Nhiều kết quả từ tài nguyên biển
Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, những năm qua, với việc quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương tập trung khai thác, tận dụng những lợi thế về vị trí gần biển và tài nguyên biển phong phú để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic, phát triển mạnh hệ thống cảng tại các khu vực Cái Mép - Thị Vải, Vũng Tàu, Côn Đảo.
Tỉnh đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, với các loại hình du lịch biển đa dạng, phong phú dọc khu vực ven biển như: Vũng Tàu, Long Hải, Bình Châu và Côn Đảo; huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nối liền các cảng nước sâu, kết nối giao thông đường bộ, đường biển với các tỉnh trong vùng trọng điểm phía Nam. Đồng thời, phát triển Côn Đảo trở thành khu kinh tế du lịch và dịch vụ chất lượng cao tầm cỡ quốc gia và quốc tế, điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững |
Theo đó, trong năm 2019, các ngành chức năng thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển cảng biển, logistic và dịch vụ du lịch như: Xúc tiến, kêu gọi đầu tư Trung tâm Dịch vụ hậu cần cảng Cái Mép, các dự án kho bãi chứa container rỗng; triển khai kế hoạch đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối cảng; phối hợp với Bộ GTVT đẩy nhanh triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, thu hút nguồn hàng về cảng Cái Mép - Thị Vải; rà soát các dự án cảng biển và hậu cần cảng để điều chỉnh chức năng phù hợp với nhu cầu thực tế và tổ chức quản lý quỹ đất để kêu gọi đầu tư.
Đối với dịch vụ du lịch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ưu tiên dành nhiều quỹ đất cho hoạt động này. Cụ thể, căn cứ vào hiện trạng quỹ đất và Quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt đến năm 2020, tại TP. Vũng Tàu, quỹ đất của đô thị gắn kết với phát triển thành phố khoảng trên 15.000ha, trong đó, quỹ đất cho các khu du lịch tập trung khu vực ven biển khoảng 1.600ha. Tại huyện Long Điền, dự kiến, nhu cầu sử dụng đất phát triển du lịch khoảng 1.100 ha (Khu Du lịch Quốc gia Long Hải - Phước Hải). Trong đó, nhu cầu đất phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch 500ha và đất tham quan là 200ha, định hướng tổng nhu cầu đất phát triển du lịch là 700ha.
Còn tại huyện Côn Đảo, dự kiến nhu cầu sử dụng đất có liên quan đến phát triển du lịch là 1.000ha (Khu Du lịch Quốc gia Côn Đảo), trong đó, tổng diện tích sử dụng đất cho đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch là 380ha và đất cho tham quan và mục đích khác là 100ha, định hướng tổng nhu cầu phát triển dịch vụ du lịch tại khu du lịch là 480ha. Tại huyện Xuyên Mộc, quỹ đất dành cho phát triển du lịch khu vực trên 5.000ha (Khu Du lịch Quốc gia Hồ Tràm - Bình Châu), trong đó, đất cho phát triển du lịch cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch khoảng 760ha và đất tham quan là 200ha, tổng nhu cầu đất phát triển trực tiếp cho du lịch 860ha.
Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng triển khai nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tiến hành lựa chọn vị trí, xây dựng chợ đêm phục vụ khách du lịch tại các địa phương có đường bờ biển như: TP. Vũng Tàu, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Côn Đảo. Ngoài ra, triển khai lập quy hoạch để kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như khu Safari, khu vực núi Dinh.
Với lợi thế về địa lý, tài nguyên nước, hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút đầu tư dự án Cảng container nước sâu lớn nhất Việt Nam tại TX. Phú Mỹ, do Công ty CP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link (thuộc Tập đoàn Hàng hải Pháp CMA-CGM) làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư của dự án tương đương 520 triệu USD. Về quy mô, toàn bộ Cảng Gemalink sau khi hoàn thành sẽ trải rộng trên diện tích 72ha với tổng chiều dài cầu bến chính 1.150m dành cho tàu có tải trọng lớn nhất thế giới.
Còn đối với dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong năm 2019, doanh thu dịch vụ lưu trú của tỉnh tăng 17,85% so với năm 2018; số lượng khách lưu trú khoảng 3,71 triệu người, tăng 19,68% so với năm 2018. Trong đó, khách nước ngoài khoảng 500.000 lượt, tăng 17,92 %... Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 1.130 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó, có 198 cơ sở lưu trú đạt từ 1 - 5 sao…
Đẩy mạnh tuyên truyền
Bà Rịa - Vũng Tàu luôn quán triệt thu hút đầu tư phải ưu tiên lựa chọn công nghệ hiện đại. Đồng thời, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, đất đai và thân thiện với môi trường. Do đó, công tác nâng cao ý thức về quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững biển và hải đảo luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Tham gia làm sạch bờ biển tại huyện Côn Đảo |
Cụ thể, hàng năm, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền về quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các Sở, ban, ngành, địa phương tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển; nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển, hải đảo.
“Tỉnh luôn xác định phát triển kinh tế biển phải theo hướng bền vững, trên cơ sở tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Ông Nguyễn Thành Long Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành xây dựng, quảng bá thương hiệu biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, tập trung vào các nhóm thương hiệu: các sản vật tự nhiên, sản phẩm thủ công truyền thống gắn với biển, đảo; các khu dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại các vùng biển, hải đảo của tỉnh; các địa điểm và quần thể tham quan ven biển, trên các đảo; cộng đồng dân cư sống ven biển và trên các đảo; công nghiệp khai thác, chế biến, xuất khẩu và dịch vụ hậu cần dầu khí; dịch vụ vận tải biển; nuôi trồng, chế biến thủy sản…
Đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có 47/69 cảng biển hoạt động, tổng công suất thiết kế đạt 137 triệu tấn/năm, trong đó, có 7 dự án container lớn nhất với 6,8 triệu TEUS/năm. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng trong năm 2019 ước đạt khoảng 71,1 triệu tấn, tăng 4,82%, đạt khoảng 52% tổng công suất thiết kế của các cảng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. |
Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giao cho Sở TN&MT hoàn thành việc rà soát, lập dự thảo Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; lập bản đồ xác định nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, tổ chức và phối hợp với các đoàn thể, địa phương triển khai các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về tài nguyên biển và ý thức bảo vệ môi trường biển cho cộng đồng dân cư, khách du lịch; tổ chức các đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải tại các bãi biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.