Biến đổi khí hậu

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Nguyễn Quỳnh 28/05/2024 - 10:54

(TN&MT) - Là địa phương chịu nhiều tác động trước biến đổi khí hậu (BĐKH), Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp để ứng phó, hướng tới mục tiêu Net - Zero vào năm 2050.

Tác động của BĐKH gia tăng

Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong các tỉnh duyên hải ven biển chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH; dễ bị tổn thương cao trước các hiện tượng thời tiết, khí tượng cực đoan. BĐKH đã và đang tác động mạnh đến nhiều khu vực và các ngành, lĩnh vực của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực tài nguyên nước, nông nghiệp, công nghiệp - năng lượng, xây dựng - đô thị, du lịch và đời sống người dân.

7a.jpg
Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu Net - Zero vào năm 2050

Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện những đợt mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt cục bộ. Đặc biệt, tình trạng BĐKH còn laâm gia tùng tình trạng sạt lở bờ biển, bồi lấp luồng lạch các cửa sông, ven biển ở một số địa phương trong tỉnh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân. Theo thống kê, chỉ trong vòng 15 năm trở lại đây, tốc độ sạt lở trung bình 2m/năm đã lên đến 30m/năm, thậm chí có những khu vực biển đã lấn hơn 80m.

Cụ thể, một số khu vực xảy ra tình trạng sạt lở và bồi lấp đáng báo động như: khu vực Cửa Lấp (TP.Vũng Tàu), xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền), khu vực cửa Lộc An (huyện Đất Đỏ), khu vực Hồ Tràm, Hồ Cốc và Bình Châu (huyện Xuyên Mộc)...

Trong khi đó, các nhà khoa học cảnh báo, dựa trên kịch bản BĐKH, nước biển dâng do Bộ TN&MT công bố, đến 2050 nước biển sẽ dâng cao thêm 33cm thì tình trạng xói lở bờ biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ diễn ra với mức độ nghiêm trọng hơn. Nguy cơ nhiều cơ sở hạ tầng du lịch, làng nghề nuôi trồng và chế biến thủy sản và các công trình nhà ở của người dân tại các dải đất thấp ven bờ phía Đông của tỉnh sẽ bị đe dọa.

Bên cạnh tác động của thiên nhiên thì tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang có ngành sản xuất công nghiệp phát triển với hàng chục khu công nghiệp và hàng ngàn doanh nghiệp với nguy cơ phát thải carbon lớn. Vì hiện nay trong quá trình sản xuất, nhiều doanh nghiệp vẫn đang sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tạo ra lượng khí thải như CO2, NOx... góp phần gia tăng hiệu ứng nhà kính.

Chủ động đưa ra nhiều giải pháp ứng phó

Để ứng phó, thích ứng với những tác động, ảnh hưởng của tình trạng BĐKH, từ nhiều năm nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề ra và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, có sự tham gia của các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh.

Ông Đặng Sơn Hải - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2035. Theo đó, căn cứ tình hình thực tế đơn vị, địa phương lồng ghép các yếu tố BĐKH vào kế hoạch, chương trình phát triển ngành, của đơn vị; chủ động thực hiện các giải pháp, hành động phù hợp.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Sở TN&MT tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; xây dựng các phương án phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai, nhằm giảm nhẹ thiệt hại. Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển nhằm bảo vệ, duy trì giá trị của hệ sinh thái và cảnh quan vùng bờ, giảm thiểu tình trạng sạt lở bờ biển (bao gồm 40 khu vực, tổng chiều dài bờ biển 48,6km).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đẩy nhanh thực hiện nâng cấp, xây mới các đoạn đê biển, đê sông xung yếu; triển khai trồng rừng chắn sóng, chắn cát, rừng phòng hộ ven biển để phát huy vai trò "lá chắn tự nhiên", bảo đảm chống chịu được với thiên tai theo kịch bản BĐKH, nước biển dâng và xâm nhập mặn. Đồng thời, tập trung phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại, hạn chế sự phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, tiết kiệm tài nguyên đất, nước...

Trong khi đó, Sở Xây dựng đang chủ trì, phối hợp triển khai danh mục 19 dự án, nhiệm vụ trong Đề án "Phát triển đô thị ứng phó với BĐKH giai đoạn 2022 - 2030" trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Các nhiệm vụ nổi bật có thể kể đến như; phát triển nhà ở vượt lũ, nhà có khả năng chống chịu cao với gió bão; Khuyến khích xây dựng các công trình sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường; phát triển hạ tầng theo hướng xanh và thông minh; giảm phát thải khí nhà kính...

Đối với ngành du lịch, theo ông Đỗ Phước Trung - Phó Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương này đang chuyển dịch phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững; bảo tồn, phát huy giá trị của tài nguyên thiên nhiên, không xâm hại đến cảnh quan, hệ sinh thái...

Mới đây, tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (Net - Zero) theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu COP26. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học và giá trị gia tăng cao...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO