Hiệu quả từ mô hình sản xuất tôm
Sản xuất lúa - tôm được xác định là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Nắm bắt lợi thế này, thời gian qua TX. Giá Rai đã chỉ đạo phát triển mô hình lúa - tôm, nhằm từng bước làm thay đổi thói quen trong sản xuất độc canh con tôm và tư duy sản xuất của người nông dân, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện sản xuất đa canh trên cùng một đơn vị diện tích.
Bạc Liêu tập trung sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. |
Theo đó, diện tích áp dụng mô hình này ngày càng tăng, đến năm 2019 TX. Giá Rai có hơn 3.000ha lúa - tôm. Thực tiễn cho thấy, khi áp dụng mô hình lúa - tôn thì lúa ít sâu bệnh, ít bón phân, môi trường đồng ruộng được cải tạo tốt, góp phần giảm rủi ro cho vụ tôm. Từ đó, năng suất lúa đạt 5 tấn/ha, tôm khoảng 400kg/ha, tổng thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/ha. Cá biệt, hộ ông Trịnh Văn Điện (xã Tân Thạnh) áp dụng mô hình lúa - tôm rất hiệu quả, nhiều năm liền, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi gần 100 triệu đồng/ha/năm.
Còn ở huyện Phước Long - “thủ phủ” của mô hình sản xuất lúa - tôm, năm 2019 toàn huyện đưa vào sản xuất khoảng 13.000ha. Nhờ mô hình phát triển và mang lại hiệu quả cao, nên năm 2020, toàn huyện đã có hơn 13.800ha sản xuất theo mô hình lúa - tôm, tăng khoảng 800ha.
Mô hình lúa - tôm còn được nông dân sản xuất kết hợp một vụ lúa với tôm càng xanh (con tôm ôm cây lúa) và một vụ chuyên tôm. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/ha/năm.
Đẩy mạnh phát triển "lúa thơm, tôm sạch"
Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hướng tới nhân rộng mô hình “lúa thơm, tôm sạch”, tỉnh đã triển khai sản xuất 3.560ha giống lúa ST 24, ST 25 trên vùng lúa - tôm tại các huyện: Hồng Dân, Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi và TX. Giá Rai… Để mô hình đạt hiệu quả, ngành chức năng đã tổ chức 64 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác với sự tham dự của 2.600 lượt nông dân. Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị có liên quan, các tổ chức hỗ trợ nông dân sản xuất lúa chất lượng theo hướng VietGAP gắn với cánh đồng lớn…
Có thể nói, sản xuất lúa - tôm là mô hình không mới đối với nông dân trong tỉnh. Song, để mô hình ngày càng phát triển, tỉnh khuyến khích nông dân tiếp tục chuyển đổi diện tích nuôi tôm kém hiệu quả sang áp dụng mô hình lúa - tôm. Bởi theo các nhà khoa học, đây là mô hình hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Và tính đến nay, toàn tỉnh đã phát triển hơn 37.000ha sản xuất theo mô hình lúa - tôm.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: “Đối với mô hình lúa - tôm, trước đây bà con chưa quan tâm nhiều đến cây lúa, chủ yếu là con tôm. Lúa chỉ là vụ phụ, nhưng hiện nay có nhiều giống lúa chất lượng cao cho năng suất và giá trị. Vì vậy, phát triển mô hình là chú trọng cả lúa và tôm. Đồng thời, mục tiêu hướng đến là canh tác lúa - tôm theo hướng “lúa thơm, tôm sạch”, lúa - tôm hữu cơ, nhằm nâng cao giá trị con tôm và hạt lúa, tăng thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và khốc liệt, mô hình lúa - tôm được xác định là mô hình thích ứng biến đổi khí hậu, là giải pháp sản xuất thích ứng của nông dân trong giai đoạn hiện nay”.