Theo UBND huyện Ba Vì, do nằm ở phía hạ lưu của thủy điện Hoà Bình nên hàng năm dòng chủ lưu thay đổi diễn biến không ổn định thường gây ra sạt lở đất bãi ven sông, đặc biệt là 4km bờ sông chảy qua địa phận xã Cổ Đô, tương ứng từ K4+250 đến K8+600 đê hữu Hồng.
Khu vực trên là một trong những vị trí đê xung yếu được UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án bảo vệ tại Quyết định số 3645/QĐ-UBND ngày 9/7/2019 phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019.
Trong những năm gần đây, do sự biến đổi dòng chảy và ảnh hưởng của việc điều tiết hồ Hòa Bình, Tuyên Quang… khu vực kè Cổ Đô thường xuyên bị sạt lở, đe dọa trực tiếp đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Năm 2017 - 2018, xảy ra sự cố sạt lở đất bờ sông, sạt lở mái kè, mái đê tại 2 vị trí tương ứng từ K5+00 đến K5+850 và từ K6+240 đến K6+500 hiện đang được tiến hành xử lý cấp bách chống sạt lở theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Bước đầu công trình đã phát huy hiệu quả đầu tư, đảm bảo an toàn đê điều phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện Ba Vì.
Tuy nhiên vừa qua, Sở NN&PTNT Hà Nội chủ trì cùng các Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, UBND huyện Ba Vì tổ chức kiểm tra thực tế tại hiện trường. Qua kiểm tra cho thấy, tình hình xói lở có chiều hướng phát triển, mở rộng, tiến sát và ăn sâu về phía chân đê.
Để đảm bảo ổn định tổng thể công trình, an toàn toàn tuyến đê, tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, UBND huyện Ba Vì đề nghị UBND TP Hà Nội, xem xét chấp thuận cho tiến hành xử lý cấp bách chống sạt lở bờ sông, mái kè (mái đê) đoạn từ K7+100 đến K7+500.
Đối với đoạn từ K6+500 đến K7+100 đề nghị cho tiến hành khảo sát, đánh giá diễn biến lòng sông và đề xuất phải pháp xử lý tổng thể đảm bảo ổn định lâu dài. Đồng thời, khớp nối đồng bộ hạ tầng khu vực phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện năm 2019 và các năm tiếp theo.