/2024, con số này có thể đã vượt quá mốc 120 triệu người - đánh dấu mức tăng hằng năm trong năm thứ 12 liên tiếp. Đây được cho là kết quả của các cuộc khủng hoảng đang diễn ra, cũng như các xung đột mới nổi và đang ngày càng gia tăng. Từ đó, UNHCR cảnh báo số người buộc phải di dời có thể còn tăng hơn nữa nếu không có những thay đổi chính trị lớn trên phạm vi toàn cầu.

Phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ mới đây, bà Betancur cho rằng việc thiếu trách nhiệm giải trình đối với các hành vi vi phạm nhân quyền cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng di dời, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thấu hiểu và ghi nhận “những câu chuyện cá nhân về sự mất mát, khả năng phục hồi và hy vọng” đằng sau số lượng người di dời kỷ lục.

Cần giải pháp lâu dài

Mặc dù vào năm ngoái, các tổ chức nhân đạo của Liên Hợp Quốc đã giúp đỡ tới 50 triệu người di cư trong nước, nhưng ông Piper kêu gọi còn nhiều việc phải làm để tạo ra các giải pháp bền vững.

Chương trình hành động về di cư trong nước của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhằm mục đích phá vỡ mô hình di cư dài hạn và tạo ra các giải pháp lâu dài, góp phần ngăn chặn tốt hơn các cuộc khủng hoảng di dời mới xuất hiện và đảm bảo những người phải đối mặt với việc di dời nhận được sự bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả. Chương trình này đưa ra 31 cam kết cụ thể và 22 cơ quan khác nhau của Liên hợp quốc đã đăng ký tham gia.

Ông Piper cũng kêu gọi các quốc gia thành viên tạo ra một diễn đàn liên chính phủ để giải quyết vấn đề theo cách xuyên suốt hơn thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các giải pháp của của Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM).

Đã đến lúc các bên tham chiến phải tôn trọng luật pháp quốc tế và luật cơ bản của chiến tranh… Thực tế là nếu không có sự hợp tác tốt hơn và nỗ lực phối hợp để giải quyết xung đột, các vấn đề về nhân quyền và khủng hoảng khí hậu, thì số lượng người di dời sẽ tiếp tục tăng, mang lại những đau khổ mới và dẫn tới việc ứng phó với nhân đạo gây tốn kém”.

Ông Filippo Grandi, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn

Theo Tổng hợp từ UN News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung đột và thiên tai toàn cầu: Đẩy mức độ di dời tăng kỷ lục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO