Bá Thước là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, với hơn 84% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, các chính sách dân tộc đã được địa phương thực hiện có hiệu quả, giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Một trong những mô hình đã để lại dấu ấn rõ nét trong phát triển kinh tế địa phương song song với công tác bảo vệ môi trường, đó là mô hình trồng rau quả an toàn trong nhà màng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được nhân rộng và triển khai tại nhiều xã trên địa bàn huyện Bá Thước.
Một trong những người tiên phong trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sạch thông qua mô hình nhà màng tại huyện Bá Thước là ông Lê Chí Dũng ở thôn Điền Lý, xã Điền Lư.
Những năm trước đây, gia đình ông Dũng chủ yếu trồng 2 vụ lúa và 1 vụ màu nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2015, thực hiện chủ trương của xã, huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Dũng đã mạnh dạn đề nghị với xã về việc xây dựng mô hình trồng rau an toàn với 200m2 đất sản xuất của gia đình. Để thực hiện mô hình, ông Dũng đã nhập các giống cây như mướp, rau, lạc, mùng tơi, cà pháo về trồng. Chỉ sau 1 năm, diện tích trồng rau an toàn của gia đình ông đã cho thu nhập cao, được nhiều người trong xã, trong huyện tham quan, học tập.
Nhằm mở rộng quy mô sản xuất, ông Lê Chí Dũng tiếp tục đầu tư xây dựng khu nhà lưới, đồng thời mời cán bộ từ Trung tâm khuyến nông huyện Bá Thước về hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn. Năm 2018, ông đã kiến nghị với UBND xã Điền Lư để thành lập Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Điền Lý. Cho đến nay, hợp tác xã đã có hơn 20 thành viên, cùng hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã tham gia hợp tác. Qua hơn 5 năm hoạt động, hợp tác xã rau an toàn Điền Lý đã góp phần tăng thu nhập của bà con nông dân từ 20-70 triệu đồng mỗi năm, đã có hàng chục hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Theo ông Lê Chí Dũng, lý do mô hình trồng rau trong nhà màng được nhiều bà con tin tưởng áp dụng bởi những ưu điểm nổi bật về chi phí, nhân lực, thời gian chăm sóc. Cụ thể, vệc chăm sóc cây trồng trong môi trường khép kín giúp hạn chế tối đa các tác động từ môi trường bên ngoài như nắng hạn, gió bão. Hơn nữa, các loại côn trùng, sâu bệnh không có “cơ hội” tiếp xúc đến cây trồng nên việc sử dụng thuốc BVTV, thuốc trừ sâu là hoàn toàn không cần thiết, tiết kiệm được khá nhiều chi phí, đảm bảo thực phẩm sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể nhà màng được trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ Isreal, nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây theo định sẵn, tiết kiệm đáng kể nguồn nước.
Hiện nay, thôn Điền Lý, xã Điền Lư hiện có 215 hộ dân thì có 190 hộ dân tham gia mô hình sản xuất rau an toàn và rau sạch theo quy trình VietGap. Theo tính toán, nếu thời tiết thuận lợi và giá cả thị trường ổn định, chỉ với 2 sào đất màu và đất vườn trồng các loại rau, củ, quả, hàng năm, mỗi hộ gia đình thu lãi từ 60 đến 70 triệu đồng.
Thực tế cho thấy mô hình sản xuất rau an toàn ở thôn Điền Lý, xã Điền Lư đang là một hướng đi phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương, góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Điền Lư cho biết: Mô hình nhà màng trồng rau an toàn đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế, giúp cho nhân dân địa phương thoát nghèo, đồng thời hạn chế một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu ra môi trường. Hiện xã đã xây dựng chuỗi cung ứng rau an toàn với 15 hộ dân tham gia, chuỗi rau này đã được Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap và chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ngoài ra, xã cũng đã xây dựng được 1 cửa hàng, 1 bếp ăn, 1 chợ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, nhằm tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, huyện Bá Thước đã tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất đến người dân. Từ năm 2015 đến nay đã có hàng nghìn hộ gia đình là người dân tộc thiểu số trên địa bàn được hỗ trợ vay vốn để mua cây giống, phân bón, xây dựng các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân.
Từ kết quả đầu tư thực địa và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các hộ gia đình nghèo, là người dân tộc thiểu số đã xây dựng thành công hàng chục mô hình giảm nghèo, như: mô hình nuôi bò sinh sản tại các xã Điền Quang, Ái Thượng; mô hình trồng rau an toàn tại các xã Điền Lư, Thành Lâm, Lũng Cao; mô hình trồng rừng, kết hợp chăn nuôi tại các xã: Thành Sơn, Cổ Lũng, Thiết Ống. Các mô hình này đã và đang được nhân rộng trong cộng đồng, theo hướng nông dân tự đầu tư, Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, mức thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn huyện Bá Thước đã tăng từ 14,2 triệu đồng/người/năm, lên mức 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23,86%. Huyện cũng phấn đấu, đến năm 2025, sẽ ra khỏi danh sách 62 huyện nghèo của cả nước. Từng là vùng đất khó với tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh, đến nay, huyện Bá Thước đã vươn lên trở thành điểm sáng đầy tiềm năng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa.