Tích cực tuyên truyền
Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, hàng ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 460 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, rác thải nhựa chiếm khoảng 10% (tương đương 46 tấn/ngày). Chất thải nhựa hầu hết đều chưa được phân loại mới đang được thu gom, vận chuyển và xử lý cùng với các loại chất thải rắn sinh hoạt khác.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới có 1 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái chế rác thải nhựa, lượng rác thải nhựa được tái chế ước tính khoảng 8% (tương đương 3,7 tấn/ngày).
Cửa hàng sữa Vinamilk trên đường Đinh Tiên Hoàng đã sử dụng túi ni lông dễ phân hủy từ ngày 1/1/2020 |
Bên cạnh đó, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt hầu như mới chỉ được thực hiện tại khu vực thành phố và huyện lân cận. Còn tại các khu vực nông thôn, rác thải nhựa nói riêng và rác thải sinh hoạt nói chung hầu hết được các hộ gia đình tự thu gom, xử lý tại nhà bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp…làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Để hạn chế ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, tỉnh Yên Bái đã tích cực tuyên truyền thông qua các hoạt động cụ thể: Tổ chức thi văn nghệ, vẽ tranh về chủ đề bảo vệ môi trường, phát miễn phí các sản phẩm thân thiện với môi trường cho người dân; triển khai thí điểm phân loại rác thải tại nguồn tại xã Việt Thành, huyện Trấn Yên…
Hiệu quả bước đầu
Theo ghi nhận của Phóng viên, hiện nay, rất nhiều cửa hàng ở TP. Yên Bái đã dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường để bán hàng và đã được khách hàng ủng hộ mặc dù phải mất thêm chi phí từ 1.000 đồng – 2.000 đồng.
Bà Trần Thị Hậu – Chủ cửa hàng quán cháo Quyến Anh, tại số 253 đường Đinh Tiên Hoàng, TP.Yên Bái đã sử dụng các hộp giấy thay thế cho hộp nhựa dùng một lần để đựng cháo cho khách hàng từ năm 2018. Anh Vũ Ngọc Anh, khách hàng chia sẻ: “Tôi cũng thường xuyên mua cháo cho con, chủ cửa hàng cháo Quyến Anh đã thay thế các hộp nhựa bằng các hộp giấy thân thiện với môi trường như vậy là rất tốt”.
Chị Trần Thị Nhung – Nhân viên bán hàng cửa hàng sữa Vinamilk đường Đinh Tiên Hoàng được biết: Từ đầu năm đến nay, cửa hàng đã có thêm túi ni lông 100% phân hủy sinh học, thời gian phân hủy trong vòng 12 tháng, khi khách hàng sử dụng túi này phải trả thêm 1.000 đồng, khách hàng rất vui vẻ dùng túi này.
“Nhận thức của người dân, doanh nghiệp cũng như Cán bộ, Công chức, Viên chức về chất thải nhựa được nâng lên, từ đó, thay đổi từ nhận thức đến hành động. Hầu hết, các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước và một bộ phận các doanh nghiệp đã sử dụng chai thủy tinh thay thế cho chai nhựa đựng nước trong các cuộc họp, hội nghị của cơ quan”.
Hà Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái
Tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, một số bản du lịch cộng đồng người dân đã tự đan sọt rác bằng tre, nứa, bố trí để dọc các lối đi dành cho khách qua đường bỏ rác chung tay bảo vệ môi trường và hạn chế rác thải nhựa. Lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Mù Cang Chải cho biết: Huyện đã tích cực tuyên truyền, triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm nâng cao ý thức cho người dân, không vứt rác thải tràn lan trên mặt đường và ở các sông suối, ao hồ… Hiện nay, huyện đã phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng các bãi rác thải tập trung tại một số xã như: xã Khao Mang, xã Nậm Khắt, xã Púng Luông… Còn những xã chưa có bãi rác, người dân đã chủ động đào hố để xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày bằng phương pháp đốt, chôn lấp để bảo đảm giữ gìn vệ sinh môi trường.