Bà Rịa - Vũng Tàu quyết tâm xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt

Phương Lan| 12/12/2019 09:47

(TN&MT) - Mặc dù, thời gian qua, công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được quan tâm thực hiện, song đến nay, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Để đạt kết quả cao hơn, thời gian tới, UBND tỉnh giao các ngành chức năng và địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xử lý triệt để loại chất thải này.

Nhiều khó khăn, bất cập

Tại huyện Côn Đảo, hiện nay, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt của huyện được thu gom về bãi rác khu vực Bãi Nhát với diện tích 3.800m2 chôn lấp đơn giản. Do thời gian sử dụng quá lâu (trên 20 năm) nên bãi rác quá tải, diện tích chứa rác hiện chỉ còn khoảng 300m2. Lượng rác tồn tại bãi rác khoảng 70.000 tấn.

Được chôn lấp đơn giản nên mùi hôi và nước rỉ rác tràn lan gây ô nhiễm nặng khu vực xung quanh. Nước rỉ rác đang xâm nhập và làm ô nhiễm nguồn nước, đất, đe dọa môi trường bãi tắm Bãi Nhát và nguy cơ phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch và sinh hoạt của người dân toàn huyện.

Toàn bộ lượng rác thải rắn sinh hoạt trên khu vực đất liền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang được xử lý tại Công ty TNHH KBec Vina trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên

Từ năm 2014, huyện Côn Đảo đầu tư 1 lò đốt rác công nghệ Nhật Bản ngay tại bãi rác này. Tuy vậy, mỗi ngày, lò đốt này chỉ xử lý được khoảng 5 tấn rác sinh hoạt (tùy thuộc mùa khô hay mùa mưa), lượng rác chưa xử lý hết trong ngày tiếp tục được tập kết tại bãi. Trong khí đó, hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt tại huyện Côn Đảo vẫn tiếp tục phát sinh mỗi ngày khoảng 22 tấn.

Theo kết quả khảo sát “Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên và một số địa điểm xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” của Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây cho thấy, tại thời điểm khảo sát (ngày 3/12) Nhà máy xử lý chất thải của Công ty TNHH KBEC Vina trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên đang tiếp nhận khoảng 900 tấn rác thải sinh hoạt/ngày.

Đồng thời, Công ty còn nhận thêm khoảng 500 tấn rác thải công nghiệp (trong đó, có khoảng 1/2 khối lượng là ở ngoài tỉnh); toàn bộ số lượng rác được Công ty xử lý bằng hình thức chôn lấp, do đó, đã gây mùi hôi nồng nặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Bên cạnh đó, tại các đoạn suối chảy qua Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ như suối Giao Kèo, suối Tre, tại thời điểm khảo sát (ngày 3/12) nước ở đây có màu trắng đục, màu tím đậm và bốc mùi.

Cũng theo Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay, khối lượng rác thải đang tồn đọng tại Bãi Nhát, huyện Côn Đảo quá lớn (khoảng 70.000 tấn) và khối lượng rác thải phát sinh hàng ngày là khoảng 22 tấn/ngày không những gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân trên đảo mà còn làm ảnh hưởng sự phát triển của ngành du lịch của địa phương cũng như của toàn tỉnh.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Mặc dù, công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua, đã được các ngành chức năng quan tâm thực hiện, song đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Cụ thể, việc chôn lấp hợp vệ sinh rác sinh hoạt là công nghệ dễ, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường.

Do đó, nhiều năm qua, tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên luôn được xếp vào nhóm các điểm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, bởi trong quá trình chôn lấp, đã phát sinh nước rỉ thải dẫn đến tình trạng khu vực bãi rác phát sinh nhiều ruồi muỗi và mùi, ảnh hưởng đến môi trường sống khu vực lân cận...

Nhiều giải pháp cụ thể

Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao các Sở, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ di dời nhà máy xử lý chất thải Tân Thành của Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc tại xã Phước Hòa, huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) về Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên để xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công nghệ tái chế phân Compost; quy mô dự án là xử lý rác thải sinh hoạt công suất là 500 tấn/ngày và sẽ đi vào vận hành, sản xuất kinh doanh vào quý I/2020.

Khối lượng rác thải đang tồn đọng tại Bãi Nhát, huyện Côn Đảo quá lớn, đe dọa đến môi trường và ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của địa phương

Đồng thời, triển khai đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Green HC tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ do Công ty TNHH Green HC làm chủ đầu tư; quy mô dự án,  xây dựng 2 lò đốt xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thu hồi năng lượng, công suất khoảng 400 tấn/ngày để giảm lệ thuộc vào Công ty TNHH KBEC Vina trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đi vào vận hành, sản xuất vào năm 2020.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chấp thuận chủ trương cho công ty Quý Tiến đầu tư xây dựng Dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên 100ha; ban hành Quyết định về phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện dự án điều tra, đánh giá, khoanh vùng và có kế hoạch xử lý các khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã đóng cửa trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giao cho các Sở, ngành, địa phương đa dạng hóa tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và người dân có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường nói chung và quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng. Đặc biệt, ý thức của người dân về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để tái sử dụng, tái chế nhằm giảm lượng chất thải rắn phát sinh phải xử lý.

Riêng đối việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Côn Đảo, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao cho Sở TN&MT phối hợp với UBND huyện Côn Đảo và các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh báo cáo xin Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho chủ trương đặc cách để triển khai đốt thí điểm lượng rác đang tồn đọng tại khu vực Bãi Nhát.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ủng hộ phương án đề xuất của Liên danh Công ty CP Đầu tư Kim Trường Phát và Công ty CP H-T Giang San là xây dựng 2 lò đốt (1 lò đốt 30 tấn và 1 lò đốt 70 tấn) với công nghệ xử lý rác tự động hóa, dây chuyền khép kính, không tổn hao năng lượng, không dùng nhiên liệu hóa thạch hỗ trợ, không tro xỉ chôn lấp, đạt tiêu chuẩn môitrường và mang lại hiệu quả kinh kế cao. Mục tiêu giải quyết triệtđể hơn 70.000 tấn rác thải tồn đọng từnhiều năm quavà lượng rác thải mỗi ngày tại huyện Côn Đảo. Thời gian dự kiến xử lý hoàn thành lượng rác thải tồnđọnglà 30 tháng.

Cụ thể, Liên danh Công ty CP Đầu tư Kim Trường Phát và Công ty CP H-T Giang San sẽ lắp đặt hệ thống xử lý rác tại bãi rác khu vực Bãi Nhát để thuận tiện trong việc xử lý triệt để lượng rác đang tồn đọng cũng như lượng rác sinh hoạt phát sinh mỗi ngày. Sau khi chính quyền địa phương có vị trí quy hoạch xong bãi tập kết và xử lý rác mới, Công ty sẽ di dời toàn bộ hệ thống xử lý rác về đúng nơi quy định và hoàn trả mặt bằng sạch, không còn ô nhiễm cho chính quyền địa phương.

Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hằng ngày tại 7 huyện, thị xã, thành phố (khu vực đất liền) trên địa bàn tỉnh là khoảng trên 850 tấn/ngày, hiện đang được thu gom, chôn lấp hợp vệ sinh tại khu chôn lấp của Công ty TNHH KBEC Vina trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. Tuy vậy, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty TNHH KBEC Vina đang quá tải và gây ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giao UBND huyện Côn Đảo chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ NN&PTNT xem xét, kiến nghị Chính phủ cho phép tách khu đất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải khỏi rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Côn Đảo, bảo đảm trong năm 2020 có mặt bằng để giao cho nhà đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt hiện đại, thân thiện với môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa - Vũng Tàu quyết tâm xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO