Vinh dự được gặp Bác
Trong dịp Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La, có một cô bé người dân tộc Thái đã vinh dự tặng hoa và đứng cạnh Bác Hồ trên Lễ đài. Đó là bà Bế Thanh Súy, cựu học sinh Trường vùng cao Khu tự trị Thái – Mèo.
“Khi ấy, tôi 13 tuổi đang học lớp 4 tại trường vùng cao Thuận Châu. Hôm đó, tôi đến lớp như mọi ngày, nhưng được cô giáo cho nghỉ học để cùng với mấy bạn đi tặng hoa cán bộ. Khi chọn được những bông hoa tươi đẹp nhất, cô giáo gói trong những tờ báo đơn sơ, rồi đưa cho mỗi bạn một bó, riêng tôi được đưa bó hoa đẹp nhất. Theo cô giáo, chúng tôi kéo nhau ra sân vận động Thuận Châu. Hôm ấy, cả sân vận động rực rỡ cờ hoa, ở ngoài khán đài có rất đông người, nhưng tuyệt nhiên chẳng ai biết có chuyện gì. Tầm nửa buổi, tất cả ào lên vì có một đoàn người bước lên khán đài, cả sân vận động như bừng tỉnh và reo lên: Bác Hồ! Bác Hồ muôn năm! Tôi còn nhớ nhiều người đã khóc vì không kìm nén được sự vui sướng khi gặp Bác Hồ” – bà Bế Thanh Súy bồi hồi nhớ lại.
Vinh dự được tặng hoa cho Bác Hồ, lúc ấy, bà vô cùng xúc động đến chẳng biết làm gì, cô giáo bảo sao thì làm vậy. “Khi nhận bó hoa, Bác cúi xuống cầm tay tôi trong tiếng hò reo của cả sân vận động. Bác dừng lại hồi lâu rồi hỏi: Cháu dân tộc gì? Thưa Bác, cháu dân tộc Thái ạ. Cháu thích múa, hát không? Thưa Bác có ạ. Rồi rất nhanh, Bác nói với tất cả các bạn nhỏ: Tây Bắc giải phóng rồi, các cháu, các bạn cháu sẽ được học hành, được múa hát. Mọi người lại ồn lên. Tiếng hô: Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm! vang khắp sân vận động” – bà Súy nói.
Lời khích lệ của Bác Hồ đã khiến bà Súy có quyết tâm đi theo con đường múa, hát. Cuối năm đó, bà được tuyển chọn vào Trường Múa Việt Nam, khóa đầu tiên của trường. Dù học múa rất vất vả nhưng bà luôn nỗ lực để là một trong những học sinh khá của trường. Suốt những năm tháng học tập, bà luôn khắc ghi những kỷ niệm về Bác. Khi luyện tập những động tác, điệu múa khó, chịu đựng những đau đớn, mệt mỏi mà người diễn viên múa phải luyện, mỗi lần như vậy, bà luôn tâm niệm có Bác ở bên.
Đến năm 1962, bà Súy vinh dự tiếp tục được 02 lần gặp Bác. Và càng xúc động hơn, khi Bác Hồ dù bận trặm công nghìn việc, nhưng vẫn còn nhớ cô học trò nhỏ tặng hoa cách đây 03 năm.
“60 năm trôi qua, nhưng lần đầu gặp Bác, với tôi hình ảnh đó vẫn thật rõ nét và thật may mắn giờ mỗi lần có dịp về Sơn La, tôi lại được nhìn thấy bức ảnh thật to Bác đang dơ tay chào và đứng cạnh Bác là cô bé mặc áo dân tộc Thái, thì bao nhiêu cảm xúc lúc tôi được gặp Bác lại ùa về và những kỷ niệm ấy, giờ thành tài sản vô giá với tôi. Mỗi khi nghĩ về Bác, nhìn lại tấm ảnh đó, nhớ những lời Bác dạy như tiếp thêm cho tôi nghị lực để vươn lên trong cuộc sống” – bà Bế Thanh Súy xúc động.
Những hồi ức không phai
Cũng vinh dự được đứng trên Lễ đài ngày 7/5, trong kỷ niệm của ông Đinh Văn Hiêng, cựu học sinh Trường Trần Đăng Ninh Khu tự trị Thái – Mèo thì: Khoảng 8 giờ ngày 7/5/1959, chúng tôi đoàn học sinh Trường Trần Đăng Ninh đứng hàng ngang chờ đợi, có anh phụ trách đi đến đưa mỗi người một bó hoa lay ơn. Chúng tôi ôm bó hoa nâng niu trước ngực. Đến khoảng 9 giờ, chúng tôi thấy đoàn đại biểu từ nhà khách ra sân vận động. Đi đầu đoàn đại biểu là một người mặc quần áo trắng dáng đi nhanh nhẹn. Đoàn đại biểu đến gần trước mặt hàng ngang chúng tôi đứng. Lúc này, tôi mới biết đó là Bác Hồ kính yêu.
“Xong cuộc diễu hành, các đại biểu đi xem triển lãm 5 năm xây dựng – phát triển kinh tế của Khu tự trị Thái – Mèo. Tôi đứng bên trái Bác, cách Bác độ hơn mét – Bác đi đến chỗ tôi đứng. Tôi bàng hoàng, xúc động quá, khi được Bác Hồ dặn dò. Tôi nguyện quyết tâm làm theo, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giữ gìn phẩm chất đạo đức của người Đảng viên nói và mẫu mực cho con cháu, cây cao bóng cả cho con cháu, xây dựng khu dân cư vững mạnh bền lâu…” – ông Đinh Văn Hiêng tâm sự.
Còn với bà Cầm Thị Tuyết Nga – Cựu học sinh Trường Trần Đăng Ninh, Khu tự trị Thái – Mèo, những cảm xúc bồi hồi của cuộc gặp Bác Hồ ngày 7/5/1959 vẫn còn in đậm trong trí nhớ.
Bà Cầm Thị Tuyết Nga chia sẻ: Lúc đó, tôi 14 tuổi, đang học lớp 5. Sáng sớm ngày 7/5, chúng tôi mặc quần áo đẹp, quàng khăn đỏ và được đưa đến chờ đón đoàn ở gần khán đài Sân vận động Thuận Châu. Chúng tôi ai cũng háo hức, mong ngóng Bác Hồ đến thật nhanh để được nhìn thấy Bác, được gần và được nắm tay Bác. Bỗng có tiếng nói to: Bác Hồ, Bác Hồ đến rồi kìa. Tất cả chúng tôi ai cũng nhìn sang và thấy Bác đang cùng đoàn đi tới. Chúng tôi ùa đến xung quanh Bác, dâng bó hoa tặng Bác. Ai cũng muốn được đi gần Bác nhất. Khi lên khán đài, không ai bảo ai, chúng tôi đều chen vào để mong đứng cạnh Bác, được ngắm Bác gần hơn. Sau đó, Ban tổ chức phải sắp xếp lại, tôi đứng cách 2-3 bạn, nhưng vẫn rất gần Bác và lắng nghe giọng nói ấm áp của Người.
Đối với bà Nga, cuộc gặp Bác Hồ năm ấy là niềm tự hào, là một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời. Sáu mươi năm đã trôi qua, nhưng những cảm xúc được đón Bác năm ấy vẫn không thể nào quên. Làm theo lời căn dặn của Bác, bà Cầm Thị Tuyết Nga đã ra sức học tập, tu dưỡng rèn luyện, trong suốt các năm học phổ thông luôn đạt học sinh khá và giỏi. Tốt nghiệp phổ thông, bà thi vào học trường Đại học Y khoa Hà Nội, trở thành bác sỹ nhi khoa, góp phần công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.