Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đã dừng sản xuất, Đoàn kiểm tra phát hiện khoảng hơn 5 tấn lòng lợn để đông lạnh trong nhà xưởng lợp tôn cùng trên 10 thùng phi lòng lợn đang ngâm nước, 5 thùng phi lòng lợn ngâm muối, một số bao bột trắng ghi nhãn là muối tinh chế, 3 nồi hơi và một số dụng cụ sơ chế. Cơ sở tái chế lòng lợn được dựng tạm bằng khung thép nhỏ và bắn mái tôn trên nền xi măng nước lênh láng, bẩn thỉu, khu vực làm lòng ruồi muỗi bâu đầy nhìn rất mất vệ sinh. Hệ thống thoát nước không đảm bảo bốc mùi kinh khủng.
Theo mô tả của bà Mai – Giám đốc Công ty Mai Chữ, lòng lợn ngâm nước (chủ sơ sở giải thích là muối từ 3 – 5 ngày?) xong được công nhân vớt lên, ken lòng và cho vào lò nấu chín, mang ra ép thành 2 loại thành phẩm khô và ướt. Theo chủ cơ sở, đây không phải thức ăn cho người mà sản xuất thức ăn cho cá. Tuy nhiên, khi được hỏi nếu là thức ăn cho cá có nhãn mác là gì không? Thì bà Mai trả lời không có nhãn mác, chỉ là làm như vậy bán cho các cơ sở để họ đóng gói. Mặc dù trả lời là sơ chế, thành phẩm không đóng gói, nhãn mác, tên địa chỉ nhưng tại thời điểm kiểm tra, bà Mai chưa cung cấp được tên các đơn vị mua hàng sơ chế này.
Kiểm tra hồ sơ cho thấy, cơ sở tái chế lòng lợn của bà Mai kinh doanh rất nhiều loại thực phẩm khác để sơ chế và chuyển đến các bếp ăn như rau củ quả, cá, thịt, thủy hải sản… Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra không còn dấu vết nào của các loại thực phẩm như đã khai báo mà tất cả chỉ còn lòng lợn chất đống trong kho. Truy về nguồn gốc của số lòng này, bà Mai khai báo mua thu gom của các lò mổ và tiểu thương trong tỉnh cộng với số lòng do cơ sở mình giết mổ. Song theo giấy tờ thu thập được, 1 ngày bà Mai thu gom trên địa bàn được khoảng 300kg lòng lợn, như vậy 1 tháng thu được 1 tấn, 10 ngày qua lò mổ bà Mai không hoạt động nhưng trong kho lại chứa gần 10 tấn lòng lợn? là một sự phi lý mà Đoàn kiểm tra đặt câu hỏi với bà Mai.
Tại thời điểm kiểm tra, bà Mai cũng chưa xuất trình được Giấy xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường cho xưởng tái chế do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chưa có hợp đồng với cơ quan xử lý chất thải phát sinh khi tái chế, sơ chế các sản phẩm từ thực phẩm; lao động chỉ có 1/10 người có tập huấn công tác VSAT thực phẩm và sơ chế thực phẩm; 3/10 người đã hết hạn giấy khám sức khỏe…
Rất nhiều vấn đề về mất an toàn VSTP và môi trường đặt ra cho cơ sở sản xuất, tái chế lòng lợn này khi nghi vấn đề nguồn cung cấp và sản phẩm tiêu thụ đầu ra của doanh nghiệp chưa thực sự rõ ràng. Hỏi về quan điểm của lãnh đạo UBND huyện Việt Yên đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này, ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện sẽ xử lý nghiêm minh, sai đến đâu xử lý đến đó để đảm bảo vấn đề môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân cũng như hạn chế, ngăn chặn nguồn lây lan dịch bệnh trên lợn có thể xảy ra ở những cơ sở chế biến thực phẩm từ nội tạng lợn gây ô nhiễm môi trường. Đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục làm việc trong ngày 22/3.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có thông tin...