Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Khẳng định văn hóa, chủ quyền Việt Nam từ góc nhìn môi trường biển - Bài 3: Làm “nguội” những vấn đề nóng từ môi trường biển

Đinh Thành Trung (Số 261 Thụy Khuê - quận Tây Hồ - Hà Nội)| 03/08/2021 10:59

(TN&MT) - Du lịch, đánh bắt, mưu sinh, xả rác… những hoạt động này của con người đã mang nguy cơ đến cho môi trường biển. Và cũng chỉ có con người mới có thể cải tạo, bồi đắp cho môi trường biển bằng chính hành động văn hóa của mình.

Đó là bài toán khó, nhưng không phải không có câu trả lời, nhất là khi chúng ta nhìn ra thế giới. Khoan hãy so sánh điều kiện tự nhiên của chúng ta với các nước có nền kinh tế biển mạnh. Ở đây, cách con người nhìn nhận và đề ra thực hiện thế nào mới là giải pháp đáng bàn.

Nhìn ra thế giới

Những thách thức đến từ biển - khu vực đặc biệt quan trọng đối với những quốc gia có biển ngày càng trở nên gay gắt. Đó không đơn giản là so sánh tiềm năng mà còn là các biện pháp mang tính cách mạng để giữ cho môi trường biển có thể đem lại lợi ích tốt nhất cho con người trong nhiều thế hệ sau.

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Nền văn hóa, lịch sử và phong tục, tập quán của người dân cũng có nhiều nét giống nhau. Tuy nhiên, nếu so sánh quy mô kinh tế biển thì có một khoảng cách chênh lệch không hề nhỏ. Quy mô kinh tế biển của chúng ta ước tính khoảng 10 tỷ USD, trong khi Hàn Quốc là 33 tỷ USD, còn Nhật Bản là 468 tỷ USD. Vấn đề ở chỗ Nhật Bản và Hàn Quốc đã giải quyết rất tốt bài toán bảo vệ nền kinh tế biển song song với nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển.

Họ xây dựng hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh để điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân, nhất là các địa phương ven biển, họ có Luật Quản lý vùng bờ. Một hành động cụ thể của Hàn Quốc có thể kể ra ở đây là Tập đoàn quản lý môi trường biển Hàn Quốc (KOEM) đã xây dựng hệ thống giám sát môi trường, bao gồm hệ thống trạm cố định, hệ thống trạm giám sát tự động và các thiết bị gắn trên tàu biển. Đây chính là cơ sở để có số liệu chính xác giúp cơ quan chức năng đưa ra những giải pháp cụ thể quyết liệt và hiệu quả.

Ra quân thu gom rác thải trên biển

Với các biện pháp như vậy, Hàn Quốc đã cho thấy quyết tâm đi kèm với hành động cụ thể. Không chỉ chứng minh cho quốc tế mà họ đang xây dựng một nền văn hóa và ý thức người dân theo kiểu “luật pháp tạo dựng ý thức”. Chiến lược này là hợp lý bởi quốc gia này được biết đến như một nước chịu nhiều tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng. Nhờ có hệ thống số liệu cụ thể, họ đưa ra các biện pháp như áp dụng hệ thống tính phí khi xả thải, qua đó vừa có thể tính toán hiệu quả, vừa là cơ sở của các chính sách cả về vĩ mô và vi mô.

Còn Nhật Bản, với một nền kinh tế biển lớn trên thế giới, các nhà quản lý của nước này đã đưa ra chiến lược bảo vệ môi trường biển để trở thành “quốc gia đại dương mới”. Họ đã xây dựng và hoàn thiện các chính sách, kiện toàn cơ quan quản lý Nhà nước về biển; ban hành các luật về biển, quy định kế hoạch cơ bản về biển được rà soát 5 năm 1 lần theo thực trạng.

Ngay từ việc xác định hướng đi như vậy đã cho thấy quyết tâm của Nhật Bản trong việc xây dựng một quốc gia lấy biển làm trụ đỡ cho nền kinh tế, để trẻ em được thừa hưởng từ biển. Nhật Bản xác định rất rõ dựa vào khoa học công nghệ để phát huy sức mạnh của biển, song song với bảo vệ môi trường biển bằng nhiều cách khác nhau, trong đó nổi bật là xây dựng một nền văn hóa biển đảo đích thực dựa vào truyền thống lâu đời của mình với mong muốn được tiếp nối cho các thế hệ mai sau. Chính vì vậy, Nhật Bản đã vạch ra một con đường phát triển tri thức khoa học công nghệ phục vụ phát triển biển đảo, mà muốn vậy đòi hỏi giáo dục một thế hệ kế cận giỏi về khoa học công nghệ và tốt về ý thức.

Còn trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta có thể nhìn vào trường hợp của Singapore. Quốc đảo này có một chính sách khá độc đáo để xây dựng, duy trì và phát huy nền kinh tế và văn hóa dựa vào biển. Vốn có diện tích không lớn nên Singapore buộc phải khẳng định quyết tâm của mình bằng một hành động mạnh mẽ và nghiêm khắc của Chính phủ. Họ xây dựng một đội ngũ nhân viên công quyền có trình độ, một hệ thống pháp luật có chế tài xử phạt nghiêm khắc và các nhà làm giáo dục với những chương trình quyết liệt để xây dựng một xã hội coi trọng môi trường biển của mình. Có thể tóm gọn cơ chế của Singapore là cơ chế bảo vệ môi trường thông qua sự tham gia của ba bên mà bên nào cũng đóng vai trò quan trọng, đó là “tư nhân, công cộng, nhân dân”.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông tổ chức tổng vệ sinh trên đảo, thu gom rác thải trên bờ biển

Bảo vệ môi trường biển đi đôi với xây dựng văn hóa biển

Việt Nam là một đất nước phụ thuộc nhiều vào biển. Không chỉ kinh tế biển mà chủ yếu là thủy sản, du lịch hay khai thác tài nguyên từ biển, chúng ta còn có một nền văn hóa gắn với biển.

Biển và đại dương đang bị ô nhiễm nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu là từ đất liền. Nhận thức của người dân có thể xem như một thế mạnh để hình thành nên một nền văn hóa, vậy giải pháp đặt ra ở đây là Việt Nam phải xây dựng cho được một nền văn hóa biển đảo của mình cho xứng tầm với lịch sử phát triển hào hùng của cha ông ta. Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đề ra, tuy nhiên để có một kết quả tiến bộ rõ rệt thì phải dựa vào dân. Dân tộc ta đã mất nhiều năm để giành được độc lập, trong đó dựa vào sức mạnh của nhân dân. Trong thời đại mới, việc giữ vững sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và văn hóa trong bảo vệ biển đảo nói chung, bảo vệ môi trường biển nói riêng là một nhiệm vụ đòi hỏi toàn diện sức dân.

Trước tiên, cần công khai chỉ rõ cho người dân thấy những nghiên cứu về ô nhiễm môi trường biển, lấy chính những kết quả nghiên cứu đó làm tài liệu để xây dựng chương trình giáo dục nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, đánh giá rõ tác động của hoạt động xả thải ra môi trường biển của người dân và doanh nghiệp đã làm biến mất các sinh vật biển ra sao. Từ mức độ tác động đo đạc được, xây dựng chương trình, thành lập kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường biển có sự chung tay của 4 “nhà” để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể; giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động lấn biển, nhận chìm, ngăn chặn tuyệt đối việc xả thải ra môi trường dưới bất cứ hình thức nguy hại nào.

Giải quyết ngay tình trạng khai thác và đánh bắt tận diệt hải sản; Giáo dục cộng đồng tập trung vào từng vấn đề của bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là ngư dân - những người hàng ngày sống trên biển, cũng là những người bảo vệ chủ quyền biển đảo; Nâng cao tay nghề, kiến thức lẫn kỹ năng và nhất là ý thức bảo vệ môi trường biển. Sinh kế của người dân tuy quan trọng nhưng cũng cần phải hiểu rõ sự bền vững của môi trường biển chính là để cho chính con cháu của họ.

Mỗi năm, Việt Nam thải từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa ra đại dương và số rác thải này chiếm khoảng 6% rác thải nhựa trên toàn thế giới, đứng thứ tư thế giới. Đây là con số đáng báo động đối với một quốc gia có quy mô kinh tế không lớn. Cần triệt để cải thiện nhận thức của người dân, nêu cao trách nhiệm của cơ quan chức năng và thực thi pháp luật.

Về vấn đề đồng bộ trong giải pháp, công tác bảo vệ môi trường biển trước nay hạn chế trong khuôn khổ khu vực, chưa có sự liên kết chặt chẽ, chưa thực hiện các chương trình lớn với sự tham gia của toàn xã hội. Cần phải nâng tầm phong trào này với phối kết hợp các Bộ, ngành, địa phương; tương tự vấn đề liên kết vùng. Một cơ chế xử lý hình sự mạnh mẽ là điều cần thiết trong tình hình hiện nay, khi mà công tác quản lý vẫn còn nhiều điều đáng bàn và ý thức chấp hành của doanh nghiệp cũng như người dân còn chưa tốt.

Tập trung tăng cường cải thiện 3 nhóm tư duy: chỉ phát triển kinh tế mà quên đi trách nhiệm bảo vệ môi trường; chỉ làm giàu cho bản thân mà không đóng góp vào môi trường; chỉ coi trọng phát triển ngắn hạn. Mối nguy cơ này tồn tại trong bất cứ thành phần nào, từ mỗi doanh nghiệp cho đến mỗi người dân, từ từng hộ gia đình cho đến toàn xã hội.

Tạo cân bằng giữa nền văn hóa lâu đời và một nền kinh tế đang phát triển ở Việt Nam. Trong quá trình phát triển kinh tế, chúng ta đã đôi khi vô tình làm yếu đi nền văn hóa, qua đó làm suy giảm hình ảnh đất nước, mà một trong những ví dụ cụ thể nhất là tự làm ô nhiễm chính môi trường sống của mình. Nếu không gìn giữ và phát huy, không xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường biển sẽ là hệ lụy cho các thế các mai sau. Đã đến lúc chúng ta phải bổ sung xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường biển vào văn hóa Việt Nam.

Bài dự thi xin gửi về địa chỉ

Email: thukytoasoan.monre@gmail.com

Điện thoại liên hệ: 0243.7738729 (máy lẻ 305)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Khẳng định văn hóa, chủ quyền Việt Nam từ góc nhìn môi trường biển - Bài 3: Làm “nguội” những vấn đề nóng từ môi trường biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO