Thông tin cần biết

Áp thuế TTĐB: Cần xem xét lộ trình thích hợp để tránh tạo gánh nặng kép cho doanh nghiệp

Quyết Thắng 08/08/2024 18:43

(TN&MT) – Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành đồ uống cho rằng, việc tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mặt hàng rượu bia, nước giải khát có đường cần theo lộ trình phù hợp tránh tạo gánh nặng kép cho doanh nghiệp.

toan-canh-hoi-thao.jpg
Toàn cảnh Hội thảo.

Sáng 8/8 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, các đạo luật thuế có vai trò quan trọng với các ngành hàng, trong đó ngành đồ uống chịu tác động một cách trực tiếp, rất lớn từ dự thảo lần này.

Theo ông Tuấn, sắc thuế đưa ra cần có lộ trình phù hợp, đảm bảo ổn định của hoạt động kinh doanh. Chính sách cần dựa trên lập luận, có căn cứ khoa học, với cái nhìn tổng quan. Mục tiêu áp thuế là tăng thu ngân sách, nhưng liệu tiêu dùng có giảm không, sức khỏe của người dân và việc làm, cạnh tranh ngành hàng thế nào?

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) bày tỏ quan ngại với đề xuất trong Dự thảo Luật TTĐB (sửa đổi) sẽ có tác động lớn trực tiếp tới các doanh nghiệp ngành hàng sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát mà còn tác động tới chuỗi ngành hàng liên quan, tới lao động, an sinh xã hội...

chu-tich-vba.jpg
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA).

Theo đại diện VBA, cần xem xét, đánh giá cẩn trọng và có lộ trình, xem xét lùi thời điểm áp dụng, giãn tiến độ và giảm mức tăng thuế suất đối với ngành rượu, bia, trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động trong điều kiện thực tế ở Việt Nam. Đối với mặt hàng nước giải khát có đường hiện nay còn rất nhiều tranh luận về các bằng chứng khoa học liên quan tới đối tượng áp dụng, nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì, bệnh không lây nhiễm… Do đó, nên xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn này. Cần đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học với đề xuất mặt hàng mới này.

Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, lợi nhuận bình quân toàn ngành Đồ uống liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10-12% so với năm trước). Với tác động của luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi có thể tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung - dài hạn, sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ.

Do đó, TS Cấn Văn Lực đề xuất, cần đánh giá tác động một cách thấu đáo và toàn diện, để từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế của Việt Nam, hài hoà lợi ích, trách nhiệm và tính khả thi đối với Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng; có đánh giá tác động đầy đủ, có cơ sở khoa học và thực tiễn. Đồng thời, cần tính toán mức thuế, thời điểm và lộ trình tăng thuế phù hợp, khả thi.

pepsi.jpg
Ông Đỗ Thái Vương, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) trả lời báo chí bên lề hành lang Hội thảo.

Chia sẻ với báo chí, ông Đỗ Thái Vương, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, đề nghị chưa bổ sung nước giải khát vào nhóm đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt, cần xem xét lộ trình thích hợp để tránh tạo gánh nặng kép cho doanh nghiệp vì hiện nay các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đồ uống nói riêng vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Về việc tăng thuế với nước giải khát có đường, ông Vương cho rằng việc tăng thuế này còn thiếu căn cứ và chưa đảm bảo tính toàn diện, chưa có đánh giá tác động cụ thể đến kinh tế – xã hội hay mức độ ảnh hưởng đến người dân. Nếu thuế TTĐB tăng sẽ dẫn tới việc người dân tìm đến những nguồn cung khác, những sản phẩm đồ uống giá rẻ không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng chất lượng, kéo theo đó là sức khỏe bị ảnh hưởng, doanh nghiệp đồ uống thì sụt giảm doanh thu còn Nhà nước thì thất thu thuế.

linh-carlsberg.jpg
Bà Nguyễn Thanh Thùy Linh, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Thanh Thùy Linh, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam đưa ra 3 đề xuất khi áp dụng tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt. Thứ nhất là cần có lộ trình 2 – 3 năm từ khi công bố Luật chính thức đến lúc áp dụng để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, thay đổi kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như thị trường có thời gian thay đổi hành vi. Thứ hai là giãn thời gian tăng thuế trong mỗi lần tăng để doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh phù hợp và thích nghi. Thứ ba là mỗi lần tăng thuế, cần có đánh giá tổng thể lại về hiệu quả, tác động của việc tăng thuế đến hành vi của người tiêu dùng cũng như mức độ ảnh hưởng đến thị trường và các doanh nghiệp trong ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp thuế TTĐB: Cần xem xét lộ trình thích hợp để tránh tạo gánh nặng kép cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO