Hiện nay Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đang triển khai Dự án tổng thể, trong đó có: Công tác xây dựng lưới địa chính, công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Tới thời điểm hiện tại đã lập lưới địa chính được 490 điểm, đo đạc được 66,670ha và cấp được 80.284 GCNQSDĐ.
Để triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai Sở TN&MT Yên Bái đã thực hiện thí điểm tại thị xã Nghĩa Lộ. Đây là nơi điểm để nhân rộng ra các huyện thị khác trong tỉnh. Theo đó, Sở TN&MT đã trang bị thiết bị phần cứng, phần mềm thương mại cho các địa phương: Máy chủ đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, máy tính xách tay phục vụ quản trị hệ thống, máy tính để bàn, phần mềm thương mại cho các địa phương.
Ngoài ra, tại một số huyện đã mở các khóa đào tạo, chuyển giao công nghệ phần mềm (Vilis) phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tại một số huyện. Hiện nay, đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào vận hành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu tại 7/7 xã, phường và tích hợp chung cho toàn thị xã Nghĩa Lộ, với tổng số thửa xây dựng cơ sở dữ liệu: 54.894 thửa. Tỉnh Yên Bái đang triển khai thực hiện công tác xây dựng cơ sở dữ liệu tại huyện Trạm Tấu, TP.Yên Bái và huyện Lục Yên. Riêng đối với thị xã Nghĩa Lộ đã hoàn thành và đi vào sử dụng, tuy nhiên trong quá trình vận hình cũng gặp một số khó khăn.
Ông Trần Ngọc Phú - Trưởng Ban Quản lý dự án (Sở TN&MT Yên Bái) cho biết: Hiện nay công tác xây dựng cơ sở đất đai và duy trì vận hành cơ sở dữ liệu đất đai còn gặp rất nhiều khó khăn: Trình độ tin học cán bộ của cấp huyện, xã trong việc cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai còn hạn chế, khi sử dụng các phần mềm còn lúng túng và thường xuyên phải trao đổi với Sở TN&MT tỉnh và đơn vị cung cấp phần mềm để sửa vá lỗi liên quan đến việc cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai.
Hơn nữa, sau khi hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, sở đã bàn giao cho địa phương nhưng địa phương lại không có kinh phí để duy trì hệ thống đường truyền kết nối mạng internet giữa phòng đăng ký đất đai với cán bộ địa chính xã phường. Chính vì không có kinh phí để duy trì nên hệ thống này chạy không được ổn định và không được cập nhật thường xuyên. Ngoài ra, việc chỉnh lý biến động đất đai gặp khó khăn là do sự phát sinh biến động trong cơ sở dữ liệu đất đai rất lớn. Vì vậy, mà việc cập nhật chưa được kịp thời, nguồn cung cấp số liệu cho cơ sở dữ liệu đất đai còn hạn chế và chưa được nhanh chóng.
Có thể thấy, biến động về đất đai trên địa bàn tỉnh những năm gần đây diễn ra với mức độ mạnh do nhu cầu phát triển. Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai sẽ giúp chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp nắm được chính xác tình hình biến động về đất đai, nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả sử dụng đất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
“Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trong công tác quản lý đất đai là một trong những nội dung rất quan trọng, giúp theo dõi được biến động về đất đai và thông tin kịp thời để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất đai. Đây là nguồn tài liệu quan trọng trong công tác quản lý, giải quyết được những vấn đề về tranh chấp đất đai, trao đổi chuyển nhượng, mua bán và thực hiện quyền và nghĩa vụ khác của người dân một cách minh bạch và kịp thời”, ông Trần Ngọc Phú nói.