Bắc Tây Nguyên: Tắc đường, ngập lụt trên diện rộng do mưa lũ

17/11/2013 00:00

(TN&MT) - Từ đêm 14 đến sáng 16/11, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có mưa rất to, lượng mưa lên đến gần 300mm, đã gây ra thiệt hại về người, tài sản, hoa màu, ngập...

   
(TN&MT) - Từ đêm 14 đến sáng 16/11/2013, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có mưa rất to, lượng mưa lên đến gần 300mm, đã gây ra thiệt hại về người, tài sản, hoa màu và ngập lụt ở nhiều nơi.
   
  Do nước từ thượng nguồn sông Ba đổ về quá lớn, thủy điện An Khê – Ka Nak (công suất 173MW) phải xả lũ lên đến mức 2.500m3/giây để đảm bảo an toàn hồ chứa. Điều này khiến mực nước trên sông Ba chảy qua địa bàn thị xã An Khê dâng rất cao, gây ngập cầu, tắc quốc lộ 19 trong vòng 6 giờ đồng hồ và ngập lụt nặng trên diện rộng cả vùng Đông Gia Lai trong đêm 15/11.
   
Sông Ba chảy qua thị xã An Khê cuồn cuộn nước, đã gây ngập nặng vùng Đông Nam Gia Lai
   
  Tại trung tâm thị xã An Khê, đoạn khu vực cầu sông Ba, các chiến sĩ công an thị xã An Khê phải túc trực hai đầu cầu để ngăn ngừa người và phương tiện rơi xuống sông sâu. Tại các phường Ngô Mây, An Phước, các xã Xuân An, Tú An… (thị xã An Khê), lực lượng bộ đội thuộc Trung đoàn pháo binh 368 và Sư đoàn bộ binh 2 (Quân khu 5) phải len lỏi vào từng thôn, xóm để cõng người dân đến nơi an toàn, vì nước sông Ba dâng lút mái nhà.
   
  Ông Nguyễn Văn Thức, người dân ở xã Xuân An (thị xã An Khê) vẫn chưa hoàn hồn khi chứng kiến trận lụt lịch sử suýt cuốn cả nhà ông xuống dòng sông Ba: “Tôi ở vùng An Khê đã gần 50 năm. Chưa bao giờ người dân chúng tôi thấy cơn mưa, lũ nào lớn như vậy; vườn tược, heo gà bị nước nhấn chìm. Có lẽ thiên tai này do thuỷ điện An Khê – Ka Nak gây ra, bởi đã nắn dòng chảy trái với quy luật tự nhiên”.
   
  Theo thống kê của ngành nông nghiệp thị xã An Khê, đến chiều 16/11, toàn vùng đã có gần 300 ngôi nhà bị ngập, hơn 3.000ha mía, mì, lúa bị ngập sâu trong nước; cả trăm ao cá bị vỡ toang; tài sản của nhân dân bị hư hỏng nặng. Trận lũ trên sông Ba đoạn chảy qua thị xã An Khê đã trên báo động III là 3,65m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1981 là 1,67m; tỉnh lộ 669 nối huyện Kbang với thị xã An Khê bị ngập lụt chia cắt.
   
Sông Ba chảy qua thị xã An Khê cuồn cuộn nước, đã gây ngập nặng vùng Đông Nam Gia Lai
trong sáng 16-11
    
   
  Huyện Kbang là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ảnh hưởng của mưa lũ trong hai ngày qua ở tỉnh Gia Lai, khi đã có hai người bị lũ cuốn, mới tìm được thi thể một người.

  Còn tại vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai, trong sáng 16/11 cũng đã xảy ra ngập lụt nặng nề. Ông Đinh Xuân Duyên - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó ban Phòng chống lụt bão huyện Krông Pa cho biết, mực nước trên sông Ba đang ở xấp xỉ mức báo động III,  gần 1.000ha đất nông nghiệp bị ngập nặng, lũ chia cắt, cô lập các xã trong huyện. Mực nước trên sông Ba vẫn tiếp tục dâng cao, chính quyền đang theo dõi để khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn tránh thiệt hại về người. Trong buổi sáng 16/11, quốc lộ 25, nối tỉnh Gia Lai với miền duyên hải Nam Trung bộ bị tắc nghẽn do ngập sâu trong nước hơn 1m, trải dài nhiều km.
   
  Ông Phạm Vũ Tuấn – Trưởng phòng Dự báo Khí tượng – Thuỷ văn (Đài Khí tượng -  Thủy văn khu vực Tây Nguyên) cho biết, lượng mưa ở các huyện trong tỉnh Gia Lai đã giảm. Tuy nhiên, hồ thủy điện An Khê – Ka Nak vẫn tiếp tục xả lũ với lưu lượng 1.600m3/giây, nên vùng hạ nguồn sông Ba sẽ vẫn xảy ra ngập lụt trên diện rộng.
   
  Mưa lũ cũng gây nhiều khó khăn cho giao thông đường bộ tại địa bàn Gia Lai.
   
Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) tan hoang sau bão lũ
    
   
  Tại khu vực đèo An Khê, vùng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, trong ngày 16/11, hàng chục điểm sạt lở ngổn ngang, đất đá tràn ra mặt đường quốc lộ 19. Do mưa to liên tục, đất đá từ núi cao rơi vãi xuống đường, từ khoảng 20 giờ đêm 15/11, các phương tiện ùn ứ tại đèo An Khê rất nhiều. Đến sáng 16/11, nhờ lực lượng CSGT Công an tỉnh, Sở GT-VT tỉnh Gia Lai điều phối phương tiện, máy móc san ủi mặt đường, các phương tiện vận tải trên đèo An Khê mới bắt đầu di chuyển được, nhưng cũng phải nhích dần từng chiếc một. Hiện công tác giải tỏa mặt bằng trên đèo An Khê vẫn đang được gấp rút tiến hành, cơ bản các phương tiện đã lưu thông qua khu vực đèo, tuy nhiên có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng khó có thể khắc phục sớm.
   
  Mưa lũ cũng khiến quốc lộ 24 đi qua huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) có một đoạn bị cuốn trôi hoàn toàn, khiến giao thương, đi lại giữa tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi đứt đoạn. Ngày 16/11, Sở GT-VT Kon Tum huy động thêm con người và phương tiện để khắc phục sạt lở.
   
  Cùng với hốt dọn đất đá để thông quốc lộ 24 trong thời gian sớm nhất, đơn vị thi công đang đào sâu vào phần ta luy dương để tạo đường tránh những điểm sạt lở. Tuy nhiên, với khối lượng sạt lở lớn thì việc thông tuyến quốc lộ này phải đến hết tuần mới hoàn thành công việc.
   
  Ngày 16/11, thông tin từ UBND huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) cho biết, mưa lũ diễn biến phức tạp trên địa bàn đã khiến 1 người chết. Đó là bà Y Hiên (30 tuổi), trú làng Đăk Bút, xã Đăk Nên (huyện Kon Plông), bị lũ cuốn trên đường làm rẫy về nhà.
   
                                                                               Bài & ảnh: Thục Vy
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Tây Nguyên: Tắc đường, ngập lụt trên diện rộng do mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO