Trước đây, theo quy định về xây dựng nông thôn mới tất cả các xã đều phải quy hoạch một vị trí để làm bãi rác tập trung. Toàn tỉnh có 19 xã quy hoạch được bãi chôn lấp gồm: Xã Mông Sơn, Vĩnh Kiên, Hán Đà, Cảm Nhân (huyện Yên Bình); Hưng Khánh (huyện Trấn Yên); Đông Cuông, An Bình, Đông An, An Thịnh, Yên Thái, Đại Phác, Xuân Ái (2 bãi- trong đó có bãi của xã Hoàng Thắng cũ), Yên Hợp, Yên Phú, Lâm Giang (huyện Văn Yên); Chấn Thịnh (huyện Văn Chấn); Pú Luông, Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải).
Bãi rác tập trung của xã Đại Phác diện tích 400m2, hàng tháng tiếp nhận khoảng 60 tấn rác thải. |
Sau khi quy hoạch, những bãi rác này chỉ giải quyết được tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường, ra sông suối của người dân… Tuy nhiên, việc xử lý thủ công bằng biện pháp đốt và chôn lấp đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, lâu dần nếu không có biện pháp xử lý sẽ biến những bài rác này trở thành các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Huyện Văn Yên hiện có 12/19 bãi chôn lấp quy mô cấp xã, các bãi rác này hầu hết được quy hoạch xa khu dân cư của xã, tuy nhiên lại nằm ngay sát xã bên cạnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Việc xử lý rác của các xã chủ yếu theo phương pháp đốt. |
Ông Hoàng Trung Kiên – Chủ tịch UBND xã Đại Phác, huyện Văn Yên cho biết: Xã xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011-2015. Trong thời gian đó, xã quy hoạch bãi chôn lấp ngoài cánh đồng với diện tích 400m2, cách xa khu dân cư của xã. Hàng tháng rác của người dân trong thôn sẽ được thu gom 4 lần vào các ngày 14,15,27 và 28, tính trung bình mỗi tháng thu gom khoảng 60 tấn rác.
“Sau khi rác được thu gom sẽ đưa về bãi rác tập trung của xã để dùng dầu đốt và chôn lấp. Tuy bãi rác ở xã khu dân cư của xã nhưng lại giáp với xã Yên Phú nên việc đốt rác, mùi hôi thối đã ảnh hưởng không nhỏ đến xã bên. Chúng tôi cũng biết khi đốt rác sẽ ảnh hưởng đến môi trường và người dân quanh khu vực nhưng cũng không có cách nào khác”, ông Kiên chia sẻ.
Rỉ rác cùng nước mưa chảy ra môi trường rất lớn. |
Cũng giống như xã Đại Phác, xã An Thịnh cũng quy hoạch bãi rác trên đỉnh đồi với diện tích 1ha, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 2 tấn rác của 2.648 hộ dân.
Ông Trần Văn Hai – Phó Chủ tịch UBND xã An Thịnh cho biết: Theo đề án xây dựng nông thôn mới, xã đã quy hoạch bãi rác từ cuối năm 2017 và chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2018, xã có tổ hợp tác thực hiện việc thu gom rác thải trên địa bàn. Sau khi thu gom về bãi sẽ xử lý theo phương pháp đốt và chôn lấp, khi đốt cũng ảnh hưởng một phần nhỏ đến các hộ dân sống xung quanh.
|
Đại diện lãnh đạo huyện Văn Yên cho biết: Đối với công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt luôn được huyện quan tâm. Việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện được thực hiện trên các tuyến đường chính, khu trung tâm xã, thị trấn, khu dân cư sống tập trung, khu chợ…nhằm đảm bảo thu gom tối đa lượng chất thải rắn phát sinh. Chất thải rắn sau khi thu gom sẽ được tập kết và vận chuyển đến bãi rác. Các khu vực còn lại rác thải được thu gom, xử lý tại hố rác gia đình. Tuy nhiên, việc xử lý rác tại nơi tập kết chưa có biện pháp xử lý đảm bảo.
Nếu không có biện pháp xử lý về lâu dài các bãi rác sẽ có nguy cơ trở thành cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. |
Qua đó cho thấy, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn rất nhiều hạn chế gây ô nhiễm không nhỏ đến môi trường và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Tỉnh Yên Bái cần sớm triển khai các giải pháp đồng bộ để tránh phát sinh các điểm nóng về môi trường và đảm bảo môi trường sống cho người dân.