Tôi được Grégory André, một chàng rể Việt Nam chở từ thành phố Lyon về thăm quê của anh ấy. Đi từ trung tâm thành phố đến quê của anh mất hơn hai tiếng chạy xe ô tô trên đường cao tốc, nơi đây rất gần biên giới với Italia. Dọc đường đi, hai bên cánh rừng xanh ngắt, cứ một đoạn lại có một chiếc “cầu vượt” dành cho các con thú rừng băng qua đường, cắt ngang tuyến cao tốc. Chiếc “cầu vượt” đó, đập vào mắt tôi không phải là những cầu sắt, trụ bê tông như ở Việt Nam. Mà ở đây, gần như là được người Pháp “cắt” cả một khối rừng nguyên sinh ở hai bên đường mà đặt vào đó, một khoảng không gian còn nguyên sơ như chưa hề có sự tác động nào của con người.
|
Grégory André giải thích cho tôi hiểu: Khu rừng này là “ngôi nhà” của các con vật sống lâu đời ở đây, khi chúng ta làm con đường cao tốc này, chúng ta đã xâm phạm vào nhà của nó. Chính vì vậy, người Pháp khi thực hiện các công trình xây dựng cơ bản đều phải tính toán hết sức chi tiết để tránh xâm phạm nhiều nhất tới thiên nhiên. “Khi con đường này chia cắt “ngôi nhà” của muôn thú, thì chúng ta phải làm trả lại cho chúng lối đi về nhà một cách tự nhiên nhất, tránh chúng bỏ đi hoặc bị diệt vong. Khi đó, thiên nhiên, tự nhiên sẽ được phát triển tuần hoàn một cách tự nhiên nhất” - Grégory André chia sẻ.
Grégory André cho biết, ở quê hương anh, mọi người đều được giáo dục rằng, mọi hoạt động của con người dù tích cực hay tiêu cực đều tác động đến thiên nhiên. Anh nói, Việt Nam là một đất nước xinh đẹp, anh yêu đất nước và con người Việt Nam. Hiện nay anh thấy, qua một thời gian phát triển nóng, Việt Nam đã và đang có nhiều chính sách để hạn chế mức thấp nhất việc can thiệp thô bạo và không giới hạn vào thiên nhiên. Anh tin rằng, nếu tất cả con người, không chỉ ở Pháp, ở Việt Nam mà trên toàn bộ thế giới này luôn tôn trọng và để tự nhiên được an toàn theo sự phát triển của nó thì thiên nhiên chắc chắn sẽ được tái sinh trong mọi hoàn cảnh.