Môi trường

930.000 trẻ em Việt Nam phải chuyển khỏi nơi ở do thiên tai

Khánh Ly 06/10/2023 - 16:20

(TN&MT) - Ngày 6/10, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã công bố báo cáo mới nhất về tình trạng trẻ em phải chuyển chỗ ở trong bối cảnh khí hậu thay đổi. Theo báo cáo, trong giai đoạn 2016 - 2021, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có số lượng trẻ em phải di dời nhiều nhất, khoảng 930.000 em do tác động từ các loại hình thiên tai bão, lũ lụt, hạn hán.

Báo cáo ghi nhận số liệu tại 44 quốc gia và cho thấy, trong vòng 6 năm, 43,1 triệu trẻ em phải chuyển chỗ ở, tương đương với khoảng 20.000 trẻ em phải chuyển chỗ ở mỗi ngày do các thảm họa liên quan đến thời tiết. Trong đó, 95% trẻ em trong số này (khoảng 40,9 triệu em) di dời do tác động từ bão và lũ lụt. Xếp sau là hạn hán và cháy rừng lần lượt là tác nhân khiến hơn 1,3 triệu và 810.000 trẻ em phải di dời đến các địa điểm khác trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Theo UNICEF, con số này được xác định một phần là do nhiều nước đã có bước tiến trong công tác thu thập dữ liệu và báo cáo, đồng thời, triển khai sớm hoạt động sơ tán ngay khi có thông tin dự báo, cảnh báo.

Bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF nhấn mạnh, việc di dời, sơ tán giúp cứu sống sinh mạng các em nhưng cũng gây ra nhiều xáo trộn trong cuộc sống. Đối với bất kỳ trẻ em nào, việc phải chứng kiến một trận cháy rừng, một cơn bão hoặc một trận lũ dữ dội ập tới cộng đồng nơi các em sinh sống đều gây ra nỗi sợ hãi, lo lắng về việc liệu các em có thể trở về nhà, tiếp tục đi học hay buộc phải dời đi một lần nữa.

2-5-trieu-tre-em-chiu-anh-huong-boi-thien-tai-bao-lu.jpg
Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có số lượng trẻ em phải chuyển chỗ ở do thiên tai nhiều nhất

Theo phân tích, ước tính có khoảng 19 triệu trẻ em tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương phải chuyển chỗ ở do các thảm họa liên quan đến thời tiết, chiếm hơn 44% tổng số trẻ em phải chuyển khỏi nơi ở trên toàn cầu. Các nguyên nhân hàng đầu vẫn là bão và lũ lụt.

Việt Nam cùng với các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, Philippines và Indonesia nằm trong nhóm 10 quốc gia ghi nhận số lượng trẻ em phải chuyển khỏi chỗ ở nhiều nhất. Nguyên nhân do sự gia tăng tình trạng thời tiết khắc nghiệt, dân số trẻ em đông cùng với những tiến bộ về năng lực đưa ra cảnh báo sớm và thực hiện sơ tán. Tuy nhiên, so với quy mô dân số trẻ em, trẻ em sống ở các quốc đảo nhỏ như Vanuatu, Fiji, Palau và Quần đảo Bắc Mariana là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất do bão.

Bà Rana Flowers, Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: Bằng chứng từ các thảm họa xảy ra ở Việt Nam đã khẳng định, trẻ em chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, không chỉ về mặt sức khỏe mà còn về mọi mặt phát triển của trẻ. Điều quan trọng là song song với quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh, Việt Nam phải tăng cường xây dựng các cộng đồng có khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu trên khắp cả nước.

Báo cáo phân tích, việc di chuyển khỏi nơi ở dù chỉ trong thời gian ngắn hay kéo dài, đều có thể gia tăng mức độ nghiêm trọng của các nguy cơ liên quan đến khí hậu đối với trẻ em và gia đình các em. Sau khi thảm họa xảy ra, trẻ em có thể bị tách khỏi cha mẹ hoặc người chăm sóc, gia tăng nguy cơ trẻ bị bóc lột, buôn bán và xâm hại. Đồng thời, việc này cũng có thể làm gián đoạn hoạt động học tập, chăm sóc sức khỏe cũng như tiếp cận nước sạch và vệ sinh của trẻ, dẫn tới tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh và không được tiêm chủng đầy đủ.

Dự báo trong 30 năm tới, lũ lụt ven sông có thể khiến gần 96 triệu trẻ em trên toàn cầu phải chuyển khỏi chỗ ở. UNICEF khuyến nghị, Chính phủ các quốc gia cần hỗ trợ và hướng dẫn các cộng đồng địa phương về những giải pháp nâng cao khả năng phòng chống thiên tai, xây dựng năng lực chống chịu và phục hồi ngay tại cộng đồng, với các kế hoạch ứng phó nhanh chóng khi thảm họa xảy ra.

“Giảm thiểu rủi ro thiên tai là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính phủ và khi được thực hiện tốt, đây sẽ là một phần không thể thiếu trong các chiến lược dài hạn nhằm xây dựng các cộng đồng có khả năng chống chịu với khí hậu” - bà Catherine Russell nhấn mạnh.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP28 diễn ra tại Dubai vào tháng 11/2023, UNICEF kêu gọi các chính phủ, nhà tài trợ, đối tác phát triển và các doanh nghiệp thực hiện các hành động sau:

BẢO VỆ trẻ em và thanh thiếu niên trước tác động của thảm họa và tình trạng phải chuyển khỏi nơi ở do biến đổi khí hậu. Cụ thể, đảm bảo các dịch vụ quan trọng, thiết yếu đối với trẻ em, bao gồm giáo dục, y tế, dinh dưỡng, bảo trợ xã hội và giúp trẻ em có khả năng ứng phó trước các cú sốc do thiên tai, bao gồm đối với trẻ em đã phải di chuyển khỏi nơi ở của mình.

TRANG BỊ cho trẻ em và thanh thiếu niên năng lực thích ứng và khả năng chống chịu cao hơn, đồng thời, tạo điều kiện để trẻ em và thanh thiếu niên cùng tìm kiếm các giải pháp toàn diện dành cho tất cả mọi người.

ƯU TIÊN cho trẻ em và thanh thiếu niên - bao gồm các trẻ em đã phải di dời khỏi nơi ở của mình – về mặt chính sách và đầu tư phát triển, nhân đạo, tài chính, hành động ứng phó với thảm họa và khí hậu để chuẩn bị ứng phó trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
930.000 trẻ em Việt Nam phải chuyển khỏi nơi ở do thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO