VBA đ ề xuất không tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia lên 100%
(TN&MT) – Mới đây, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị lùi thời hạn và giảm mức thuế, tối đa chỉ 80% vào năm 2031, thay vì 100% như dự kiến của Bộ Tài chính.
Cụ thể, về thuế suất, với rượu trên 20 độ, VBA đề nghị tăng từ 75% vào 2027, theo lộ trình lên 80% vào 2031. Với rượu dưới 20 độ, mức thuế sẽ từ 40% lên tối đa 50%; bia các loại từ 70% lên cao nhất 80%.
Hiện tại, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35 - 65%, tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Theo VBA, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia lên mức tuyệt đối sẽ khiến doanh nghiệp trong ngành gặp "khó khăn chưa từng có trong lịch sử".
Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) với đồ uống có cồn (bia, rượu) và nước ngọt đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình với rượu trên 20 độ lên 100% vào năm 2030. Tương tự, với rượu dưới 20 độ sẽ chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt 50% từ năm 2020 sau đó tăng lên cao nhất 70%. Bia các loại cũng tăng dần từ 80% lên 100%.
Bộ Tài chính cho rằng việc tăng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn (bia, rượu) sẽ làm tăng giá bán, góp phần hạn chế việc sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này, từ đó hạn chế tác hại của việc uống rượu, bia nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.
Theo VBA, hàng năm ngành đồ uống đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước khoảng gần 60.000 tỷ đồng/năm, tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, từ năm 2020 tới nay, ngành đồ uống đã liên tục phải chịu rất nhiều tác động lớn từ dịch bệnh, xung đột chính trị thế giới, các chính sách hạn chế đồ uống có cồn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao từ 15%-30%... Điều này dẫn tới sự sụt giảm báo động và ghi nhận sự tụt dốc về nhiều chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành
Theo VBA, chỉ số tồn kho toàn ngành đồ uống năm 2023 ước tính tăng 120% so với năm 2022. Quý II/2024 cũng ghi nhận chỉ số tồn kho ngành đồ uống tăng gần 128,9%.
Đại diện một số doanh nghiệp trong ngành đồ uống cũng bày tỏ lo lắng trước dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Bà Nguyễn Thanh Thùy Linh, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam chia sẻ, sau Covid-19, Chính phủ các nước đều thực hiện nhiều chính sách kích cầu như miễn giảm thuế, lãi suất ưu đãi,… Tuy nhiên hầu hết doanh nghiệp ngành đồ uống nằm ngoài những chính sách đó. Không những vậy, các doanh nghiệp đồ uống còn chịu tác động của các cơn gió ngược từ bên trong bên cạnh những tác động từ bên ngoài như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, phí tái chế.
Ông Nguyễn Duy Hưng, đại diện Công ty TNHH TM-DV Tân Hiệp Phát đề xuất xem xét lùi lộ trình sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất từ năm 2025 trở đi, để tạo các điều kiện giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành đồ uống nói riêng phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại.
Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam kiến nghị thời điểm hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) từ năm 2027. Đối với sản phẩm rượu, bia xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”, ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế trong trong thời gian tới.
VBA cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét bỏ điểm l khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật, theo đó không bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.