Bảo đảm khai thác sử dụng bền vững tài nguyên nước: Quy hoạch tài nguyên nước - “Chìa khóa” hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Phương Anh| 28/12/2021 10:11

(TN&MT) - Việc xây dựng quy hoạch tài nguyên nước góp phần tạo ra sự thay đổi và làm nên sức mạnh tổng hợp giải quyết các vấn đề sử dụng hài hòa nguồn nước, cải thiện môi trường nước… Bộ TN&MT đã và đang tập trung nguồn lực triển khai xây dựng Dự thảo Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để có hướng đi sử dụng bền vững tài nguyên nước trong giai đoạn mới.

Quy hoạch quốc gia đầu tiên về tài nguyên nước

Quy hoạch tài nguyên nước là “chìa khóa” để giải quyết những yêu cầu của thực tiễn trong công tác quản lý Nhà nước về nguồn tài nguyên này. Đồng thời, góp phần khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước - Đơn vị chủ trì xây dựng Dự thảo Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho biết, trong những năm qua, mặc dù, công tác quản lý tài nguyên nước đã và đang đạt được những thành quả đáng khích lệ, tuy vậy, công tác này vẫn còn rất nhiều khó khăn, thiếu công cụ quản lý, cụ thể là quy hoạch tài nguyên nước chưa được xây dựng.

Cùng với đó, việc thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước hay các quy hoạch chuyên ngành có liên quan đến tài nguyên nước mới chỉ được đầu tư ở cấp tỉnh/thành phố và ở lĩnh vực ngành, các quy hoạch này chỉ tập trung trong phạm vi của tỉnh hoặc đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của từng ngành mà chưa xem xét, đánh giá toàn diện tiềm năng nguồn nước, nhu cầu sử dụng của các ngành, chia sẻ nguồn nước cho các ngành khác, giữa thượng lưu và hạ lưu, cũng như nhu cầu đảm bảo dòng chảy môi trường và duy trì hệ sinh thái thủy sinh….

Theo ông Châu Trần Vĩnh, Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là Quy hoạch ngành quốc gia lần đầu tiên được thực hiện trong lĩnh vực tài nguyên nước theo quy định tại Luật Quy hoạch. Quá trình lập Quy hoạch đã thực hiện và cụ thể hóa đầy đủ các nội dung trong nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nội dung chính của Quy hoạch đã đảm bảo được các mục tiêu, nội dung và đề xuất giải pháp quản lý, khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra đúng với yêu cầu của một quy hoạch ngành quốc gia, các nội dung chính đạt được của quy hoạch.

Quy hoạch tài nguyên nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Nhiều điểm nhấn trong xây dựng quy hoạch

Quy hoạch đã đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, đồng thời, đã xác định các vấn đề còn tồn tại trong khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, xác định nguyên nhân, phạm vi, mức độ, dự báo các vấn đề và xu thế diễn ra trong kỳ quy hoạch theo phạm vi các lưu vực sông, Quy hoạch cũng xác định các vấn đề có liên quan đến hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các quốc gia trên lưu vực sông liên quốc gia trên các lưu vực sông: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Sê San, SrePok và Cửu Long.

Quy hoạch đã sử dụng phương pháp mô hình Mike Nam, Mike Hydro để tính toán hiện trạng tài nguyên nước mặt của 15 lưu vực sông lớn, liên tỉnh, liên quốc gia và 4 nhóm các lưu vực sông. Đối với tài nguyên nước dưới đất, Quy hoạch đã xử lý, tổng hợp, phân tích, tính toán trữ lượng nước dưới đất theo các lưu vực sông trên cơ sở tài liệu Báo cáo “Biên hội - Thành lập Bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc” do Bộ TN&MT xây dựng năm 2018. Kết quả phân tích, tổng hợp, tính toán tài nguyên nước trong Quy hoạch là kết quả đáng tin cậy, đảm bảo tính trung thực, có độ chính xác cao.

Quy hoạch dự báo, nhận định xu thế diễn biến tài nguyên nước mặt theo lưu vực sông cho các thời kỳ, giai đoạn 2025, 2030, 2050 và có xét đến các yếu tố biến đổi khí hậu, nhận định, dự báo xu thế diễn biến mực nước dưới đất trên các lưu vực sông. Đặc biệt, Quy hoạch đã tính toán, phân tích, nhận định, đánh giá khả năng đáp ứng của nguồn nước cho các nhu cầu nước của tất cả các lĩnh vực và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các lưu vực sông theo các tần suất nước các giai đoạn của quy hoạch. Kết quả này là cơ sở quan trọng để xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch.

Cùng với đó, Quy hoạch đã nghiên cứu, xây dựng quan điểm, mục tiêu về quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Xuyên suốt trong quá trình xây dựng mục tiêu, quan điểm của Quy hoạch luôn tuân thủ và cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong khai thác, sử dụng tài nguyên, đặc biệt là Nghị quyết của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã được thông qua và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Đặc biệt, Quy hoạch đã xác định thứ tự ưu tiên, xác định các vấn đề chính của các lưu vực sông cần phải giải quyết khi thực hiện xây dựng quy hoạch tổng hợp lưu vực sông. Quy hoạch là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương lấy làm căn cứ xây dựng, điều chỉnh chương trình, mục tiêu phát triển, cũng như các quy hoạch có hoạt động liên quan đến khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, khai thác hiệu quả tài nguyên nước, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hội nhập khu vực và quốc tế.

Mục tiêu cụ thể của Quy hoạch là khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, góp phần đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm khai thác sử dụng bền vững tài nguyên nước: Quy hoạch tài nguyên nước - “Chìa khóa” hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO