Bài dự thi "Cùng giữ màu xanh của biển": Thở đi nào biển ơi ! - Bài 1:  Rác “ra khơi” rác tìm đến đảo

Bài và ảnh: MAI LỮ (Báo Nhân dân)| 18/03/2021 14:57

(TN&MT) - Rác ở Quần đảo Trường Sa do các đảo thải ra không nhiều, hầu hết do các tàu ra khơi và rác “di cư” khắp đại dương bị sóng biển đánh dạt vào đã tạo nên những bãi rác ngay trên bờ cát. Diện tích nhỏ hẹp, thiếu thiết bị và giải pháp công nghệ, bộ đội trên đảo vẫn phải thu gom, xử lý theo phương pháp thủ công là đốt hoặc gom lại các loại rác không cháy được để chờ chuyển vào đất liền.

“Gồng mình” xử lý rác

Ở những đảo nổi như: Trường Sa, Trường Sa Đông, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn… với đặc thù diện tích khá rộng, nhiều công trình... nên hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa được diễn ra hàng ngày. Các phong trào: “Hãy làm sạch biển”, “Ngày nghỉ tình nguyện, vì môi trường xanh - sạch - đẹp”… thường xuyên được triển khai sôi nổi, hiệu quả. Ngày cuối tuần, đoàn viên, thanh niên trên đảo sẽ tổ chức thu gom rác thải dạt từ biển vào, phân loại để xử lý. Rác hữu cơ được bộ đội ủ làm phân bón cho cây, tạo lớp mùn cho đất phục vụ công tác tăng gia. Rác vô cơ là vỏ đồ hộp, chai nhựa, túi ni lông… khó phân hủy được gom lại, ép giảm thể tích, đóng thành kiện, chờ chuyển vào đất liền xử lý.

Thượng tá Phạm Xuân Trung, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết: “Ngoài công tác bảo vệ môi trường hàng ngày, đảo đặc biệt chú trọng tới lượng rác thải trôi nổi trên biển, dạt vào theo sóng. Hoạt động thu gom không chỉ góp phần làm sạch môi trường, hạn chế ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển đang được cả thế giới quan tâm”.

Bộ đội trên đảo Sinh Tồn đốt rác

Nối tiếp kết quả đạt được từ những phong trào “Thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngôi nhà 100 đồng”… Liên chi Đoàn các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa cũng phát động Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” với khẩu hiệu: “Ngay từ hôm nay, tôi sẽ không sử dụng túi ni lông, chai nhựa”; “Ngay từ hôm nay, tôi sẽ không xả rác thải xuống biển”; “Ngay từ hôm nay, tôi sẽ thu gom, xử lý rác thải biển”… Thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ, các buổi sinh hoạt, tọa đàm thanh niên, bộ đội đã tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải, cách phân loại, xử lý, bảo vệ môi trường biển…

Trên đảo Trường Sa, dưới trời nắng nóng hơn 40 độ C, những cán bộ, chiến sĩ và người dân vẫn nhiệt tình thu gom, xử lý rác. Trong các đợt tàu cá của ngư dân vào âu tàu tránh, trú bão hoặc nghỉ trăng, Chỉ huy các đảo thường lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giúp bà con hiểu rõ và sâu hơn tác hại của việc xả thải trực tiếp xuống biển, đồng thời hướng dẫn phân loại rác, đặc biệt với rác thải khó phân hủy, phải làm giảm thể tích, đóng bao, mang vào bờ xử lý.

Các đảo đá chìm: Đá Tây, Đá Đông, Thuyền Chài, Tiên Nữ… diện tích nhỏ hẹp nhưng lượng rác không hề nhỏ. Thiếu tá Lê Văn Thái, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn A cho biết, vì diện tích đảo chìm nhỏ hẹp, phải dành không gian cho nhiều hoạt động khác nên biện pháp xử lý rác sinh hoạt và rác trôi nổi hoặc “trú ẩn” trong các rạn san hô, bãi đá chìm… mất nhiều công hơn trong khâu ép giảm thể tích, đóng gói. Ở các Nhà giàn DK1 còn gặp nhiều vấn đề nan giải hơn. Trung tá Nguyễn Xuân Hà, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/10 cho biết, do điều kiện khí tượng thủy văn vùng biển DK1 tương đối phức tạp, các Nhà giàn DK1 xa cách đất liền, nên việc thu gom xử lý rác thải từ hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo quản vũ khí trang bị, sinh hoạt của cán bộ… gặp nhiều trở ngại.

Bên cạnh hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng các sự kiện bảo vệ môi trường như: “Ngày Môi trường thế giới 5/6”, “Ngày Đại dương thế giới 8/6”, “Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam” (từ ngày 1 - 8/6)..., đơn vị luôn chú trọng giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ qua mỗi hành động nhỏ,  kể cả với các tàu cá gặp nạn được đưa vào Nhà giàn, sau khắc phục sự cố, chăm sóc y tế, động viên vươn khơi bám biển sẽ được bộ đội tuyên truyền, vận động bảo vệ môi trường biển, không xả rác xuống biển, không đánh bắt hải sản bằng các hình thức hủy diệt. Trước đây, lương thực, thực phẩm từ đất liền cho các Nhà giàn DK1 chủ yếu bọc trong ni lông dày, nay được đề xuất bảo quản trong các chất liệu dễ tiêu hủy như lá chuối, làn cói… Với loại thực phẩm bắt buộc phải đựng trong bao bảo quản chuyên dụng, sau khi Nhà giàn dùng xong, bộ đội gói lại gửi về đất liền để tiêu hủy.

Vẫn chỉ là giải pháp “thủ công”

Theo kết quả khảo sát thực tế ở Quần đảo Trường Sa, nhìn chung, phương pháp xử lý rác thải chủ yếu là thu gom, phân loại, xử lý rác hữu cơ, riêng rác vô cơ phải chờ tàu đưa vào bờ. Hầu hết các đảo chưa có thùng đựng rác chuyên dụng với công năng phân loại, xử lý bước đầu và càng thiếu lò đốt rác. Việc thu gom rác, đặc biệt là rác khó phân hủy, độc hại như túi ni lông, vỏ đồ hộp… theo phương thức thủ công chỉ là giải pháp trước mắt và chỉ giải quyết được lượng nhỏ. Chưa kể, rác vô cơ trong thời gian chờ tàu đưa vào bờ có thể tiếp tục gây ô nhiễm, chiếm nhiều diện tích nếu khâu xử lý chưa tối ưu.

Trên Quần đảo Trường Sa, trong khi khẩu phần mỗi người lính gần 1.000 đồ hộp/ năm, trung bình mỗi năm sẽ thải ra hàng triệu vỏ đồ hộp các loại. Tại 15 Nhà giàn DK1, mỗi năm cũng thải ra hàng trăm nghìn vỏ đồ hộp. Loại rác thải cứng này không đốt được, nếu vứt xuống biển, khoảng 500 năm mới phân hủy hết, quá trình phân hủy sẽ giết chết các rạn san hô. Rác thải nhựa cũng có thể đốt, nhưng sẽ gây ô nhiễm không khí và nếu chất tồn dư đổ xuống biển sẽ gây nhiễm độc hệ sinh thái. Tính riêng trong năm 2019, các chuyến tàu của Tiểu đoàn DK1 đã thu gom gần 700 kg rác thải, chủ yếu là rác thải nhựa với túi ni lông, lưới cũ rách vướng vào chân Nhà giàn và vỏ chai các loại để đưa về bờ.

Rác trôi nổi dạt vào đảo Trường Sa

Tưởng rằng cách xa đất liền, các đảo và Nhà giàn sẽ ít chịu tác động của môi trường ô nhiễm, song, giữa không gian mênh mông trời nước, dù ý thức trách nhiệm đặc biệt cao, quân và dân biển đảo vẫn chịu tác động không nhỏ từ sự ô nhiễm của môi trường biển. Các cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 tâm sự, vào mùa biển lặng từ khoảng tháng 2 đến tháng 10 hàng năm, khí hậu khắc nghiệt nhất, nắng nóng như thiêu đốt suốt ngày. Quãng thời gian từ mờ sáng đến tối trời, bộ đội có cảm giác rất rõ mặt biển như quánh lại, nước bốc hơi mặn chát và có mùi tanh nồng của “núi rác” bốc lên từ đáy san hô. Để tránh mùi tanh, bộ đội phải đóng hết cửa che chắn hướng đầu gió. So với môi trường ở đảo nổi, đảo đá chìm, Nhà giàn ở mức ô nhiễm ít hơn. Cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa đang rất cần thêm phương pháp xử lý tại chỗ như thùng đựng rác chuyên dụng, máy xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón, máy ép rác vô cơ… Những giải pháp trên vừa chống ô nhiễm môi trường biển, vừa phục vụ công tác tăng gia, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bộ đội.

Bài 2: Máy ép rác cứu đảo xa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi "Cùng giữ màu xanh của biển": Thở đi nào biển ơi ! - Bài 1:  Rác “ra khơi” rác tìm đến đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO